Giao lưu văn hóa Việt – Nga (kỳ 2): Một 'dòng chảy Nga' trong văn học Việt

24/12/2019 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Văn học Nga với đặc trưng là tính nhân văn cao cả, chất lãng mạn trữ tình và hiện thực sâu sắc có ảnh hưởng không nhỏ đối với nền văn học Việt Nam. Và sau hơn thế kỷ, chúng ta hãy cùng nhìn lại những tâm hồn, tính cách Nga in đậm trong lòng người Việt Nam thông qua văn học và cả những thành tựu về lý luận phê bình.

Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 1): Một 'biên niên sử' đặc biệt

Giao lưu văn hóa Việt - Nga (kỳ 1): Một 'biên niên sử' đặc biệt

Nền văn hóa của Việt Nam và nước Nga đã có một mối quan hệ rất lâu đời, luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử… Để rồi, câu chuyện ấy lại được xới lại trong năm 2019 - năm kỷ niệm 220 năm ngày sinh Đại thi hào A.S. Pushkin, và năm tôn vinh "Việt Nam trong lòng nước Nga và nước Nga trong lòng Việt Nam".

1.Thực tế, trong quá trình giao lưu và sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn Việt Nam đã tìm thấy trong văn học cổ điển Nga những tư tưởng sáng tác, phong cách nghệ thuật có giá trị. Và đáng nói, việc tiếp nhận, học hỏi tư duy nghệ thuật, bút pháp sáng tác văn học Nga ở Việt Nam là sự sáng tạo và phát triển phù hợp với tư duy của giới văn học Việt Nam, chứ không phải là một sao chép máy móc.

Chú thích ảnh
Những cuốn sách văn học Nga không chỉ tạo ra một thế hệ độc giả, mà còn ảnh hưởng tới sáng tác của nhiều nhà văn Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam cho thấy những ảnh hưởng sâu sắc từ đặc trưng của văn học Nga Xô Viết về tính sử thi, trữ tình lãng mạn. PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh, Viện Văn học từng có nhận xét rằng: “Hoàn toàn có thể nhận ra cảm hứng lãng mạn và những lựa chọn đạo đức trong các tác phẩm như Xa Mạc Tư Khoa, Gia đình Xurbin, Vùng mỏ Đolbasss, Bến bờ… trong văn học Xô Viết ở những trang sách của nhà văn Việt Nam như Vùng mỏ, Gang ra, Thung lũng Cô tan, Xi măng… Hay cuộc đấu tranh trong nội bộ nhân dân từ Đất vỡ hoang của M.Solokhov đến Cái sân gạch, Vụ lúa chiêm, Bão biển, Đất làng… Đặc biệt, đó là phẩm chất người lính từ Tinh cầu của Kazakievich đến Trước giờ nổ súng của Lê Khâm, Tấc đất của Baklanov đến Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, hoặc thơ Mayakovsky và thơ bậc thang của Trần Dần”.

Chú thích ảnh
PGS.TS. Đào Tuấn Ảnh, Viện Văn học tại hội thảo khoa học quốc tế: “Giao lưu, đối thoại văn học và và văn hóa” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội

2. Xét riêng ở góc độ tác phẩm và tác giả, nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học Nga Xô Viết như L.Tolstoi hay A.Chekhov cũng tạo ra những dấu ấn đậm nét trong những sáng tác văn xuôi của các tác giả Việt Nam. Theo TS Đỗ Hải Ninh – Viện Văn học viết trong tham luận tại hội thảo thì “Trong quá trình tiếp nhận L.Tolstoi ở Việt Nam, không chỉ tư tưởng và phong cách nghệ thuật của nhà văn đã có những ảnh hưởng rộng rãi mà sự đào sâu vào cái tôi cá nhân và sự tự vấn không ngừng qua các văn bản tự thuật cũng gợi nhiều suy ngẫm và nhắc nhớ tới quá trình phát triển của hồi ký, tự truyện Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn từ sau 1986”.

Chú thích ảnh
GS.TS. Trần Đình Sử - nhà khoa học có công lớn trong việc nghiên cứu thi pháp học và tiếp nhận thi pháp học Nga ở Việt Nam

Có thể thấy, không chỉ các tiểu thuyết của L.Tolstoi đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn học Việt Nam mà hành trình văn chương của ông với những tác phẩm đậm chất tự thuật cũng gợi nhiều liên tưởng đến những nhà văn Việt như: Tô Hoài, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn,… Những tác phẩm tự thuật của L.Tolstoi làm cho các nhà văn nhận thức sâu sắc hơn con đường văn chương và hành trình đi từ nhìn sâu vào cái tôi cá nhân để đến thế giới tâm hồn con người bên cạnh ý thức truy vấn, suy tư về sự sống. Tự thuật của L.Tolstoi cũng gợi mở cho văn giới Việt Nam những kinh nghiệm viết lách: không ngừng tư duy, luôn lật trở nghĩ suy và đi đến tận cùng một cách triệt để những quan điểm, cho dù đôi khi mâu thuẫn và cực đoan.

Chú thích ảnh
PGS. TS. La Khắc Hòa tại Hội thảo khoa học Quốc tế: “Việt Nam – Liên Bang Nga: Giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”

3. Trong khi đó, A.Chekhov đến với văn học Việt Nam có phần muộn và chậm hơn (từ năm 1957) so với các nhà văn Nga cổ điển khác như: L. Tolstoi, P. Dostoevsky,... Song sự muộn mằn đó đã được giới sáng tác Việt Nam khắc phục một cách tích cực. Chính các nhà văn Việt Nam với tư cách là những chủ thể sáng tạo có những đặc điểm riêng trong cách tiếp nhận, đã nhạy bén và nhanh chóng tham gia vào quá trình tiếp nhận A.Chekhov ở mọi bình diện, từ dịch thuật, xuất bản cho đến phê bình và sáng tác với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu như: Người trong bao, Anh béo và anh gầy, Con kì nhông,…

Từ góc độ dấu ấn của tác giả tiêu biểu văn học Nga Xô Viết cùng như sự tiếp nhận các tác phẩm văn học Nga kinh điển, có thể thấy được những ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống sáng tác văn học ở Việt Nam, đưa đến việc hình thành một nền văn học Việt Nam có giá trị với đa dạng cá tính sáng tạo và tư duy sáng tác khác biệt trên cơ sở tiếp nhận có chọn lọc những tư tưởng nghệ thuật từ nền văn học Nga Xô Viết.

Lý luận sáng tác và "thi pháp Nga"

Không chỉ dừng lại ở mặt tác phẩm văn học mà ảnh hưởng về mặt lý luận sáng tác, phê bình văn học Nga Xô Viết ở Việt Nam cũng rất đậm nét, đặc biệt là ở miền Bắc.

Luận bàn về sự tiếp nhận các lý thuyết văn nghệ Xô Viết ở Việt Nam từ 1986 đến nay, PGS.TS. La Khắc Hòa – Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ rõ, giới nghiên cứu và phê bình văn học Việt Nam có được sự chủ động trong việc lựa chọn tiếp nhận và tiếp biến cả 4 hệ thống lý thuyết bao gồm: Thi pháp học Nga; Hình thái học nghệ thuật của Trường phái hình thức luận Nga; Triết học, mỹ học và lý luận văn học của M.M. Bakhtin; Thi pháp học nội dung của G.N.Pospelov và kí hiệu học văn hóa của J.M. Lotman.

Riêng ở hệ thống lý thuyết thi pháp học, có thể nói việc tiếp nhận thi pháp học Nga Xô Viết ở Việt Nam được xem là bước ngoặt làm thay đổi mạnh mẽ nhất khoa học nghiên cứu văn học ở Việt Nam mà người có công đầu đưa thi pháp học trở thành hoạt động nghiên cứu khoa học nổi bật tại Việt Nam phải kể đến GS.TS Trần Đình Sử. Thông qua những công trình nghiên cứu của mình, GS.TS Trần Đình Sử đã tạo ra “một tòa” lý thuyết thi pháp học cân đối và hoàn chỉnh với một hệ thống dày đặc khái niệm, phạm trù thi pháp học.

(còn nữa)

Công Bắc – Đỗ Doãn Tú

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm