Góc nhìn 365: Ngày Tết, đi hay... ở?

06/01/2022 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chúng ta đã ở khá gần cái Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Và, khi không khí Tết đang dần lan tỏa và chi phối mọi chi tiết của đời sống hàng ngày, câu chuyện “đi chơi hay ở nhà” dịp Tết lại bắt đầu được hâm nóng trên mạng xã hội.

Góc nhìn 365: Lời chúc 'năm Covid'

Góc nhìn 365: Lời chúc 'năm Covid'

Chúng ta vừa bước sang năm mới 2022. Và, gắn kèm với nó là một kỳ nghỉ Tết Dương lịch có phần trầm lắng, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh thành.

Bởi, dù là đi nghỉ dưỡng hay đi “phượt” theo kiểu bụi bặm trong dịp Tết, bạn đã phải bắt đầu lên kế hoạch từ bây giờ: chọn điểm đến, đặt vé (nếu đi xa), phác thảo lịch trình, kết nối bạn đồng hành. Và cuối cùng, tưởng đơn giản nhưng lại quan trọng nhất: Thông báo - thậm chí là xin phép - người lớn tuổi tại gia đình về sự vắng mặt của mình trong vài ngày hoặc toàn bộ kì nghỉ Tết…

Chính việc “lấy ý kiến” người lớn tuổi trong gia đình là nguồn cơn để chuyện đi chơi ngày Tết vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi nhiều năm qua.

Đơn giản, với rất nhiều người thuộc thế hệ trước, ngày Tết vẫn mặc định được coi là cơ hội để đoàn viên, sum họ bên cạnh gia đình và người thân sau một năm vất vả. Và, dù đồng ý “bật đèn xanh” cho chuyến đi chơi của người trẻ, không có gì lạ khi trong đáy lòng những người đã làm cha mẹ, ông bà ấy vẫn có một khoảng trống khó lấp đầy.

Chú thích ảnh
Người dân chọn mua cây quất về chơi Tết cùng với cành đào truyền thống. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Để rồi, từ cảm xúc rất thực của người thân, đã có nhiều người trẻ muốn tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc ấm cúng cùng gia đình và dần tỏ ra dị ứng với xu thế “bỏ nhà đi chơi” ngày Tết. Trong khi, ở hướng ngược lại, cũng rất nhiều người trẻ kiên quyết với lựa chọn của mình, với quan điểm rằng Tết bây giờ đã khác xưa, và sự gắn bó với gia đình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố so với những gần gũi đơn thuần về vật lý.

Cuộc tranh luận ấy sẽ không bao giờ có hồi kết, khi mỗi người trong cuộc đều có những góc nhìn riêng, với hoàn cảnh riêng của mình.

***

Trào lưu đi du lịch ngày Tết đã xuất hiện tại Việt Nam từ hai chục năm qua và ngày càng phát triển mạnh theo thời gian. Thẳng thắn, đó là sự xuất hiện tất yếu liên quan tới vấn đề đa dạng hóa sở thích và cách hưởng thụ, khi đời sống kinh tế của chúng ta được nâng cao dần.

Từ du lịch trong nước tới nước ngoài, từ mua tour tới đi phượt, từ việc tự tổ chức cho tới sự xuất hiện của những tour “khám phá Tết châu Á” được thiết kế rất công phu tại Trung Quốc, Malaysia, Singapore...., xu thế du lịch ấy đến giờ đã phổ biến tới mức sẽ chẳng làm ai ngạc nhiên khi nghe tới nó.

Nhưng, trong sự vận động tự thân, bản thân xu thế này cũng có những chuyển biến theo thời gian. Ở giai đoạn đầu, nếu những chuyến du lịch ngày Tết của người Việt xuất phát từ tiền đề tận dụng kì nghỉ dài nhất trong năm thì sang giai đoạn kế tiếp, chúng ta cũng đã có ý thức đi du lịch để thưởng thức không khí và phong vị Tết ở mọi miền, thậm chí là ở các nước châu Á.

Rồi gần đây, như chia sẻ trên các diễn đàn, đã có không ít người “tranh thủ” đi du lịch vào những ngày cận Tết, để rồi từ ngày 30 trở về và tận hưởng không khí Tết trong tính chất của một kì nghỉ... tại nhà. Rồi, dù tranh luận qua lại, những ý kiến về chuyện “đi hay ở” cũng đã bắt đầu gặp nhau ở một điểm chung: Nếu có thể, đón giao thừa và mùng một Tết cùng gia đình rồi mới “xuất hành” thì sẽ hợp lý hơn là đi xuyên Tết.

Những thay đổi ấy có lẽ cũng đến từ sự thay đổi trong quan niệm của xã hội: Khi đời sống kinh tế (và hưởng thụ) phát triển đến một giai đoạn nhất định, chúng ta lại bắt đầu có ý thức quay về với những giá trị bền vững của văn hóa truyền thống, và của nhân tố gia đình.

Bây giờ, sau một năm u ám vì đại dịch Covid-19, liệu có vô lý nếu nói rằng: Hãy nghĩ thêm tới người thân và gia đình trong câu chuyện “đi hay ở”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, chúng ta vẫn bảo nhau: Gia đình được bình an tới thời điểm này đã là một hạnh phúc. Và nếu đứng trên phương diện người lớn tuổi, sẽ chẳng có gì sai nếu các bậc ông bà, bố mẹ có thêm chút lo lắng cho lứa trẻ trước những chuyến du lịch trong bối cảnh dịch bệnh vẫn hoành hành.

Hãy tự cân bằng, thậm chí là có thêm chút “nhượng bộ” cần thiết, nếu những người xung quanh muốn có thêm thời gian sum họp cùng bạn trong cái Tết này. Bởi, Tết là để hạnh phúc, và sự hạnh phúc ấy không hẳn chỉ có ở những chuyến đi chơi dài ngày trong năm mới.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm