Góc nhìn 365: Tết xưa - Tết nay

18/01/2022 11:14 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Chúng ta vừa bước qua rằm tháng Chạp. Có nghĩa, chừng 2 tuần nữa, Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022 sẽ bắt đầu.

Tết xưa của mẹ

Tết xưa của mẹ

“Tết về nhớ đến quê nhà/ Thịt thưng bánh tráng mặn mà khó quên!”. Câu ca dao miền Trung nghe da diết một nỗi nhớ quê của người xa xứ thèm được ăn tết ở nhà, nơi đó gia đình sum họp...

Chuẩn bị đón cột mốc ấy, đâu là cảm giác của bạn và gia đình trong những ngày này: hào hứng, tất bật, sốt ruột - hay thậm chí có cả chút lo lắng quanh những tính toán cho “ba ngày Tết”?

Có lẽ, tùy hoàn cảnh, tính cách và độ tuổi, mỗi người sẽ lần lượt trải qua một phần - hay tất cả - những tâm trạng ấy trong dịp giáp Tết này. Nhưng dám chắc, vẫn còn một cảm giác nữa sẽ được gợi lên ở tất cả mọi người, dù có thể chỉ là suy nghĩ thoảng qua:chút hoài cổ để nhớ về những cái Tết từng có trong quá khứ.

Không phải ngẫu nhiên, cuối tuần qua, cuộc triển lãm với tên gọi giản dị “Tết xưa” tại Hà Nội lại thu hút khá đông người xem trong ngày khai mạc.

Ở đó, với cách sắp đặt khá công phu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, khán giả lần lượt được tiếp cận với hơn 100 hiện vật, tư liệu về Tết Nguyên đán truyền thống - để rồi từ đó có dịp nhìn lại khá đầy đủ nghi lễ, phong tục, tập quán từng tồn tại trong ngày Tết của Việt Nam nhiều thế kỷ qua.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Kể từ Tết ông Công ông Táo, rồi việc trang hoàng nhà cửa bằng câu đối đỏ, hoa tươi, tranh Tết, dựng cây nêu, lễ Giao thừa - lễ Trừ tịch tiễn năm cũ đi, đón năm mới về... cho tới cách người xưa thưởng Xuân, chơi Xuân từ mùng 2 Tết đến suốt tháng Giêng, tất cả những nghi thức, tập quán ấy đã được người xưa trao truyền qua nhiều thế hệ. Như lời Ban tổ chức, đó là những câu chuyện giúp người xem hiểu cách đây 2,3 hoặc 4 thế kỷ, ông cha họ đã ăn Tết thế nào.

Và nếu thử thống kê, có không ít phong tục, thói quen hay kể cả thú chơi Tết trong số đó giờ gần như đã biến mất hẳn, hoặc chỉ còn xuất hiện lác đác trong nhịp sống hiện tại. Đơn cử, thú chơi hoa thủy tiên - với những củ hoa được gọt tỉa rất công phu để nở đúng Giao thừa - hiện giờ rất khó để phát triển tại nhiều gia đình khi đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ như thế.

Rồi tất nhiên, cũng không thể bỏ qua những bánh pháo truyền thống, vốn đã bị cấm sản xuất để “nhường chỗ” cho pháo hoa phục vụ cộng đồng từ gần 30 năm nay. Rồi, việc con cháu sáng đầu tiên của năm mới ra mừng tuổi, lạy 2 lạy trước ông bà cha mẹ, lạy 2 lạy - như học giả Phan Kế Bính đã ghi lại trong “Việt Nam phong tục” - tất nhiên đến nay cũng hiếm ai thực hành.

Chú thích ảnh
Chợ hoa Tết

Đơn giản, những tập tục, nghi thực ấy rất đẹp và giàu ý nghĩa, nhưng chỉ có thể được duy trì trong môi trường văn hóa - xã hội đặc thù từng sinh ra nó. Để rồi, theo dòng chảy của thời gian, một phần trong số đó cũng tới lúc khó tồn tại và tự đổi thay - thậm chí là được chủ động loại bỏ - bởi thế hệ sau này. Như lời nhà sử học Dương Trung Quốc tại triển lãm, đó là câu chuyện gạn đục khơi trong, gác lại những gì không còn thích hợp, dù từng là một phần ký ức và di sản văn hóa dân tộc.

***

Từ cách nhìn ấy, cũng chẳng lạ khi thấy cái Tết bây giờ đang biến đổi khá nhanh so với chính nó của “ngày xưa”, dẫu rằng cái ngày xưa ấy chỉ là của 10, 20 năm trước. Và cũng chẳng lạ, khi dịp Tết về, trong tâm trạng hoài cổ, nhiều người vẫn thấy ngày Tết bây giờ kém vui hơn trước.

Dễ hiểu, cái Tết trong quá khứ - vốn gắn liền với tuổi trẻ, ký ức và kỷ niệm của mỗi chúng ta - bao giờ cũng lung linh và tạo ra cảm giác lãng mạn hóa khi nhìn lại.

Hãy cứ trân trọng sự hoài niệm tất yếu ấy, cũng như hãy “để yên” cho sự so sánh “Tết xưa - Tết nay” vẫn rộ lên trên mạng xã hội nhiều năm qua trong dịp Tết về. Chắc chắn, vào thời khắc đón Tết, mỗi người trong số chúng ta sẽ đến lúc tự buông bỏ những so sánh, hoài cổ để tận hưởng niềm vui của một cái Tết hiện tại, dù đã và đang biến đổi.

Bởi, như lời học giả PGS Nguyễn Văn Huy, Tết của người Việt có biến đổi thế nào thì những giá trị cốt lõi vẫn sẽ được giữ nguyên: “Tết là sum vầy, là con cháu hướng về tổ tiên, có bánh chưng bày lên bàn thờ Tết, thắp nén hương thơm trong những ngày Tết, giáo dục con cháu uống nước nhớ nguồn, không quên công sinh thành, dưỡng dục của thế hệ trước. Tết cũng là mùa đẹp nhất trong năm, mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, thiên nhiên giao hòa; con người thường lắng lại, nghỉ ngơi, thưởng thức những gì thiên nhiên ban tặng. Sự vĩnh cửu của thời tiết, thiên nhiên gắn với văn hóa mà người Việt tạo ra mới là giá trị đích thực mà Tết xưa đem lại”.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm