28/05/2018 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Như Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã đề cập, ngày 25 và tối 26/5/2018 tại Hong Kong (Trung Quốc), là một dấu mốc đáng nhớ của danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), khi nhiều tranh của ông xuất hiện tại đây, trong đó có hai kiệt tác.
Kết quả kiệt tác Người bán ốc bán gần 600.000 USD và Em bé cho chim ăn bán hơn 853.000 USD - cao giá nhất và nhì của Nguyễn Phan Chánh trên thị trường quốc tế.
Tin vui là các nhà sưu tập Việt Nam đã đấu giá thành công hai bức này, chúng sẽ được hồi hương sau thời gian dài chu du trên thế giới. Giá hai bức này giờ được xếp vào Top 5 các bức tranh cao giá nhất của Việt Nam trên sàn quốc tế, sau các bức của Lê Phổ, Joseph Inguimberty...
Từ hành trình của ốc
Bức La Marchande de Ôc (Người bán ốc, mực và bột màu trên lụa bồi giấy, 88cm x 65,5cm, 1929) xuất hiện tại phiên đấu kép Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20 và đương đại và Người đương thời: Tiếng nói từ Đông và Tây của Christie’s Hong Kong tối 26/5/2018. Phiên này giới thiệu 77 lô hàng, đại diện từ Việt Nam có 5 lô.
Bức này từng xuất hiện tại Triển lãm quốc tế Paris - Bois de Vincennes, Pháp, kéo dài từ ngày 6/5 đến 15/11/1931, nơi Nguyễn Phan Chánh tham gia 6 tác phẩm. Có lẽ việc Nguyễn Phan Chánh được xuất hiện tại triển lãm danh giá này là nhờ năm 1929, khi còn học ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông đã giành giải Nhất cuộc thi vẽ mẫu tem Bưu chính Đông Dương.
Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh còn vẽ hai bức lụa mà sau này thành kiệt tác, đó là Chơi ô ăn quan và Em bé cho chim ăn. Đây cũng là những năm đầu tiên Nguyễn Phan Chánh thử sức với lụa, theo sự khích lệ của thầy hiệu trưởng Victor Tardieu (1870-1937).
Kiệt tác Người bán ốc được sưu tập từ năm 1931, thỉnh thoảng mới xuất hiện chỗ này chỗ kia. Gần nhất là tại Bảo tàng Hoàng gia Mariemont, Bỉ, trong triển lãm Hoa đào và chim xanh: Nghệ thuật và văn minh của Việt Nam, kéo dài từ ngày 20/4 đến 18/8/2002. Bức này gần như chưa xuất hiện tại Việt Nam, nên rất may, không có tranh chép và tranh giả.
Suốt đời Nguyễn Phan Chánh vẽ chừng 150, hoặc 160, hoặc 170 bức tranh - tùy số liệu và cách tính. Bức Người bán ốc có kích thước đặc biệt nhất, là 88cm x 65,5cm, trong khi kích thước phổ biến của Nguyễn Phan Chánh là 65cm x 50cm.
Rất hy vọng chủ nhân mới của bức này sẽ hào phóng và dũng cảm cho Người bán ốc được xuất hiện tại vài triển lãm/trưng bày tại Việt Nam. Điều này không chỉ “giải cơn khát” xem tranh thật của Nguyễn Phan Chánh, mà còn là dịp để người hâm mộ đến gần hơn một kiệt tác đã rời xa quê hương gần 90 năm.
Đến lối về của chim
Christie’s Hong Kong ngày 27/5 có hai phiên đấu liên quan đến tranh Việt, trong đó phiên Nghệ thuật Á châu thế kỷ 20 giới thiệu 227 lô hàng, tranh Việt có 21 lô. Tại đây xuất hiện những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lương Xuân Nhị, Hoàng Tích Chù, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trung… Phần lớn đã bán vượt giá dự kiến, một tín hiệu đáng mừng.
Bức Enfant à l'oiseau (Em bé cho chim ăn, mực và bột màu trên lụa, 65cm x 50cm, 1931 - với khung gốc của Gadin) xuất hiện tại phiên này, có giá dự kiến từ 127.983 đến 204.774 USD. Kết quả bán 6.700.000 HKD, tương đương 853.921 USD, tăng giá hơn 600%.
Thật khó để biết hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam có bao nhiêu bức Em bé cho chim ăn, vì Nguyễn Phan Chánh và các “môn đệ” như Ngô Minh Cầu, Mai Long… từng nhiều lần chép lại bức này theo yêu cầu từ bảo tàng và ngoại giao, chưa nói các nơi làm tranh giả khác.
Nếu gốc tích mà Christie’s đưa ra là khả tín, thì bức tại phiên đấu này có khả năng là bản gốc, hoặc gần với bản gốc nhất. Khái niệm “gần với bản gốc” là để chỉ một tác phẩm mà do chính họa sĩ chép lại, hoặc giám sát việc chép lại, rồi tự mình tỉa tót, ký tên, đóng dấu... Do hoàn cảnh lịch sử, sinh thời Nguyễn Phan Chánh nhiều lần làm chuyện này.
Gốc tích mà Christie’s đưa ra là tạp chí L'Illustration (số 4683, phát hành năm 1932), và triển lãm của Trường Mỹ thuật Hà Nội và Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Agindo (Paris, Pháp, năm 1932).
Khác với sự lặng lẽ và “lành lặn” về câu chuyện của Người bán ốc, chắc chắn việc hồi hương của Em bé cho chim ăn sẽ còn những thị phi, vì tại Việt Nam có ít nhất 2 bức. Một bức thuộc sở hữu của bảo tàng, một bức thuộc sở hữu của tư nhân. Giá một ngày nào đó, cả ba bức này (và các bức Em bé cho chim ăn khác, nếu có được) cùng xuất hiện tại một triển lãm, thì rất tuyệt, vì lúc ấy giới chuyên môn và người hâm mộ sẽ có cơ hội so sánh. Những triển lãm dạng đối chứng này trên thế giới cũng thường tổ chức.
Những bức tranh nổi tiếng của Nguyễn Phan Chánh Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh nổi tiếng với những tác phẩm như Chơi ô ăn quan, Vo gạo, Xem bói, Lên đồng, Em bé cho chim ăn, Người bán gạo, Rửa rau cầu ao, Cô gái róc mía, Người đàn bà hái rau muống, Đi cày, Người bán ốc, Hạnh phúc, Cô hàng xén, Người hát rong, Đám rước… Nguyễn Phan Chánh vẽ nhiều chủ đề, to tát cũng có, nhưng ông đặc biệt thành công khi diễn đạt những con người bình dị, những hình ảnh thân thuộc của Bắc bộ. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất