20/04/2020 15:42 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Hoạ sĩ Trần Khánh Chương, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đã từ trần vào lúc 17 giờ 29 ngày 19-4-2020. Trong sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, của mỹ thuật nói riêng, họa sĩ Trần Khánh Chương có đóng góp to lớn trên cả hai phương diện làm nghề và đóng góp hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Trần Khánh Chương sinh ngày 14-8-1943 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, khoa gốm, khóa 1959-1963; sau đó, ông làm thực tập sinh về đồ gốm sứ tại Trung Quốc 1968-1970. Ông tốt nghiệp Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1975, trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1978.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lâu nhất
Họa sĩ Trần Khánh Chương là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam trong 4 khóa liền, từ 1999 đến 2019; ông còn là đại biểu Quốc hội khoá XI (2002-2007).
Trong 20 năm đảm nhiệm Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự lớn mạnh của Hội. Chính sự lao động không mệt mỏi, chia sẻ của ông với nhiều anh em làm nghề đã làm cho Hội Mỹ thuật duy trì, phát triển, đoàn kết gắn bó trong hoạt động của Hội.
Mới đây, tại buổi gặp mặt nhân năm mới (ngày 6-1-2020), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đánh giá cao những đóng góp của họa sĩ Trần Khánh Chương cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung và sự nghiệp hội họa, mỹ thuật Việt Nam nói riêng. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, họa sĩ Trần Khánh Chương không chỉ là người làm nghề có tài năng, được các họa sĩ trong nước và quốc tế tôn trọng, mà còn là người lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam tận tâm, có uy tín, tạo sự đồng thuận, đoàn kết các anh em họa sĩ trong cả nước, đem lại đóng góp cho sự nghiệp mỹ thuật nước nhà.
Họa sĩ Trần Khánh Chương cùng với Hội Mỹ Thuật Việt Nam đã làm tốt công tác tập hợp các nghệ sỹ tạo hình trong cả nước, xây dựng nền mỹ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông cũng cùng với Hội làm tốt công tác tư tưởng, định hướng sáng tác cho hội viên là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Các tác phẩm đều hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới và Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triền bền vững đất nước.
Có nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Họa sĩ Trần Khánh Chương là người có kiến thức sâu rộng về nghệ thuật tạo hình, sáng tác trên nhiều loại hình: hội họa, đồ họa, gốm. Ông cũng là tác giả của nhiều bài báo, bài nghiên cứu mỹ thuật và bộ sách chuyên đề Gốm Việt Nam.
Trong số các tác phẩm chính của ông, như: Màu xanh trên vùng đất đỏ (sơn dầu, 1980), Ngày vui giải phóng (khắc thạch cao, 1986), Những cánh diều (khắc thạch cao, 1983), Bên cầu Thê Húc (sơn mài), Nhịp thời gian (sơn mài), Trưa cửa Tùng (sơn mài)... đặc biệt có tác phẩm Đường lên Điện Biên (sơn mài), được ông sáng tác năm 2005 – một trong những sáng tác tâm huyết và nhiều kỷ niệm với ông.
Nói về tác phẩm Đường lên Điện Biên, tại triển lãm mỹ thuật Điện Biên năm ấy (tháng 5-2019), họa sĩ Trần Khánh Chương chia sẻ: “Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ về Điện Biên nên cảm xúc rất mãnh liệt. Hồi bé, ở trong Liên khu 4, tôi đã được tiếp xúc với những vũ khí và bộ đội nên trong ký ức của tôi, kháng chiến là một điều rất hiện hữu, không hề xa xôi, lạ lẫm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại được tiếp xúc với những chiến sĩ Điện Biên rất giản dị trong bộ trang phục áo nâu. Trong mắt tôi hồi ấy, hình ảnh bộ đội nên thơ vô cùng”, Bên cạnh đó, còn một kỷ niệm nữa về anh Bộ đội Cụ Hồ đã tạo cảm xúc cho ông sáng tác nên tác phẩm “Đường lên Điện Biên”.
Năm 1953, khi ấy, gia đình ông có một chiếc xe đạp khung inox rất giá trị. Thế nhưng, bố ông đã quyết định cho một người chiến sĩ mượn để anh đi từ Hà Tĩnh lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tận năm 1957, khi gia đình ông đã từ Hà Tĩnh chuyển vào Nghệ An, người lính không quen biết năm xưa ấy vẫn mang chiếc xe đạp đó đến tận nhà trả cho gia đình.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, họa sĩ Trần Khánh Chương là người có nhiều đóng góp cho công tác chuyên môn của bảo tàng này. Ngoài ra, họa sĩ Trần Khánh Chương cũng có nhiều tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
60 năm trong sự nghiệp cầm cọ, họa sĩ Trần Khánh Chương đã đạt nhiều giải thưởng, như: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007; Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ họa Quốc tế Intergrafik Berlin, Đức, năm 1984; Huy chương Vàng Triển lãm Mỹ thuật Thủ công toàn quốc lần thứ II năm 1987; Giải Nhì Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2002; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô: Giải A năm 1987, giải B năm 1976, năm 1984 và năm 1986. Ông cũng nhận: Huân chương Kháng chiến hạng ba; Huân chương Lao động hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa…
Phương Phương/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất