29/09/2017 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Đấy là ý tưởng để anh thực hiện hàng loạt tác phẩm sắp đặt dành cho mọi lứa tuổi trong không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trong chuơng trình nghệ thuật Thu vọng nguyệt sẽ được diễn ra bắt đầu từ đêm nay 29/9/2017.
Chương trình Thu vọng nguyệt – một lễ hội và trình diễn Trung thu lớn nhất và hoành tráng nhất từ trước đến nay được tổ chức lần đầu tiên tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ngoài những phần trình diễn nghệ thuật trên sân khấu, những trò chơi dân gian, các hoạt động rước đèn, phá cỗ,... thì khán giả đến xem cũng sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của hoạ sỹ Lê Thiết Cương xoay quanh chủ đề Trung thu.
TT&VH đã có cuộc phỏng vấn nhanh hoạ sỹ Lê Thiết Cương xung quanh sự kiện này!
* Một câu hỏi quá quen thuộc: Điều gì tạo cho anh cảm hứng để nhận lời làm Giám đốc Mỹ thuật của sự kiện văn hóa Thu Vọng nguyệt dịp Trung thu này?
- Thu Vọng Nguyệt là một sự kiện văn hoá lớn và lần đầu tiên xuất hiện, điều mà trước đây chưa hề có. Đây cũng là lần đầu tiên một Lễ hội Trung thu được tổ chức tại Văn MIếu – Quốc Tử Giám - Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra sự hấp dẫn, kích thích sáng tạo và truyền cảm hứng cho các nghệ sỹ tham gia trong đó có tôi với vai trò giám đốc mỹ thuật.
* Một bộ sưu tập hay một cuộc trưng bày tranh thường thấy trong các viện bảo tàng sẽ rất khác so với việc trưng bày trong một không gian nghệ thuật mang màu sắc lễ hội, anh có “chiêu” gì để kết hợp được thứ ấy trong cùng một sự kiện như Thu Vọng Nguyệt? Và khán giả sẽ mong chờ những điều gì từ các tác phẩm của anh?
- Một bộ sưu tập bày trong phòng triển lãm hoặc bảo tàng nó độc lập với không gian xung quanh, nhưng một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ngoài trời thì nó phải hài hoà với thiên nhiên quanh nó, hài hoà với kiến trúc, cây cối, con đường, bãi cỏ, giếng nước… quanh nó. Nói cách khác, cảnh quan xung quanh, dù là một cái cây cũng phải được biến thành, hoá thân thành một phần của tác phẩm.
Với không gian văn hoá đặc biệt như Văn Miếu thì sự hài hoà của tác phẩm sắp đặt với môi trường cảnh quan trước tiên và trên hết phải hài hoà về văn hoá.
Thu Vọng Nguyệt là một chương trình có tính chất lễ hội và trải dài trong một không gian rộng nên “chiêu thức” để hấp đẫn chính là cách tạo hình, kích thước của tác phẩm, mầu sắc (dùng bảng mầu dân gian) kết hợp ánh sáng, chú trọng chất liệu truyền thống, tích trò truyền thống… để người tham dự được gợi mở về một bài đồng dao hiện đại, để truyền thống dù hay đến đâu cũng vẫn cần được làm mới, trăng thu, chị Hằng hay thằng Cuội chăn trâu dưới gốc đa hay cá chép vọng nguyệt thì cũng phải được sáng tạo lại thêm lần nữa cho người thưởng thức hôm nay.
* Trong 3 đêm thì 2 đêm đầu dành cho các đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi, mà ở đó, “người lớn” khá nhiều. Anh sẽ làm như thế nào để khán giả có thể tìm về được những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ với những đêm Rằm tháng Tám trong trẻo, hồn nhiên?
- Người lớn nào thì cũng đã từng là trẻ con. Người lớn nào mà chả có ký ức về thời thơ ấu của mình! Cuộc sống càng hiện đại thì càng cần phải giữ gìn truyền thống. Cuộc sống càng phẳng, càng hội nhập, càng mở thì càng cần phải có bản sắc.
Hồi ức, ký ức về thuở ấu thơ với những trò chơi dân gian, những lễ hội đêm rằm trung thu không chỉ là câu chuyện trở về quá khứ mà đấy chính là những chất liệu nuôi dưỡng tâm hồn cho những người lớn của hôm nay sống hay hơn, đẹp hơn.
* Việc kết hợp giữa trưng bày nghệ thuật sắp đặt với âm nhạc + thời trang + ẩm thực trong một sự kiện quả thật là bài toán khó. Vậy sắp đặt như thế nào để khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn các cung bậc cảm xúc mà không bị “lệch pha”?
- Thu Vọng Nguyệt là một chương trình tổng hợp của âm nhạc, thời trang, ẩm thực và hội hoạ qua hình thức nghệ thuật sắp đặt. Hiểu vậy thì đúng hơn là nghệ thuật sắp đặt có tính trang trí cho chương trình.
Đã là một chương trình kết hợp của nhiều loại hình thì tất cả phải hài hoà, cùng tôn nhau lên. Âm nhạc với tính chất dân gian mới, thời trang truyền thống cách tân, ẩm thực thì tinh hoa truyền thống 3 miền nên nghệ thuật sắp đặt cũng dựa trên chất liệu và câu chuyện dân gian, đèn sen, trâu, thằng cuội cá ngắm trăng, đèn lồng, tiến sĩ giấy, đầu sư tử, đèn ngôi sao. Tuy nhiên tất cả các “nguyên liệu” ấy đều đã được sáng tạo lại, làm mới lại, làm cho hiện đại hơn. Tôi không chủ trương phục cổ bằng cách copy truyền thống. Cách bảo tồn truyền thống tốt nhất là phải làm mới truyền thống.
Ví dụ: đèn cá của trung thu xưa và đèn cá hôm nay phải khác nhau, đó đơn giản là sự song hành giữa nghệ thuật và cuộc sống.
* Anh muốn gửi đến khán giả Thủ đô thông điệp gì qua những tác phẩm nghệ thuật trong Thu Vọng Nguyệt lần này?
- Mở đầu, khúc dạo đầu, “lời chào” ở ngay trước cổng tam quan Văn Miếu là tác phẩm sắp đặt “Cá ngắm trăng” lấy từ câu chuyện Lưỡng ngư vọng nguyệt”, Lý ngư vọng nguyệt, Lưỡng ngư chầu nhật, là một mô thức trang trí rất phổ biến trong nghệ thuật dân gian thường thấy ở tranh Hàng Trống, ở các điêu khắc trang trí trên bờ nóc của đình, đền và ngay ở Văn Miếu cũng có với ý nghĩa tốt lành, may mắn.
Thay vì một đôi cá chép ngắm trăng, trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt là một đàn cá chép với cách tạo hình mới (dưới dạng đèn lồng), với các kích thước to nhỏ, dài ngắn, mầu sắc khác nhau, sặc sỡ tương phản, vui tươi. Bố cục theo cách treo như một cái cổng. Bên trong Văn Miếu suốt từ ngoài vào đến sân Thái Học đều được coi là “mặt trăng” dựa trên bài hát đồng dao; Chú Cuội ngồi dưới gốc đa chăn một đàn trâu. Kết thúc sẽ là một dòng sông ánh sáng được tạo bởi những hạt thóc, hạt gạo/đèn biểu tượng của mùa gặt, vụ mùa bội thu…
Mở đầu con đường “Thu Vọng Nguyệt” là lời chào tốt lành may mắn và kết quả của con đường là lời chúc cho một mùa vui, được mùa, no ấm, hạnh phúc. Đó cũng là hàm ý mà không chỉ riêng tôi mà tất cả ekip thực hiện chương trình muốn chuyển tới tất cả khán giả khi đến thưởng thức Thu Vọng nguyệt.
* Trân trọng cảm ơn anh!
PTTT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất