21/04/2021 08:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Thêm một tin gây sốc cho giới văn nghệ năm nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời chiều 20/4/2021 ở nhà riêng tại Hà Nội. Một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã lặng lẽ rời xa trần thế, thật nhẹ nhàng như thơ ông từng viết: “Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than”.
Hoàng Nhuận Cầm – “viên xúc xắc” của mùa thu Hà Nội
Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cái tên Hoàng Nhuận Cầm là do ông nội ông đặt cho, có nghĩa là “cây đàn vàng”, với mong ước đứa cháu sẽ trở thành nhạc sĩ giống cha - nhạc sĩ Hoàng Giác.
Tuy vậy, Hoàng Nhuận Cầm lại không theo con đường âm nhạc, bao nhiêu sự lãng mạn, mơ mộng của chàng trai Hà Nội đều dành cho thơ. Tốt nghiệp cấp III, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 16). Cánh cửa cuộc đời như đã mở rộng với chàng thanh niên Hà thành tài hoa và nhiều mơ mộng.
Nhưng năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng đông đảo bạn bè đồng khoá trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, “xếp bút nghiên” khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, đặc biệt là mặt trận Trị Thiên - Huế. Những tháng ngày bom đạn, máu lửa ấy đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ ông.
Chính giờ ra mặt trận Quảng Trị mùa hè 1971, chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm đã có câu thơ dang dở: “Em thấy không - tất cả đã qua rồi/Trong hơi thở, và thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo thức/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.
Hàng trăm nữ sinh khi chép đoạn thơ này đã khóc khi tiễn bạn lên đường ra trận, còn những sinh viên mặc áo lính như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Trọng Văn đều ghi sổ tay. Cùng với Hoàng Nhuận Cầm, câu thơ đó ra trận. Thật may mắn khi người lính lãng mạn đó được trở về. Sau chiến tranh, ông về học lại Khoa Ngữ văn rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình. Mặc dù vậy, cuộc sống của ông vẫn dành trọn vẹn cho thơ.
Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu.
Một hồn thơ “chưa lỗi hẹn bao giờ”
Hoàng Nhuận Cầm đã đến với đời 69 năm, làm bạn với thơ gần 50 năm. Ông đã đứng trong dòng chảy của lịch sử để chiến đấu, đứng trong dòng chảy của thi ca để cống hiến, sự kết hợp một cách nhuần nhị giữa 2 yếu tố lịch sử và thi ca đó đã tạo nên một thương hiệu của nhân chứng làm thơ “Hoàng Nhuận Cầm”. Trong suốt chặng đường dài tính bằng năm tháng, “trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ”, chưa lỗi hẹn với đời, với thơ, với tình yêu, với bạn đọc - những người đã luôn yêu mến và ủng hộ thơ ông.
Hoàng Nhuận Cầm đã từng không ngần ngại mà nói rằng: “Thơ tôi chính là hơi thở của tôi. Thiếu nó, tôi không chết ngay nhưng sẽ chết ngạt và chết dần dần…”. Hình như với thơ, ông luôn coi mình là đứa trẻ mặc cho thời gian đã trôi qua bao lâu...
Cái tên Hoàng Nhuận Cầm được trình làng lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng Giêng 1972 với ba bài thơ: Bức tranh dọc đường hành quân, Đêm khuya nói chuyện với Andecxen và Mùa thu tôi yêu. Trong một giọng điệu tâm hồn trẻ trung, trong sáng, những bài thơ nói về đời sống chiến sĩ, chiến trường, nhưng còn thấm đầy hương vị tuổi học trò. Về sau, ông được biết đến trước hết là một thi nhân với những bài thơ tình nổi tiếng: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, Hoàng Nhuận Cầm là một đại diện tiêu biểu cho lứa tuổi sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ mới, qua ngưỡng cửa nhà trường vào ngay cuộc chiến tranh rộng lớn, ác liệt. Bàn chân anh lính Hoàng Nhuận Cầm hướng theo kim chỉ nam “tứ thơ nằm thăm thẳm lối Trường Sơn” bằng tất cả hồn nhiên và say mê. Giọng điệu hào sảng của Hoàng Nhuận Cầm cũng lẫn vào dàn đồng ca thơ chống Mỹ giục giã cho tương lai một dân tộc đang bị chia cắt giữa hờn căm: “Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi/ Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ/ Tiếng Tổ quốc trên môi như đạn xé/ Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay”.
Thế nhưng, thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng tạo được ấn tượng nhờ những rung động tươi xanh để có thể hình dung “bức tranh” dọc đường hành quân không bị chìm đi trong thử thách bom đạn. Ánh mắt trong trẻo giúp Hoàng Nhuận Cầm phát hiện, trên chiến hào biên giới có những chàng trai nông thôn ra trận không phải để làm anh hùng lừng lẫy sử sách, mà để cầu mong thanh bình cho bờ tre gốc ruộng quê nhà: "Có mùa lá ải nồng/ Giữa vầng trăng trong vắt/ Người lính tựa vách đất/ Hát bài ca gieo trồng”.
Cảm xúc thơ Hoàng Nhuận Cầm non tơ và tinh nhạy. Trong tâm hồn ông, chất liệu đời sống xen lẫn với chất liệu rút ra từ sách vở nhà trường, thực và mơ đan nhau. Hoàng Nhuận Cầm không dùng những nét dữ dội để vẽ cái dữ dội của cuộc chiến. Hiện thực không được thể hiện trực tiếp, trần trụi như thơ của phần đông các cây bút trẻ bộ đội. Ông quen dùng những nét mềm, những đường vờn rất mảnh để tạo hình. Thực tế đời sống hơi lùi xa, nhường chỗ cho cảm xúc rung động. Thơ Hoàng Nhuận Cầm nhờ vậy dễ thân với bạn đọc. Giọng thơ nhỏ nhẹ, tinh tế chính là sức hấp dẫn đầu tiên của thơ Hoàng Nhuận Cầm.
Hoàng Nhuận Cầm cũng không thiên về kể việc. Ông chỉ muốn ghi lại những biến động của lòng mình. Bài thơ thoáng, sự việc chỉ đủ để làm điểm tựa khơi gợi tâm hồn. Ông luôn biết lắng nghe những chuyển động, có khi rất nhỏ bé, của lòng mình trước hiện thực lớn lao của đất nước.
Hòa bình trở lại, những mộng mơ ở Hoàng Nhuận Cầm được dịp nảy nở. Tập thơ thứ hai Xúc xắc mùa thu do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1992, lúc ông tròn 40 tuổi, phơi bày khá đầy đủ tâm hồn mỏng mảnh và chênh chao của ông.
Tuổi trẻ của Hoàng Nhuận Cầm bị ẩn khuất giữa mất mát và chia lìa. Ông nhận ra “câu thơ cũ có gì không thực nữa, chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi”, để lặng lẽ day dứt cho những người ngả xuống: “Anh biết vì sao anh đã khóc/ Lá rừng sốt rét xuống trang thơ/ Đâu những căn hầm, đâu nấm mộ/ Nhắc tên lên đã thấy bơ phờ”. Chính vì thế, nếu thơ Hoàng Nhuận Cầm mềm mại, trữ tình, êm dịu thì khi đứng ở vai trò biên kịch điện ảnh, các kịch bản của ông lại dữ dội và “rực lửa”, như Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Đêm hội Long Trì, mà Mùi cỏ cháy là một ví dụ tiêu biểu.
Lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhưng Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà ông viết Mùi cỏ cháy như viết về chính thế hệ của ông, thế hệ nhiệt thành "sáng nay - tuổi hai mươi, bùng lên như viên đạn": “Lửa đã đốt đi những điều anh chưa thành thật/ Công sự khét mùi khói đạn mồ hôi/ Thuốc súng phủ lên môi, giờ tấn công đã gọi/ Anh ném nửa lá thư còn lại xuống chân đồi". Đó là bức tranh về thế hệ vàng, là cuốn nhật ký bằng hình ảnh với 4 nhân vật chính từ nguyên mẫu có thật là Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Văn Thạc và Hoàng Thượng Lân. Với Mùi cỏ cháy, Hoàng Nhuận Cầm muốn gửi thông điệp, rằng tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác, nhưng Tổ quốc chỉ có một thôi, như mong ước của liệt sĩ Vũ Xuân gửi đến thế hệ trẻ hôm nay: “Tôi chỉ mong một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau này, là đừng bao giờ làm hoen ố máu của những người đi trước!”.
Hoàng Nhuận Cầm có thể coi là một tài năng thiên phú. Ông là nhà thơ với giọng thơ đẹp, vang như tiếng hót của một loài chim quý, vẫn luôn hút hồn nhiều người yêu thơ. Trong vai trò biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm cũng cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Ông đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy.
Thu Hạnh/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất