18/12/2016 22:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cách đây khoảng 1 năm, người ta biết đến Hoàng Rob (Trương Nhật Hoàng) với tư cách là một nghệ sĩ violin tay ngang “xuất chúng” với MV Say you do (MV với tiếng đàn violon của Hoàng Rob cùng với những cảnh quay đẹp từ hang Sơn Đoòng, Quảng Bình quê hương anh đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng. Thậm chí cho đến nay, Hoàng Rob vẫn nhận được nhiều lời mời chơi lại ca khúc này.
Chỉ khi anh ra mắt dự án bao gồm một album và concert Hừng Đông (diễn ra vào tối nay 18/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), Hoàng Rob mới thực sự khẳng định vị thế mới của bản thân: một nghệ sĩ violin độc lập đúng nghĩa.
Độc lập ngay từ những tác phẩm âm nhạc trong album là những sản phẩm “đo ni đóng giầy” được nhạc sĩ trẻ Khắc Hưng viết riêng cho violon theo phong cách âm nhạc của Hoàng Rob.
Hoàng Rob bảo, anh đã tìm được niềm kiêu hãnh với cây đàn violon.
Hoàng Rob
Violin không thể cứ mãi là một nhạc cụ đi đệm
* Violon đã “bước vào” cuộc đời anh như thế nào nhỉ?
- Tôi yêu violin từ tấm bé khi thường xuyên nghe Bond hay Vanessa Mae. Lúc đó, tôi đã rất muốn học violin nhưng ở nơi mà có ra đường, hỏi mọi người có biết đàn violin là gì không thì chắc chắn không ai biết cả nên tôi cũng không biết mình phải có được cây đàn bằng cách nào.
Gia đình tôi không ai theo nghệ thuật, lại có một “luật” bất thành văn: đó là muốn điều gì phải tự mình đạt được điều đó. Vì vậy, tôi tự tìm cho mình một con đường tiếp cận với âm nhạc trước mắt, là theo học guitar 5 năm ở nhà văn hóa tỉnh.
Vào một dịp Tết, sau khi đã gom góp đủ 700 ngàn tiền mừng tuổi, tôi trốn nhà vào Huế để mua đàn violon. Khi người bán hàng bảo rằng, số tiền của tôi chỉ đủ để mua một cây đàn dùng để... chụp ảnh cưới thôi thì tôi cũng vẫn cứ gật đầu mua bởi lúc đó, điều quan trọng nhất với tôi, là sở hữu cây đàn. Sau đó, tôi cũng được chị họ học violon trong Huế ra dạy cho chút ít bài vở.
Thời điểm đó, tôi đã khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa, khi không đam mê những thú vui gì khác ngoài cây đàn. Tôi nghe nhiều và dành nhiều thời gian chỉ để tập đàn. Lúc đó, tôi đã nghĩ violon sẽ gắn bó lâu dài trong cuộc đời mình.
Cho đến năm 2009, khi ra Hà Nội học đại học, tôi mới thực sự được hòa mình vào môi trường âm nhạc mà mình đã chờ đợi từ rất lâu. Và cũng nhận ra, mình như “con ếch” trong giếng chơi đàn thôi!
* Nhưng anh đã không chọn môi trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp để theo đuổi?
- Đúng vậy. Tôi biết mình thiệt thòi khi không được học nhạc từ bé một cách bài bản nhưng nghĩ lại, tôi thấy mình may mắn khi không hoàn toàn bước chân vào “ngôi đền” thiêng nhiều sự cực đoan ấy!
Tôi lựa chọn một cách học khác: một mặt tôi theo học violon với nghệ sĩ Anh Tú (violon Tú Xỉn), mặt khác tôi tự dấn thân vào môi trường thực tế.
Vì thế, cho đến lúc này, điều tôi học được nhiều nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình chính là những sân khấu sinh viên hay các quán trà, café mà tôi chơi nhạc.
Tôi còn nhớ hồi đó, để nhận thù lao 50 ngàn, tôi phải chơi nhạc trong 2 tiếng, chơi tận 30-40 bài hay có những hôm phải “dài cổ” chờ ca sĩ hát xong mới đến lượt mình chơi. Rồi đến giai đoạn đệm đàn cho nhiều ca sĩ hát, từ Trung Quân Idol, Mai Trang, đến Thanh Lam, Phương Thanh...
Lần đầu tiên chơi cùng các nghệ sĩ, tôi đã phải tập luyện nguyên cả tháng trời và khi được lên sân khấu chơi nhạc cho họ tôi cũng mất ngủ cả đêm.
Nhưng cũng chính từ môi trường thực tế, được tiếp xúc với âm nhạc ở nhiều phương diện ấy, tư duy của tôi bắt đầu thay đổi.
Tôi nghĩ violon không thể cứ mãi là một nhạc cụ đi đệm, nhạc công chỉ chuyên một nghĩa vụ là đi đệm, là phải đứng sau hoặc ngồi dưới... như trong suy nghĩ của nhiều người.
Mà muốn thay đổi, thì mình cần phải làm sản phẩm. Từ đó, Say you do ra đời.
* Ở thời điểm thực hiện Say you do, nếu sản phẩm không gắn với một địa điểm nóng là hang Sơn Đoòng, anh có làm không?
- Thực ra, đây là một dấu mốc đẹp trong mắt mọi người thôi. Còn trước đó, tôi đã thực hiện nhiều sản phẩm khác. Như sự hợp tác với Trung Quân Idol trong sản phẩm Xin mưa rơi nhanh của Slim V hay ra những single lẻ trong dự án Tự nguyện.
Hừng Đông sẽ chấm dứt sự nghiệp cover của tôi
* Nếu nói về những sản phẩm âm nhạc muốn tôn vinh hay đem các nhạc cụ phương Tây đến gần với công chúng bằng nhiều cách khác nhau, thì trước anh, đã có Hoàng Xuân cello chơi nhạc Trịnh hay gần đây là Huyền Trang flute. Vậy con đường của anh, có gì khác để gọi là tiên phong?
- Bản thân tôi cũng nghĩ mình là người tiên phong. Bởi chưa có một nghệ sĩ chơi nhạc cụ nào cho ra một album là những sáng tác được viết riêng cho nhạc cụ đó, theo phong cách mà mình theo đuổi. Đây là cách làm việc hết sức nghiêm túc của tôi với âm nhạc.
Nói thật là tôi cũng rất thích cover. Nhất là khi được mọi người hưởng ứng. Thậm chí mọi người còn bảo: “sao không chờ Sơn Tùng hay Tiên Tiên ra bài nào “hot” là mình cover?” khiến tôi cũng phải đấu tranh rất nhiều. Bởi mỗi bản cover đó, lợi nhuận thu về từ các trang nghe nhạc cũng đâu phải là ít?
Song, nghĩ một cách thấu đáo, tôi biết mình muốn làm nghệ thuật, không thể dựa vào thành công hay những gì đã có sẵn của người khác.
Tôi muốn mình là một nghệ sĩ độc lập, phải làm ra sản phẩm kỹ lưỡng và tử tế hơn hẳn nên tôi quyết định liều để có thứ là của mình, thuộc về mình, để làm nên giá trị của chính mình và cảm thấy kiêu hãnh với cây đàn violin.
Cũng không dễ dàng gì để tìm cho mình một con đường âm nhạc của riêng mình. Âm nhạc của tôi đi theo worldmusic nhưng phát triển theo hướng: epic hoặc chillout: một là bùng nổ, kịch tính hai là kể những câu chuyện nhẹ nhàng. Và kết quả đầu tiên, đó chính là album Hừng Đông.
* Áp lực của một người trẻ đi tiên phong là gì?
- Là sự khởi đầu luôn gặp phải những ý kiến trái chiều. Đương nhiên rồi !
Tôi từng bị áp lực khi lên sân khấu, vừa chơi đàn, tôi vừa tự hỏi mình làm thế có đúng không? Tại sao mọi người lại phản đối nhiều vậy? Nhưng gần đây tôi tự tin khi tìm thấy giá trị chỉ mình có. Lúc này, tôi có thể nói rằng, dự án Hừng Đông sẽ chấm dứt sự nghiệp cover của tôi!
Âm nhạc không lời vốn đã ... đánh đố người nghe. Vậy làm thế nào để những tác phẩm của anh sớm đi vào lòng công chúng?
Âm nhạc của tôi hướng đến sự thuần khiết, nên thơ chứ không đánh đố, không tỏ ra nguy hiểm, không đòi hỏi người nghe phải chiêm nghiệm, ngẫm ngợi mới hiểu được. Vì tôi luôn lồng vào đó tư tưởng trẻ: đó là phải nghe được.
Nhiều người đã nghe album Hừng Đông và “phán”: bình thường. Tôi hiểu ít nhất sự bình thường đó là nghe được. Cũng có người nghe phản ánh: khi nghe album ở những không gian khác nhau như buổi tối hay buối sáng, họ có những cảm nhận khác nhau về một nhịp sống tươi mới.
Như vậy là âm nhạc của tôi đã tạo được thông điệp và đó là điều tôi hướng đến. Hơn thế nữa, tôi còn muốn những tác phẩm của mình có sức sống, đến gần với khán giả hơn từ hoạt động trình diễn live trên sân khấu.
* Nhưng nghe toàn bộ "Hừng Đông", thấy cũng không hề bình thường khi bản "Độc thoại" – sản phẩm có lượng người nghe nhiều nhất nhì trong album này có một sự kết hợp độc đáo nhất bởi sự đối thoại giữa violon và nhị. Anh muốn gửi thông điệp gì ở sự kết hợp Đông – Tây này?
- Đó là sự tôn vinh cây đàn nhị của Việt Nam. Người ta cứ gọi đây là cây đàn.. đám ma. Nhưng tôi lại rất thích. Tôi thích cái sự nỉ non, ỉ ôi nhưng lại chính là tính uyển chuyển của người Á Đông ẩn chứa trong tiếng đàn ấy.
Và khi kết hợp với violin, tôi không chỉ muốn thể hiện sự đối thoại của hai loại nhạc cụ mà còn là cuộc đối thoại của chính mình: một người làm nghệ thuật theo xu hướng quốc tế nhưng vẫn giữ được cái chất của người Việt Nam.
Quy tắc sống không quá nghệ sĩ
* Tốt nghiệp tài chính ngân hàng, theo đuổi giấc mơ làm nghệ sĩ độc lập nhưng lại công tác trong ngành văn hóa. Có gì liên kết những yếu tố trên với nhau, ở anh?
- Tôi nghĩ câu hỏi này rất hay ở chỗ, tôi là người sinh trưởng trong gia đình chuyên về tài chính ngân hàng. Và tôi vẫn yêu thích nghề truyền thống của gia đình nhưng coi kinh tế như nghệ thuật chứ không phải là một chuyên ngành thực tế, thực dụng. Đó là một nửa của tôi.
Một nửa còn lại, chính là âm nhạc. Và tôi tìm kiếm sự cân bằng giữa hai niềm yêu thích của mình từ công việc của một cán bộ văn hóa.
Ở môi trường làm việc này, tôi học được quy tắc sống không quá nghệ sĩ. Mà thực tế là, tôi cũng cần điểm tựa chứ không thể nay đây mai đó, chỉ chờ show để diễn. Nếu sống như vậy, tôi rất dễ sa đà vào những chuyện không hay.
Ý nghĩa hơn ở môi trường làm việc của tôi hiện nay. Đó là tôi cũng có thể đóng góp những hiểu biết của mình vào công việc quản lý văn hóa mà hiện nay vẫn còn có nhiều hạn chế, bất cập.
* Nghe chừng là môi trường showbiz trong mắt anh có vẻ không sáng sủa nhỉ?
- Cũng không hẳn tất cả là showbiz nhưng sau một thời gian tiếp cận, tôi thấy hơi lộn xộn quá so với những gì mình tưởng tượng.
Nhưng may mắn là âm nhạc của tôi đưa mình đến với những nghệ sĩ khá nghiêm túc, là những người mà tôi luôn học hỏi được nhiều điều trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Đó cũng chính là lý do, concert của tôi lại xuất hiện những ngôi sao “chuyên biệt” như Trần Thu Hà, Hoàng Quyên, Kiều Anh hay nghệ sĩ đàn nhị Trần Văn Sâm.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Liveconcert Hừng Đông của violinist Hoàng Rob có gì đặc biệt? Bản phối mới dành cho tác phẩm Chiếc khăn Piêu sẽ do Hoàng Quyên thể hiện vocal cùng tiếng đàn violin của Hoàng Rob. Đây còn là sản phẩm sẽ được dành để quảng bá cho Đỉnh Fansipan trong một dự án khác của Hoàng Rob. |
Lưu Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất