20/06/2020 21:53 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Chiều 20/6, tại Bến Tre, nhân dịp Kỷ niệm 190 năm Ngày sinh và 110 năm Ngày mất của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (1830 - 1910), Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại".
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, cuộc đời đầy biến động và sự nghiệp văn chương yêu nước của danh nhân Phan Văn Trị đến nay đã được nghiên cứu khá đầy đủ và được khẳng định, nhất là kể từ khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo lần đầu tiên về danh nhân Phan Văn Trị diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 2/11/1985.
Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị là một trong những người con ưu tú của Bến Tre, sinh năm 1830, tại thôn Thạnh Hưng, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Ông xuất thân trong gia đình nho giáo, thông minh, hiếu học, thi đỗ cử nhân khi mới 19 tuổi. Không giống những nhân sĩ đương thời, quyết chí thi đậu để làm quan, danh nhân Phan Văn Trị lui về dạy học, làm thơ, bốc thuốc, tự tay cày cấy, sống cuộc đời của một nông phu.
Phan Văn Trị là một trong những nhà thơ chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, chống giặc tới cùng bằng ngòi bút thông qua thơ, văn với "trận bút chiến" nổi tiếng đập tan luận điệu của bọn tay sai bán nước cầu vinh với đại diện là Tôn Thọ Tường. "Trận bút chiến" không những làm chấn động dư luận lúc bấy giờ mà còn kéo dài đến 10 năm sau với sự tham gia của những sĩ phu có uy tín lớn ở Nam kỳ như Hồ Huấn Nghiệp, cử nhân Huỳnh Mẫn Đạt, thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu,... làm dấy lên phong trào đấu tranh tư tưởng trong cả nước. Cùng với "trận bút chiến", phong trào tỵ địa do ông cùng khởi xướng đã có tác dụng ngăn đường hợp tác với giặc của những sĩ phu còn lưng chừng, thiếu bản lĩnh; kêu gọi những kẻ lầm đường, lạc lối quay về nẻo chính và quan trọng hơn hết là thúc giục nghĩa sĩ cả nước đứng lên chống giặc, bảo vệ quê hương, đất nước. Phan Văn Trị là một trong những người phát ngôn chủ yếu của lực lượng yêu nước ngay từ khi thực dân Pháp mới đặt chân lên đất nước ta.
Các bài tham luận trong Hội thảo lần này tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của danh nhân Phan Văn Trị trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chính trị bằng ngòi bút của người nho học trước thời cuộc mới, giữa một xã hội phong kiến biến động chuyển dần sang phong kiến nửa thực dân; tiếp tục nghiên cứu, khẳng định giá trị thơ ca của Phan Văn Trị trên phương diện nội dung tư tưởng, nghệ thuật trào phúng, xem xét các sáng tác của ông trên bình diện văn hóa giữa tư tưởng nho học truyền thống và ý thức mới đang chuyển động trong tầng lớp sĩ phu...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Phan Văn Trị là một thầy giáo, thầy thuốc, một thi sĩ, chiến sĩ. Mặc dù cuộc đời chịu nhiều đắng cay trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan nhưng ông luôn giữ tiết tháo của một nhân sĩ yêu nước, thương dân. Dù không đấu tranh trực diện với quân xâm lược bằng gươm, súng nhưng với ngòi bút sắc bén, ông đã sử dụng như một vũ khí tinh nhuệ để đấu tranh chống lại thực dân Pháp và quan lại phong kiến.
Tiến sĩ Huỳnh Công Tín cho rằng, danh nhân Phan Văn Trị thể hiện những nét đặc trưng của người nho sĩ Nam Kỳ. Những thế hệ sau nhớ đến Phan Văn Trị bởi hai điều: Sự nghiệp thơ văn và tính cách bộc trực, thẳng thắn, trọng nhân nghĩa và "sĩ khí hiên ngang". Tính cách của Phan Văn Trị thể hiện rõ qua những quyết định lớn trong cuộc đời: Khi không làm quan thì đem tài năng và đức độ phục vụ cho người dân; có tinh thần kháng Pháp, dám lên tiếng chống Pháp và những người lựa chọn làm tay sai cho thực dân Pháp.
Hội thảo khoa học "Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại" có 33 bài tham luận tiếp cận đa chiều về danh nhân Phan Văn Trị như: Văn học, sử học, văn hóa học, chính trị học, dân tộc học... tập hợp các ý kiến, kết quả nghiên cứu, biên khảo của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu một cách khách quan, sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp, tầm vóc, ảnh hưởng của Phan Văn Trị đối với nền văn học yêu nước thời cận đại, đặc biệt là vai trò của ông đối với phong trào chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị mất ngày 22/6/1910 tại làng Nhơn Ái, tổng Bảo Định, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (ngày nay thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ). Ông để lại cho nhân dân cả nước nói chung, tỉnh Bến Tre và thành phố Cần Thơ nói riêng một di sản vô giá - tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc kiên cường.
Trần Thị Thu Hiền/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất