02/11/2020 19:28 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cùng với thanh kiếm ngắn mang "dư ảnh" của Bà Triệu phát hiện ở Núi Nưa năm 1961, và thanh kiếm có hình tượng 2 phụ nữ song sinh cưỡi voi, được xem là biểu trưng hình ảnh 2 chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị (xem kỳ 1 loạt bài Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất: Chiếc kiếm ngắn Đông Sơn mang 'dư ảnh' Bà Trưng, Bà Triệu (TT&VH, 17/8/2020), gần đây, chúng tôi còn phát hiện thêm 1 con dao găm thời Đông Sơn có hình tượng 2 người nam cưỡi voi.
Kể từ sau khi khai quật Làng Vạc năm 1972, lần đầu tiên khảo cổ học Việt Nam phát hiện dao găm cán tượng voi với biểu trưng 2 hổ nâng 1 voi trên có bành ngồi. 1 dao khác là 2 rắn quấn thừng đỡ 1 con voi... Hình ảnh voi trước đó được dã sử nhắc nhiều với biểu tượng Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi và những câu chuyện ghi trong sử sách Trung Hoa thu thuế vơ vét sừng tê ngà voi ở các xứ Tượng Quận, Tượng Lâm, Giao Chỉ, Cửu Chân...
Bảo vật ở vùng sông nước xứ Thanh
Thảng hoặc đây đó trong các mộ táng hoặc khắc trên đồ đồng Đông Sơn chúng ta cũng bắt gặp hình tượng voi. Giờ đây, voi được thuần dưỡng gắn bó với cuộc sống con người còn hiện diện đậm nét ở Tây Nguyên. Từ phát hiện gần đây nhất về 1 dao găm Đông Sơn có gắn tượng voi chở người, tôi muốn thông báo phát hiện đồng thời phân tích giá trị và ý nghĩa của biểu tượng này vào thời điểm chúng ra đời.
Đầu tháng 7/2018 chúng tôi nhận được thông báo và hình ảnh 1 dao găm Đông Sơn được vớt từ một vùng sông nước xứ Thanh. Đó là dao găm thuộc loại hình sông Mã với lưỡi hình lá tre, chắn tay uốn cong thành hình xoắn ở 2 bên. Cán dao tạo tượng hình 2 con hổ nâng 1 con voi, bên trên có 2 người nam ngồi xổm trên lưng voi hướng mặt cùng chiều đi của đầu voi.
Do vớt sông nên một số đượng đúc chìm hoa văn đã hơi mờ, patine nâu đặc trưng đồ vớt sông. Nhưng cũng chính vì vớt sông mà đồ đồng được bảo tồn rất nguyên vẹn. Có thể nói đây đáng giá một bảo vật.
Hình tượng người cưỡi voi trên cán dao
Hình tượng 2 người ngồi trên lưng voi như mô tả ở trên khiến chúng tôi nhớ đến 1 con dao găm khác được gửi ảnh đến từ tháng 8/2016. Sự giống nhau tới 90% khiến tôi phải đem 2 hình ra đối chiếu để loại trừ khả năng bị làm đúp (doublicated). Nhưng rõ ràng chúng là 2 tác phẩm độc lập, mặc dầu có thể đều từ 1 bàn tay nghệ nhân Đông Sơn nào đó tạo ra. Ở cán dao găm này, người ngồi trên thể hiện rõ vai trò quản tượng của mình với tay vung dụng cụ móc điều khiển voi. Con dao găm này là đồ chôn tùy táng trong đất nên có màu gỉ xanh lá cây. Vẫn là hình tượng 2 chú hổ nâng 1 chú voi bên trên có 2 người nam ngồi xổm quay mặt cùng chiều với hướng voi đi.
Cũng tại vùng xứ Thanh này, cách đây hơn chục năm, tại vùng núi Nưa xuất lộ một dao găm lạ, cán cũng là đôi hổ nâng một chú voi, bên trên lưng voi là 2 người phụ nữ ngồi xổm ôm gối quay ngang chứ không quay hướng chiều voi đi (dao găm này được trưng bày trong sưu tập Trần Đình Sử nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010 tại Bảo tàng Hà Nội). Chúng tôi có may mắn gặp được trực tiếp chủ nhân đầu tiên của con dao găm này, nhờ đó được chủ nhân hé lộ địa chỉ ra khỏi lòng đất của nó.
1 con dao găm khác, đúng ra là 1 chiếc kiếm ngắn với kiểu làm lưỡi kiếm mặt cắt hình thoi 2 rìa, lưỡi sắc giống như lưỡi các thanh kiếm sắt thời Đông Hán sau này, cũng có phần tay cầm mang nội dung giống như con dao găm nói trên đã được Galerie Hioco tại Paris (Pháp) giới thiệu trong catalogue của mình (tôi được biết kiếm ngắn này trước đó thuộc sưu tập của Phạm Lan Hương ở Pháp, hiện thuộc sưu tập của Crochet ở Brussels (Bỉ)...
Có lẽ kiếm này được phát hiện cùng nhiều hiện vật Đông Sơn quý khác ở Xuân Lộc, Thọ Xuân cuối những năm 1990. Tôi đã được trực tiếp làm việc với cây kiếm độc đáo này và đã viết nhiều bài giới thiệu nó, như biểu trưng hình ảnh 2 chị em nhà Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Thanh kiếm gỉ xanh với patine lá cây ngả vàng. Lưỡi kiếm như đã mô tả ở trên, dài 40cm. Phần tay cầm dài 20cm, vẫn cùng đề tài 2 người phụ nữ kiểu đầu tóc và phục trang Núi Nưa quen thuộc, phía sau gáy có 2 móc treo lục lạc nay đã mất vật treo. Cả 2 ngồi xổm 2 tay bó gối, quay mặt về 1 phía theo hướng nằm ngang vuông góc với hướng đi của voi. Bên dưới là đôi hổ đưa bốn chân trước đỡ bốn chân voi.
Những hình ảnh chân thực nhất thời Đông Sơn
Bộ cán dao găm (kiếm ngắn) Đông Sơn là vô cùng quý hiếm, độc đáo, cung cấp nhiều thông tin về hình ảnh chân thực nhất thời Đông Sơn. Cán dao thể hiện tượng đôi có một số loại hình khác nữa: Ngồi xổm bên nhau không voi, công kênh trên vai nhau, đứng nâng cốc thánh, ôm eo tình tứ...
Tuy nhiên, phải thừa nhận nghệ thuật làm các cặp đôi nam, đôi nữ ngồi trên lưng voi như 4 chiếc tôi giới thiệu bên trên đã đạt đến trình độ mỹ thuật rất cao đồng thời giúp ta hiểu sâu thêm về đời sống sinh hoạt của cư dân Đông Sơn dưới tác động "Nam tiến" của những người Tây Âu.
(Còn tiếp)
Nguyễn Việt & Phạm Gia Mai
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất