Khai quật mộ cổ ở Amphipolis, Hy Lạp: Người trong mộ là mẹ của Alexander Đại đế?

05/11/2014 07:41 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khi tiến hành khai quật một lăng mộ bí ẩn có niên đại từ thời Alexander Đại đế ở Amphipolis, miền Bắc Hy Lạp, các chuyên gia từng lo ngại sẽ không thể xác định nó thuộc về ai. Tuy nhiên giờ đây đã có dấu hiệu cho thấy nó chứa di hài một trong những người thân của Alexander Đại đế.

Tuần trước, các chuyên gia thông báo căn phòng thứ 3 trong lăng mộ cổ có thể đã bị đột nhập, với di hài bên trong bị tiêu hủy hoặc chuyển đi nơi khác.

Lăng mộ đã bị đột nhập

Tuy nhiên, giờ họ lại có chút hy vọng khi đã tìm thấy một phòng ngầm, có kích cỡ 7m x 2m, trong lăng mộ có niên đại vào khoảng năm 325 - 300 trước Công nguyên này.

Thời gian mới khai quật (hồi tháng 8 năm nay), các nhà khảo cổ đã tìm thấy 2 bức tượng nhân sư không đầu đứng gác lối vào lăng mộ. Kể từ đó, họ liên tục tìm thấy nhiều hiện vật quý, gồm một bức tranh khắc mô tả một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, với nhân vật Persephone, con gái của Thần Zeus, đã bị vị thần cai quản địa ngục Hades bắt cóc khi nàng đang hái hoa ở thảo nguyên.


Chân dung bà Olympias, mẹ của Alexander Đại đế, trên một đồng tiền xu có niên đại từ năm 316 trước Công nguyên

Bà Katerina Peristeri, nhà khảo cổ chính của dự án khai quật lăng mộ kể trên, cho biết nó có dấu hiệu đã bị đột nhập. Rất có thể chủ nhân lăng mộ đã bị di chuyển đi nơi khác từ rất lâu rồi. Bà đánh giá việc lăng mộ bị đột nhập cho thấy nó là nơi yên nghỉ của một nhân vật quan trọng.  

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng các di sản quan trọng và có giá trị trong mộ đã bị đưa ra ngoài. Thậm chí có thông tin cho rằng thời Thế chiến I, các đơn vị quân đội Anh đóng ở Macedonia đã đột nhập vào lăng mộ và lấy đi các hiện vật giá trị.

Tuy đã có những giả thuyết lăng mộ này là của mẹ, vợ hoặc một tướng lĩnh của Alexander Đại đế, một số nhà khảo cổ lại cho rằng lăng mộ không chứa di hài của bất cứ ai, bởi nó chưa được hoàn tất. Họ còn cho rằng lăng mộ có thể đã được xây cho Alexander Đại đế.


Đầu bức tượng nhân sư được tìm thấy trong khu mộ

Bí ẩn chủ nhân mộ cổ

Cách đây 2 tuần, trong căn phòng thứ 3 của lăng mộ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy phần đầu của một bức tượng nhân sư bằng đá cẩm thạch mang gương mặt phụ nữ với mái tóc quăn và từng được sơn màu đỏ. Gương mặt của bức tượng chỉ bị mất đi phần mũi. Bộ Văn hóa Hy Lạp đánh giá: “Đây là tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật đặc biệt”.

Tại một số cuộc khai quật gần đây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều mảnh vỡ của một chiếc cửa bằng đá cẩm thạch dẫn tới căn phòng thứ 3. Họ còn tìm thấy nhiều chiếc đinh bằng sắt và đồng, bên cạnh một chiếc bản lề lớn. Việc tìm thấy đầu tượng nhân sư cùng các hiện vật trên đã khiến người ta tin rằng lăng mộ là nơi an nghỉ của một người phụ nữ có địa vị cao.

Nhà văn Andrew Chugg, người đã xuất bản cuốn sách về cuộc tìm kiếm ngôi mộ của Alexander Đại đế, cho tờ Greek Reporter biết rằng 2 bức tượng nhân sư gác mộ cổ được sắp đặt ở các vị trí giống những bức tượng nhân sư được tìm thấy trong mộ của 2 hoàng hậu Macedonia, gồm người bà của Alexander Đại đế.

Theo Chugg, mặt ngoài ngôi mộ của Philip II - cha Alexander Đại đế - và Alexander IV rất giống với mặt ngoài lăng mộ cổ ở Amphipolis. Với những đặc điểm đó, ông tin rằng lăng mộ cổ có thể đã được xây cho mẹ của Alexander Đại đế là bà Olympias hay vợ Roxane của ông. Cả 2 người đều đã qua đời ở Amphipolis vào cùng thời điểm lăng mộ được xây dựng vào cuối thế kỷ 4 trước Công nguyên.

Cá nhân Chugg nghiêng về giả thuyết lăng mộ là của bà Olympias bởi các cột tượng hình người đàn bà (caryatid) trong mộ có thể đã mô tả Klodones - một nữ tu của vị thần rượu nho Dionysus trong thần thoại Hy Lạp. Trong cuốn tiểu sử về Alexander Đại đế, nhà văn Hy Lạp Plutarch (năm 45-120 sau Công nguyên) viết rằng bà Olympias đã có thời gian giao du với nữ tu này.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm