Khám phá Hồ Tây (kỳ 10): Nhà tranh, gốc liễu của Thạch Lam bên Hồ Tây

04/11/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Hồ Tây gắn liền với những văn sĩ tài hoa bậc nhất của thi đàn Việt Nam, từ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, cho đến sau này là Thạch Lam, tác giả của “Hà Nội ba sáu phố phường”. Nhà văn yểu mệnh này có căn nhà soi bóng xuống Hồ Tây, đã đi vào thơ bạn bè mà không hề tô vẽ: Tây Hồ có danh sĩ/ Nhà thì ở nhà tranh/ Cửa trúc cài phên gió/ Trước thềm bóng liễu xanh…”

Khám phá Hồ Tây (kỳ 9): Kỳ thú làng hoa thủy tiên, cá cảnh

Khám phá Hồ Tây (kỳ 9): Kỳ thú làng hoa thủy tiên, cá cảnh

Tiếp tục cuộc du ngoạn quanh Hồ Tây, đến kỳ này chúng ta hãy dừng lại ở Yên Phụ. Làng Yên Phụ xưa có một xóm ở trên bán đảo nhô ra hồ, có một con đường đất ra chùa Trấn Quốc. Dân Yên Phụ vẫn coi Trấn Quốc là chùa của làng và không gọi là Trấn Quốc mà gọi Bờ Lũy vì chùa che gió, chắn sóng cho đất làng không bị xói lở.

Chuyên đề “Khám phá Hồ Tây” kỳ này sẽ dừng lại ở một vài ký ức về những văn nghệ sĩ từng in dấu quanh ngôi nhà của Thạch Lam bên Hồ Tây.

Cuộc thi bơi của hai gã say trên Hồ Tây

Hồi ký nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) kể rằng ông không bao giờ quên được bữa rượu hội kiến đầu tiên với sự có mặt của: Nhất Linh, Thế Lữ, Huyền Kiêu, Thạch Lam và cả kịch sỹ Song Kim.

“Thoạt đầu, chúng tôi còn uống rượu Rhum pha vào nước chè  đường với từng lát chanh thái mỏng, theo kiếu “grog” nóng (không rõ là uống kiểu gì). Uống từ 6 giờ chiều tới 12 giờ đêm thì Thế Lữ bỏ cuộc, cùng vợ bé  trở về nhà riêng. Còn bốn người vẫn tiếp tục uống, cho tới 3 giờ sáng thì cả rượu Rhum cùng thức nhắm đều hết nhẵn. Nhất Linh tuy vẫn chưa có vẻ say chút nào nhưng tỏ ý muốn đi ngủ, và anh ra nằm ở chiếc võng giữa nhà, ê a ngâm thơ, mặc Thạch Lam, Huyền Kiêu và tôi xoay ra uống rượu Văn Điển(*) suông với nhau.

Khuya lắm, người nhà Thạch Lam đã ngủ yên hết, ba chúng tôi còn loay hoay xuống bếp nướng mực và mò gầm giường lấy dưa chua trong vại ra nhậu. Dần dần, cả mực nướng lẫn dưa chua đều vợi hết, chúng tôi liền vặt luôn những cánh hoa sen cắm trong lọ mà nhắm… Hết cánh hoa, đến nhụy hoa, rồi đến cả những hương sen mới nhú cũng biến thành món nhậu. Và cứ như thế, cuộc rượu bốn người kéo liền một mạch tới đúng 12 giờ trưa hôm sau.

Chú thích ảnh
Nhà văn Thạch Lam và các tác phẩm tiêu biểu

Nhất Linh kêu nóng, có lẽ chính anh cũng say khá kịch liệt, anh cởi phăng ngay áo ngoài, và mình trần, quần cộc, anh chạy ra sân, nhảy tùm xuống Hồ Tây mà bơi ào ào, như một thể thao gia có hạng.

Ở dưới nước, cách bờ tới dăm chục thước, anh lớn tiếng nói vọng lên: “Các tửu đồ! Có hứng, thử nhảy xuống hồ này vùng vẫy chơi cho mát! Tức thì tôi cũng nhẩy đại xuống hồ theo Nhất Linh, và trong cơn say bừng bừng da thịt, tôi cũng rẽ sóng mà bơi thục mạng, mắt nhắm mắt mở nhằm hướng Nhất Linh mà bơi... Còn cách nhau chừng dăm thước, và cách bờ ngoài ba chục thước, Nhất Linh thách thức: “Tôi với anh bơi thi từ đây vào bờ, xem ai thắng” ?

Cố nhiên tôi ra sức thi đua liền. Lời thách thức của Nhất Linh đã có hiệu quả khích cho tôi trở về bờ, trong khi đó anh vẫn bơi kèm sát theo tôi, đề phòng bất trắc. Cả hai về gần tới bờ cùng một lúc. Nhất Linh cố ý bơi thụt lại, để kém tôi nửa sải tay.Thạch Lam và Huyền Kiêu đứng dưới gốc liễu, cùng nâng cao lỵ rượu, và cùng… đổ rượu xuống Hồ Tây, cả hai đồng thanh nói giọng say nhè: “Hay lắm! Thưởng cho kẻ nào về nhất cả hai ly rượu vừa rồi”.

Chúng tôi đặt chân lên bờ. Nhất Linh khoát cánh tay tôi dìu vào trong nhà, ân cần lấy khăn tắm cho tôi lau khô mình, và giúp tôi mặc quần áo, đúng như một người anh cả săn sóc cho đứa em hư…Trước khi ngã lăn ra giường và ngất lịm đi, tôi còn nhớ mang máng: Cả Thạch Lam và Huyền Kiêu cũng nẳm thẳng cẳng bên cạnh tôi như hai cái tử thi, trong lúc anh Nhất Linh lúi húi lấy vôi lần lượt bôi vào gan bàn chân cả ba người. Bên tai tôi vẳng tiếng chị Thạch Lam nói: “Đúng mười một cái vỏ chai Văn Điển”.   

“Trước thềm bóng liễu xanh…”

Trở lại vụ “bơi thi” của nhà  văn Nhất Linh và nhà  thơ Đinh Hùng ở Hồ Tây trước nhà Thạch Lam, thật may mắn cả hai bình an vô sự.

Nhà văn Thạch Lam sinh ngày 7/7/1910 tại ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông nay là phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội. Sau khi kết hôn, vợ chồng ông được chị gái là Nguyễn Thị Thế nhường lại căn nhà nhỏ ở  làng Yên Phụ. Căn nhà của Thạch Lam ở ngay khúc đầu làng Yên Phụ soi bóng xuống Hồ Tây. Nhà mái tranh, cổng gỗ, Thạch Lam từng nói với bạn bè ông muốn giữ nguyên như vậy dù có đủ khả năng lợp mái ngói, xây tường gạch. Nhưng Thạch Lam đã trồng thêm một cây liễu. Về căn nhà của Thạch Lam nhà thơ Huyền Kiêu, một người  bạn của ông, viết:

Tây Hồ có danh sĩ
Nhà thì ở nhà tranh
Cửa trúc cài phên gió
Trước thềm bóng liễu xanh…

Ngôi nhà của tác giả “Hà Nội  băm sáu phố phường” tuy nhà tranh nhưng ngăn nắp sáng sủa, có cửa kính lẫn cửa chớp,  thềm cao, với một khoảng sân nhỏ mấp mé ngay bờ hồ. Trong nhà có bộ bàn ghế thô sơ bằng mây, mấy cái bát da lươn đựng nước chè xanh, trên tường vài bức tranh tĩnh vật. Vào mùa Hè, sóng Hồ Tây vỗ đều đều vào ba phía móng nhà, làn gió nhẹ vuốt ve mái tóc rủ dài của cây dương liễu. Thạch Lam vô cùng yêu quý cây liễu.

Hồi ký bà Nguyễn Thị Thế chép, dù sắp chết mà Thạch Lam vẫn còn lo cho cây liễu. “Sáng hôm ấy sang thăm, thấy hai mắt chú sáng trong. Tôi ngồi xuống cái ghế cạnh giường, nắm tay chú, bàn tay ấm và mềm. Chú bảo chị đẩy em lên cao một tí để em nhìn thấy cây liễu, chú phàn nàn anh người nhà đem chặt đi mất một cành liễu rủ xuống làm mất đẹp. Tôi biết chú vốn quý cây liễu ấy lắm, nhưng không ngờ lúc đau ốm gần kề cái chết mà vẫn còn để ý đến vẻ đẹp thiên nhiên, như vậy chú còn ham sống yêu đời lắm...”

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hồ Tây những năm 1940. Ảnh Tư liệu về chùa Trấn Quốc

Tại ngôi nhà ở Yên Phụ, Thạch Lam đã sống một phần đời có lẽ sôi động nhất, cởi mở phóng túng nhất. Cũng theo  hồi ký của nhà thơ Đinh Hùng thì một năm trước khi ông mắc bệnh lao rồi từ trần, bên cạnh ông quy tụ khá đông anh em văn hữu.

“Trong căn nhà có liễu rủ trước thềm họ thường họp mặt nhau hàng ngày, nhiều khi thâu đêm suốt sáng, và sóng nước Hồ Tây cũng đã từng phen hòa cùng sóng rượu giao tình, nổi cồn men say ngây ngất. Hình như ngọn lửa hào hứng trong lòng Thạch Lam, tựa ngọn đèn trước khi tắt, chợt bừng sáng lên mãnh liệt một lần cuối cùng, khởi sắc và linh động khác thường, ánh sáng tràn đầy sinh khí và tỏa rộng tinh anh, hấp dẫn như toát ra một điện lực kỳ lạ, khiến bè bạn gần anh hồi đó đều nhận thấy anh như sống thoát hẳn cái bản ngã trầm mặc cố hữu”.

Trước đó Thạch Lam rất thận trọng trong việc giao du. Bè bạn của ông có thể đếm trên bàn tay. Thỉnh thoảng mới có người tìm đến cái nhà cạnh bờ Hồ Tây, phần nhiều cũng trầm lặng như chủ, những người có thề ngồi im hàng giờ bên bàn nước chè đạt tới cái thuật “đối diện đàn tâm” như các bậc túc nho.

Thạch Lam qua đời ngày 28/6/1942, bởi chứng bệnh lao hiểm nghèo. Sau khi Thạch Lam chết, gia đình nhà văn Nhất Linh mua lại căn nhà ở Yên Phụ và  phá  đi, xây một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng vẫn giữ lại cây liễu.

Tự Lực văn đoàn đã tập hợp các bài phóng bút, văn ngắn của Thạch Lam in thành tập Hà Nội băm sáu phố phường. Đọc Hà Nội băm sáu phố phường cho nhiều cảm xúc vì Thạch Lam không chỉ viết về món ăn mà vượt lên nó để phản ánh xã hội, chia sẻ thân phận con người. Cho đến ngày hôm nay, Hà Nội băm sáu phố phường vẫn là tập sách gối đầu của không ít người. Và  cụm từ “36 phố phường” được nhiều người coi như để chỉ khu vực phố cổ. Cũng từ tập sách này đã sinh ra hiện tượng: người ta thi nhau viết về Hà Nội, viết nhiều về các món ăn và thể loại tùy bút phát triển.

Năm 2008 một người con gái Thạch Lam từ Mỹ về thăm quê. Dù khi ở Yên Phụ bà chỉ là cô bé nhưng bà cũng trở lại nơi đây như muốn tìm lại dấu xưa, nơi cha mẹ bà và bạn bè của gia đình từng có những ngày tháng vui buồn bên Hồ Tây. Cho đến ngày hôm nay không ai biết người ta đã chuyển mộ Thạch Lam đi đâu vì nghĩa trang Hợp Thiện xưa đã dần biến thành phố thị.

“Có người tri kỷ, có bình rượu ngon”

(*)Rượu Văn Điển là loại rượu đóng chai duy nhất ở miền Bắc được chính phủ bảo hộ cấp phép. Thập niên 1930, chỉ có rượu chai Văn Điển 30 độ mới cạnh tranh được với rượu chai Phông-ten của chủ Pháp. Phông-ten bán 16 xu thì Văn Điển bán có 14 xu. Chủ nhà máy rượu Văn Điển còn mời nhà thơ Tản Đà làm thơ sau đó cho in vào nhãn.   

Ai về đường ấy thì đi
Ta về Văn Điển công ty với mình
Có non, có nước hữu tình
Có người tri kỷ, có bình rượu ngon

Không chỉ in thơ vào nhãn, chủ nhà máy còn nhờ Tản Đà làm thơ để in trong  lịch 365 tờ. Tờ lịch ngày 30 tết năm 1933 có câu:  

Mâm cao, cỗ lớn linh đình
Không rượu Văn Điển cũng hình như không

Nguyễn Ngọc Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm