Khi sách 'làm đẹp' cho trí tuệ

21/05/2021 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Mĩ phẩm trí tuệ (NXB Kim Đồng) là cuốn sách gồm nhiều bài viết dạng tùy bút và tản văn mà tác giả Ngô Tự Lập, gọi là “những suy tư rất cá nhân, theo thời gian, trong lúc đọc, lúc viết, lúc giảng dạy, dịch thuật, lúc chơi đàn, trồng cây, và cả những khi rảnh rỗi”.

Ngô Tự Lập và hành trình mang thơ đến Mỹ

Ngô Tự Lập và hành trình mang thơ đến Mỹ

Cuối tuần qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) đã diễn ra buổi trò chuyện giữa nhà thơ Ngô Tự Lập và dịch giả, nhà thơ Martha Collins

1.Ý chừng như với tự bạch trên, tác giả muốn làm giảm độ “nghiêm trọng” của những vấn đề được khơi gợi hay mổ xẻ, song thực ra những gì viết ra trong những hoàn cảnh trên lại chính là những lúc tâm trạng khá thoải mái và thành thật. Đấy cũng là cảm nhận của người đọc khi cầm cuốn sách này, trải nghiệm cùng tác giả theo mạch bài xếp theo ABC.

Việc xếp cấu trúc các bài theo mạch ABC tạo ra một vài sự bất ngờ khi chủ đề đa dạng nối nhau không đoán định được, thậm chí gây tò mò. Chẳng hạn sau Ba mục đích của giáo dục Bốn cái chổi trong văn học nghệ thuật Việt Nam, trong thời buổi nền giáo dục đang bị (hay là được) xã hội gây áp lực lớn khủng khiếp thì người đọc sẽ nghĩ, tác giả nói đến cái chổi là để quét những vấn đề nổi cộm gì chăng?

Chú thích ảnh
Tác giả Ngô Tự Lập

Tất nhiên đó là câu chuyện về những chiếc chổi trong những tác phẩm văn nghệ đã đi vào vốn tri thức số đông, như truyện Ma Chổi trong Thánh Tông di thảo, bài thơ Tiếng chổi tre, bài hát thiếu nhi Bé quét nhà hay bài hát Chổi xuân của một tác giả mới.

Nhưng ở một ngữ cảnh nào đấy, chủ đề những cái chổi lại khá liên quan đến câu chuyện giáo dục, như nhiệm vụ cốt lõi của giáo dục là tạo ra con người với 3 chiều kích: Con người lao động, con người yêu nước và con người tự do.

Có thể dẫn ra nhiều câu làm rõ những mắt nối ấy: “Một cá nhân muốn tự do thì phải hiểu mình, hiểu người và hiểu vật. Điều này hàm ý rằng chúng ta phải đánh giá đúng mức một số môn học. Để hiểu người và hiểu vật, chúng ta phải học về thế giới quan và nhân sinh quan, đặc biệt là triết học… Cách giảng dạy triết học của chúng ta hiện nay không chỉ mang nặng tính tuyên truyền, áp đặt và độc đoán mà thật ra còn phi triết học”.

Hoặc tác giả tìm những ví dụ gần gũi như “Việc xem xét lại chương trình và thời lượng của các môn học cũng liên quan đến vấn đề dạy nghề, bao gồm dạy kiến thức và kỹ năng làm việc (các môn chuyên ngành và ngoại ngữ) và dạy quy tắc làm việc (Luật, Đạo đức).

Có một thực tế mà rất nhiều tác giả đã nói: Học sinh của chúng ta học quá nhiều mà lại biết rất ít, khả năng làm việc lại càng ít hơn. Ngoài ra, các em rất ít được học về pháp luật. Trên thực tế các em rất kém kiến thức pháp luật, thậm chí ngay cả luật giao thông”.

Khi tác giả chất vấn lại mô hình và phương thức đào tạo, thì bài kế tiếp tựa như một diễn giải sâu hơn và khu biệt hơn cho việc tạo ra con người với những đặc điểm trên. Cuốn sách vì thế có một sự xâu chuỗi của những trăn trở về thế giới quan ở vai trò một nhà giáo dục, chẳng hạn các bài Hiệu ứng điện thoại và văn hóa đọc, Kant và sự ra đời của trường đại học hiện đại, Minh oan cho học thuộc lòng, Uber và Uber hóa trong môi trường đại học…

Chú thích ảnh
“Mĩ phẩm trí tuệ” của Ngô Tự Lập

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một nửa vai trò của tác giả. Ở nửa còn lại là một Ngô Tự Lập của sự say mê nghệ thuật, của con người sáng tạo. Vốn là một nhà thơ, nhạc sĩ, tác giả đem lại những quan sát về khía cạnh tu từ học, biểu tượng văn hóa hay các mẫu thức nghệ thuật trong dòng các sản phẩm văn hóa trải rộng từ đại chúng đến hàn lâm.

Ở nửa này, Ngô Tự Lập được giải phóng khỏi vai trò nhà sư phạm hay nhà truyền thông, anh đồng cảm với những sáng tạo ngôn từ hay các hiện tượng văn hóa. Anh cho thấy sức quan sát trải rộng từ các chủ đề Đông Tây kim cổ, vừa bắt đầu bằng bài hát Happy New Year của ABBA đã có thể bàn sang Hồ Xuân Hương qua bản dịch của Jean Sary hay vấn đề dịch ca từ hiện đại, đều bàn về vấn đề ngôn ngữ làm cầu nối hiểu biết giữa các không gian văn hóa. Người đọc thông minh hẳn sẽ thấy đây chính là những bài giảng hấp dẫn và học được khá nhiều điều về nền văn hóa họ đang hấp thụ.

Ngô Tự Lập còn tỏ ra thủ đắc với những đề tài rất hẹp của nghiên cứu so sánh như Eisenstein, montage và ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản hay Phụ nữ và những cuộc cách tân vĩ đại của văn chương thế giới. Những bài viết này đã đăng báo, những tờ tạp chí cho giới trí thức ưa tìm hiểu các hiện tượng chuyên biệt, khi đưa vào sách cũng khá thách thức người đọc, nhất là khi in ở NXB Kim Đồng, một nơi vốn thường làm sách cho thiếu nhi.

2. Ngô Tự Lập là một người trải qua nhiều môi trường đào tạo từ Việt Nam, Liên Xô, Pháp rồi Mỹ, hiện anh là Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng anh đã là một người cổ động nhiệt thành cho việc lan tỏa tri thức từ rất sớm. Từng là người nêu ý tưởng thực hiện “Kế hoạch 500 cuốn sách” gồm những cuốn sách quan trọng nhất trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của thế giới từ năm 2004, Ngô Tự Lập còn là người thực hiện thông qua vai trò giám đốc sáng lập Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh, đỡ đầu cho việc dịch các trước tác quan trọng trong nền tri thức nhân loại.

Mĩ phẩm trí tuệ có thể là nhẹ ký so với các cuốn sách chuyên khảo phức tạp mà Ngô Tự Lập đã viết, dịch hay biên soạn, một số bài trong cuốn sách này cũng mới ở mức những bài báo khơi gợi mang tính mạn đàm. Song điều không thể phủ nhận là Ngô Tự Lập luôn nhất quán trong diễn đạt, văn phong chừng mực, từ tốn, ân cần như một người thầy hiện đại, sẵn lòng giải thích những khái niệm phức tạp trong vài dòng cô đọng, dễ hiểu ngay cả với người đọc chưa tiếp cận bao giờ. Hơn thế nữa, cuốn sách lại hàm chứa độ khoan khoái, giúp cho việc thụ hưởng đúng như cái tên gọi đầy ngụ ý, “mĩ phẩm” để làm đẹp cho tinh thần người đọc.

Nguyễn Trương Quý

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm