Kịch 5B TP.HCM: Sự 'phai nhạt' của lá cờ đầu kịch nói TP.HCM

01/06/2015 21:31 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Khoảng 2 tháng trước ngày đại hội Hội Sân khấu TP.HCM diễn ra (dự kiến cuối tháng 6/2015), Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (thường gọi Kịch 5B) đột ngột đóng cửa. Theo thông báo chung là để chờ kinh phí sửa chữa, còn thực tế thế nào thì không có phát ngôn chính thức, bởi NSƯT Việt Anh đã từ chức Chủ tịch, hiện ở Mỹ, còn NSƯT Mỹ Uyên (Phó Chủ tịch) thì “xin miễn bàn luận”.

1. Kịch 5B thành lập ngày 7/7/1997, mà tiền thân là CLB Sân khấu thể nghiệm, ra đời từ ngày 1/8/1984, theo quyết định số 1900-UB của UBND TP.HCM. Đây là sân khấu đầu tiên hoạt động theo mô hình xã hội hóa, tự cân đối thu chi, không sống bằng ngân sách nhà nước.

Hơn 30 năm qua, dù gặp nhiều thăng trầm, nhưng 5B đã để lại dấu ấn khó phai, đơn cử như việc sáng tạo vở kịch Dạ cổ hoài lang (KB: Thanh Hoàng, ĐD: Công Ninh), ra mắt năm 1994, đã diễn hơn 1.200 suất trong suất 20 năm, vừa rồi Kịch IDECAF lại tái dựng trên sân khấu của họ, vẫn khá đông khách.


Vở Cõi tình là một trong những dấu ấn khó phai của Kịch 5B, dù không phải là vở bán được nhiều vé. Ảnh: Văn Bảy

Ngoài vở Dạ cổ hoài lang, Kịch 5B đã dựng hàng trăm kịch bản nội địa và vài chục kịch bản quốc tế, rất nhiều vở để lại ấn tượng sâu sắc với giới chuyên môn và khán giả. Theo năm tháng, có thể kể Tình 281 (năm 1994), Ngôi nhà của chúng ta (1997), Ký ức (1998), Nguyệt hạ (1999), Yêu thầy (2000), Giai điệu tình yêu (2001), Nỗi đau nhân loại (2002), Bảy sắc cầu vòng (2003), Hợp đồng hôn nhân (2004), Cõi tình (2005), Một người đi lấy chồng (2006), 270 gram (2007), Đôi bờ (2008), Cánh đồng bất tận (2009), Đời có đợi anh không? (2010)…

Vở Cõi tình (KB: Huỳnh Phúc Điền, ĐD: Công Ninh) tái dựng tháng 8/2010, theo một diện mạo khác, gần với kịch bản gốc hơn, nên vô tình hoặc hữu ý, nó đã trở thành vở kịch phi lý hiếm hoi của Việt Nam. Kịch 5B luôn tiên phong về các thể nghiệm, một thời là nơi hun đúc nhiều thế hệ đạo diễn và diễn viên trẻ.  

2. Thế nhưng, trước sự thu hút của phim truyền hình (từ những năm 2008-2010), sự lấn lướt của truyền hình thực tế (mấy năm gần đây), rồi sự cạnh tranh của dòng kịch kinh dị/thị giác tại các sân khấu tư nhân ở TP.HCM, Kịch 5B gặp nhiều lao đao. 5-6 năm nay họ gần như không còn kinh phí tích lũy, luôn thiếu tiền để đầu tư dựng vở mới, do sức bán vé yếu. Bằng quan hệ riêng, họ phải đi vay tiền bên ngoài để dàn dựng, lấy tiền bán vé trả dần dần.

Việc các nghệ sĩ lành nghề hoặc có sức hút bị “kiệt sức” do chạy sô truyền hình là thực trạng chung, nên khi quay về với sân khấu (với cát-sê ít ỏi), họ như cái xác không hồn. So với các sân khấu khác, 5-6 năm gần đây Kịch 5B gần như thiếu vắng ngôi sao (kiểu NSƯT Thành Lộc của Kịch IDECAF, Hoài Linh của Nụ Cười Mới…) nên sức hút đã giảm, trong khi các trụ cột của sân khấu này, vì tồn tại và mưu sinh, cũng phải chạy sô nhiều nơi.

Hơn nữa, kể từ Cõi tình năm 2010, Kịch 5B cũng tỏ ra mất phương hướng, khi nhiều vở chỉ là dựng cho có, chứ hoàn toàn thiếu vắng chất thể nghiệm, vốn là một đặc sản của nơi này. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn (Kịch IDECAF) thường than thở về tình trạng tự bơi của các sân khấu tư nhân, họ thiếu những đầu tư cần thiết để lột xác, để vượt qua chính mình. Thế nhưng với một mô hình xã hội hóa như Kịch 5B, vốn trực thuộc Hội Sân khấu TP.HCM, tình trạng thiếu vắng này vẫn như vậy, đến nay vẫn mịt mù hướng khắc phục.

Kịch 5B đã quá cũ về cơ sở vật chất, nay cần phải sửa chữa là đương nhiên. Thế nhưng, sau khi có cơ sở mới thì sao? Họ vẫn phải đi vay tiền bên ngoài để dựng vở? Vẫn chấp nhận đánh mất phương hướng và phong cách riêng của mình để bán vé đắp đổi sống qua ngày? Đành rằng xã hội hóa là phải tự cân đối thu chi, nhưng rõ ràng sức tác động của các sân khấu tư nhân đến môi trường văn hóa chung thì cả thành phố được thụ hưởng. Nếu cứ thả nổi như vậy thì sẽ thiếu cú hích, kịch 5B liệu có vượt qua được giai đoạn khó khăn như hiện nay để giữa vững truyền thống của mình?

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm