30/03/2019 08:06 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đến giờ phút này nét văn hoá của người Huế, xứ Huế còn rất đậm đà. Đây không chỉ là từ truyền thống mà còn là kết quả rõ nhất của quá trình phát triển văn hoá, con người Huế theo Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng.
Chiều 29/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 (khoá XI) về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” và đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã nêu một số vấn đề với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, đó là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ và chính quyền tỉnh đã thực sự coi văn hoá là nền tảng tinh thần? Nguồn lực dành cho công tác văn hoá được đảm bảo đến đâu? Ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thực sự nêu gương trong thực hiện các quy định về văn hoá hay chưa? Qua quá trình thực hiện thì những khó khăn, vướng mắc gặp phải là gì, tỉnh có đề xuất, kiến nghị nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung cho biết tỉnh đã quán triệt, ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 33. Nhờ vị thế của một trung tâm văn hoá, du lịch và giáo dục-đào tạo, với những nét văn hoá truyền thống đặc sắc, riêng có của đất và người xứ Huế nên việc thực hiện Nghị quyết 33 của tỉnh rất thuận lợi.
Theo đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hoá Huế, truyền thống của người dân cố đô. Các hoạt động lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, được tổ chức thường xuyên, quy mô, chất lượng góp phần xúc tiến quảng bá du lịch, tiêu biểu là Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, lễ hội cầu ngư…
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá, di tích lịch sử được chú trọng với gần 1.000 di tích được kiểm kê, lập hồ sơ, trong đó có 7 di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của nhân loại, 163 di tích cấp tỉnh và quốc gia. Đáng chú ý, Thừa Thiên-Huế đã tiến hành phân loại, đánh giá giá trị, phục dựng các thiết chế văn hoá truyền thống, nghề thủ công, lễ hội, hoạt động biểu diễn… của đồng bào dân tộc thiểu số…
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các sở ngành của Thừa Thiên-Huế phát biểu thẳng thắn, cụ thể về các vấn đề văn hoá trong lĩnh vực quản lý. “Ví dụ trong ngành giáo dục có đủ trường lớp, giáo viên chưa; vai trò của phong trào xây dựng nông thôn mới được đo đếm đến đâu; hiệu quả của các thiết chế văn hoá, nhà văn hoá ở nông thôn thế nào…”, Phó Thủ tướng nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu cho rằng những vấn đề Phó Thủ tướng đặt ra cũng là thực tế mà tỉnh đang gặp phải. Muốn phát triển, giữ gìn bản sắc văn hoá cũng cần phải có tiềm lực kinh tế. Nhưng với vùng đất nhiều di sản như Huế, tỉnh đã từ chối rất nhiều dự án có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, du lịch. Vì vậy, nguồn lực dành cho hoạt động văn hoá của Thừa Thiên-Huế, cả về kinh phí lẫn con người, cũng còn nhiều hạn chế, đặt ra cho tỉnh bài toán phải tìm được hướng phát triển hài hoà.
Chia sẻ với những trăn trở của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cách làm của tỉnh là rất chắc chắn, có tầm nhìn xa trong quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… Vì vậy, tỉnh đã giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình tăng trưởng. Thừa Thiên-Huế giữ được môi trường an lành, thân thiện, hấp dẫn với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
“Đến giờ phút này nét văn hoá của người Huế, xứ Huế còn rất đậm. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là kết quả rõ nhất của quá trình phát triển văn hoá, con người Huế theo Nghị quyết 33”, Phó Thủ tướng nói.
Phân tích về những mặt hạn chế, bất cập, Phó Thủ tướng cho rằng cũng giống như nhiều địa phương, tại Thừa Thiên-Huế ở một số nơi, một số thời điểm, vấn đề văn hoá, người làm văn hoá chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất, thiết chế văn hoá (nhà văn hoá, thư viện) chưa đủ, chưa đồng bộ, nhưng vẫn còn tình trạng đầu tư lãng phí, sử dụng kém hiệu quả…
Từ những phân tích cụ thể, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số đặc trưng của lĩnh vực văn hoá. Đây là lĩnh vực rất rộng liên quan đến nhiều mặt của con người, rất dài hơi. Những bất cập khi đã nhận diện được thì thường chưa xử lý ngay nên tiếp tục tích tụ dần dần đến khi bộc lộ vấn đề thì mất thời gian và nguồn lực xử lý. Chưa kể, trong giải quyết các vấn đề văn hoá, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức.
Nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hoá không đóng góp trực tiếp về kinh tế nhưng lâu dài thì sẽ gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, như du lịch.
“Công tác sơ kết Nghị quyết 33 phải làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề này. Mục đích cuối cùng là nâng cao nhận thức cấp uỷ đảng, chính quyền và cả toàn dân về xây dựng và phát triển văn hoá, con người trong điều kiện đặc thù của địa phương”, Phó Thủ tướng nói.
*Sau cuộc làm việc, Phó Thủ tướng đã đến khảo sát, thăm hỏi, động viên các hộ dân đang sống tạm trên tường thành thuộc khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Trò chuyện với Phó Thủ tướng, ông Lê Viết Thiện, một người dân sống tại đây cho biết người dân rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sẵn sàng di dời trong thời gian tới.
Được biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, TP. Huế đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự tích cực của người dân và mong muốn bà con tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền để công tác di dời, giải toả được an toàn, thuận lợi.
Dự án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân sinh sống ở khu vực 1 di tích Kinh thành Huế sẽ được thực hiện từ năm 2019 đến 2021 với tổng kinh phí di dời dân cư, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khoảng 2.800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Cụ thể, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung di dời các hộ dân trong phạm vi di tích Thượng Thành - Eo Bầu, hộ thành hào, tuyến phòng hộ và các di tích khác như hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Lục Bộ… Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư với diện tích 73 ha tại phường Hương Sơ (TP. Huế) với kinh phí hơn 1.360 tỷ đồng để xây dựng nơi ở mới cho số hộ dân kể trên.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất