10/06/2019 19:06 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cùng với núi nhân tạo, Thăng Long còn có sông Tô Lịch được coi là long mạch. Sông Tô Lịch xưa dài 30 km, bề ngang rất rộng và là đường giao thông thủy quan trọng từ phía Đông Nam vào thành Thăng Long.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Tô Lịch bắt đầu từ Hà Khẩu (tương ứng với đầu phố Hàng Buồm hiện nay) nơi tiếp giáp với sông Hồng chảy qua Ngõ Gạch, Hàng Lược, men theo chân thành Thăng Long (nay là Phùng Hưng) qua các làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu đến Yên Thái thì gặp sông Thiên Phù, nơi ngã ba này gọi là Giang Tân (nay là khu vực chợ Bưởi). Vì Tô Lịch cũng nhận nước của Thiên Phù rồi chảy qua Nghĩa Đô, đến Cầu Giấy theo đường Láng xuống Ngã Tư Sở. Từ ngã tư này, sông quặt theo hướng Đông Nam chảy qua Thượng Đình, Hạ Đình, Định Công đổ ra sông Nhuệ, đoạn sông này dài 13,5km.
Theo sách Việt điện u linh, Tô Lịch là tên một vị trưởng làng vì có nhiều công với dân làng, khi ông mất, nhớ ơn công lao, dân lấy tên ông đặt tên làng. Rồi được phong là Long Đỗ thần hay “Tô Lịch giang thần”. Hồ Tây thông với sông Tô qua cống Đõ ở đầu làng Hồ Khẩu (cửa hồ). Vì nước sông Tô có lúc lại chảy ra sông Hồng nên người phương Bắc cho rằng sông Tô “nghịch thủy”, lo sợ sự không bình thường, họ đã tổ chức tế lễ “Tô Lịch giang thần” ở đền Bạch Mã và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng thần quân”.
Một thuyết khác kể, vào thế kỷ 9, khi Cao Biền làm Tĩnh hải vương quân Tiết độ sứ An Nam Đô hộ phủ, một hôm Cao Biền du ngoạn, xem phong thủy thì gặp một ông già hình nhân kỳ dị từ lòng sông bước lên. Cao Biền hỏi tên thì ông già nói: “Lão phu họ Tô, tên Lịch, quê ở gần đây”, nói xong ông già biến mất. Biết đây là thần sông nên Cao Biền đặt tên sông là Tô Lịch.
Tuy nhiên với người Thăng Long thì Tô Lịch là con sông tình nghĩa, sách Thượng Kinh phong vật chí viết: “Sông Tô Lịch ở Thượng Kinh, từ phía Bắc chuyển sang phía Tây đến Hà Liễu thì nhập vào sông Nhuệ, từng khúc, từng khúc như quay đầu về phía Thượng Kinh nên gọi là Nghĩa Thủy”.
Khi Lý Công Uẩn dời Hoa Lư ra Hà Nội đã theo sông Tô Lịch vào thành Đại La. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Tô Lịch có nhiều tên gọi khác như: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo nhưng dân chúng Thăng Long thường gọi sông Tô.
Sông Tô là đường giao thông quan trọng nối từ Đông sang Tây kinh thành nên nhiều đoạn trên bến dưới thuyền bán buôn tấp nập. Nổi tiếng nhất là chợ Bạch Mã, tức chợ Đông ở gần Hà Khẩu. Thời Lý Trần, các vua thường đi thuyền rồng dạo chơi trên sông Tô đến cầu Mọc thì dừng lại vì ở đây có đình Lý Thôn, quanh đình cây cổ thụ sum suê, phong cảnh đẹp. Dọc theo sông Tô xưa có rất nhiều cầu.
Sông Tô nước chảy quanh co,
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya
Đoạn qua Thụy Chương (nay là Thụy Khuê) có cầu Cau, gần đền Đồng Cổ có cầu Thái Hà, cầu Tây Dương (nay là cầu Giấy), cầu Cót, cầu Mọc. Thế kỷ 18, đời chúa Trịnh Doanh ông Nguyễn Hữu Thiêm người làng Mọc là Thảo chính sứ Tuyên Quang - Hưng Hóa đã bỏ tiền làm 7 cây cầu trên sông Tô bắt đầu từ cầu Cót tiếp đó là cầu Trung Kính, Mọc, Giát (bị phá thay bằng cầu mới), Lủ, Minh Kính (từ Định Công sang Lủ) và cầu Quang (từ làng Bằng sang làng Quang). Dọc hai bên bờ sông Tô có các làng trù phú. Nhờ phù sa và nước sông Tô mà dân làng Láng nổi tiếng kinh thành về trồng rau:
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta dân Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Sông Tô đoạn chảy qua Nam hồ Tây còn là con sông của trai thanh gái lịch những đêm trăng trong gió mát:
Biết nhà cô ở đâu đây,
Hỡi trăng Tô Lịch hỡi mây Tây Hồ?
Xưa làng Hồ Khẩu và Yên Thái làm giấy đều ngâm dó và đổ bọt giấy ra sông Tô. Nửa đầu thế kỷ 18, sông Hồng đổi dòng cát bồi lấp cửa sông Thiên Phù nên sông này thành sông chết vì thế Tô Lịch mất nguồn cấp nước. Mùa khô, nước sông Hồng cạn không thể cấp cho Tô Lịch và cho cả hồ Tây. Nhưng mùa mưa nước sông Hồng dâng cao lại qua cửa Hà Khẩu chảy vào Tô Lịch. Khi sông Hồng đổi dòng, cát bồi lấp Hà Khẩu nên nước không thể chảy vào Tô Lịch và Tô Lịch thành sông chết.
Năm 1889, người Pháp cho lấp khúc sông gần Hàng Chiếu làm chợ Đồng Xuân và sau đó làm cống ra đến tận trường Chu Văn An. Từ đó phần còn lại của con sông này bị lấp dần xóa sổ đoạn sông thắng cảnh và là một phần long mạch của Thăng Long - Hà Nội trong nhiều thế kỷ. Có người cho rằng vì thực dân Pháp… lấp long mạch nên họ phải trả giá bằng những thất bại thảm hại ở Việt Nam.
Xưa núi Nùng, sông Tô được coi là biểu tượng của Thăng Long. Tô Lịch hiện vẫn còn nhưng trở thành kênh thoát nước cho cả khu vực từ phía Tây kéo xuống phía Đông Nam thành phố, bắt đầu từ ngã ba Hoàng Quốc Việt và Lạc Long Quân. Hy vọng rằng, trong tương lai, nước sông Tô Lịch sẽ lại trong mát như câu ca dao xưa:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh.
Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). |
Nguyễn Ngọc Tiến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất