23/07/2019 20:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đưa tin, triển lãm Những giai điệu vẽ bằng màu sắc của họa sĩ - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã khai mạc tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật (16 - Ngô Quyền, Hà Nội) vào ngày 19/7 vừa qua (kéo dài đến 28/7). Không chỉ là nhạc sĩ nổi tiếng, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000), Nguyễn Đức Toàn còn là họa sĩ rất có giá trên thị trường tranh từ nhiều năm trước. Ông đã từng 10 lần triển lãm tranh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
1. Cách đây trên 30 năm, nhạc sĩ họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã từng bày tranh ở 61 Tràng Tiền (Hà Nội). Thời gian quá xa đã xóa nhòa một phần kí ức về những bức tranh của họa sĩ trong tôi. Thời ấy, tranh Nguyễn Đức Toàn chủ yếu là tranh sơn mài. Trong khi nhiều họa sĩ cỡ ngang tuổi ông còn đang loay hoay chưa biết bán tranh cho ai thì ông đã rất “đắt hàng”. Những năm nhà nước đang bỏ dần bao cấp, đời sống công nhân viên chức vô cùng khó khăn, thì họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã có thể rủng rình tiền bán tranh...
Nguyễn Đức Toàn từng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc năm 2000. Người ta biết đến ông là một nhạc sĩ lớn tài hoa. Vậy nhưng, nhiều người không biết một mảng nghệ thuật không hề kém của ông là hội họa. Nguyễn Đức Toàn từng có hai năm từ 1944 vào lớp dự bị để thi vào trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Nhưng năm 1945, trường giải thể, thế là giữa đường đứt gánh.
Ông đi theo kháng chiến và đời hoạt động văn nghệ của ông chuyển sang gắn với âm nhạc.
Theo biên niên sáng tác mỹ thuật, ông quay về với cây bút vẽ từ những năm 1970. Mấy chục năm gián đoạn với bảng màu và giấy vẽ, vậy mà khi trở lại với hội họa, ông đã tiếp cận rất nhanh. Những bức tranh của ông liên tục xuất hiện bằng chất liệu chủ yếu là sơn mài, đã được bán ra rất nhiều và giá cũng không hề rẻ…
2. Trở lại triển lãm đang diễn ra tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, với trên 60 tranh của Nguyễn Đức Toàn (trong tổng số hơn 100 bức) từ một nhà sưu tập.
Xem triển lãm, tôi thật bất ngờ trước một Nguyễn Đức Toàn hoàn toàn khác mà tôi chưa từng biết. Đó là Nguyễn Đức Toàn của những tranh màu bột, màu nước và lụa khuôn khổ nhỏ, giàu cảm xúc.
Đề tài thì “buông”. Ông đến với những gì ông thích xung quanh mình, với sự thoải mái và tự tin. Đó là phố, là lá, là cây, là làng quê, là bến nước con đò, là vẻ đẹp của thiếu nữ với những tranh nude phô vẻ hấp dẫn đàn bà. Với gam màu ghi trung tính mờ ảo, Nguyễn Đức Toàn dắt ta về với cổng làng, cây đa, mái rạ, bến thuyền như mơ.
Tôi đặc biệt thích những tranh về làng quê của ông. Nó đầy kí ức về thời gian. Nó mờ ảo. Ẩn sau đó người ta thấy lấp ló hình ảnh người dân quê, những gương mặt nông dân phúc hậu mà dù không vẽ ra, nhưng người xem vẫn nhận thấy ở đâu đó trong tranh ông.
Với hơn 60 tranh giấy và lụa trong triển lãm này người ta cũng đủ nhận ra chất chuyên nghiệp của họa sĩ. Ông đã vượt qua sự bị động trước thiên nhiên với cái nhìn khái quát chứa đựng cảm xúc của mình. Cho nên, dù bức vẽ nhỏ, nó đã mang dấu ấn của một tác phẩm. Đó là sự chủ động đầy bản lĩnh của người vẽ tranh. Là một nhạc sĩ, ông đưa được những cảm xúc âm nhạc vào tranh bằng những nhịp điệu của sắc màu và chuyển động đậm nhạt một cách tài tình.
Xin kể ra đây một số tác phẩm: Rêu phong (lụa, 1989) với cổng làng, lấp ló phía xa mờ là mái đình ẩn sau những chùm lá xanh tím màu thời gian. Trời sắp mưa (lụa nhỏ) với những con thuyền mỏng manh, những hàng cây quấn trong gió, ngư phủ vội vã tránh mưa. Tranh màu xanh nhạt, khung cảnh lay động trong gió cuốn. Tác giả tả cuồng phong rất giỏi. Làng trong phố (màu bột) thì lại ngây thơ như con trẻ nhưng phải thấm đẫm tình yêu làng quê mới có cách thể hiện theo cách nhìn của đôi mắt trẻ thơ đầy tình nghĩa thế.
Không thể kể hết những điều Nguyễn Đức Toàn đã làm được trong hội họa với tình cảm dành cho quê hương, đất nước. Dù rằng thời ấy, việc vẽ tranh bán - không phải chỉ riêng ông, mà còn nhiều họa sĩ khác - thường nhằm mục đích thoát ra cảnh túng thiếu kinh hoàng cuối thời bao cấp.
Có thể nói, triển lãm chỉ với mục đích trưng bày đánh dấu sinh nhật thứ 90 của ông, nhưng đã rất thành công. Đó là một cuộc trưng bày đẹp, làm sáng danh họa sĩ, để thấy họa sĩ Nguyễn Đức Toàn cũng có thành quả đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam.
Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1929 tại Hà Nội, quê gốc Bắc Ninh, mất năm 2016) được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (năm 2000) cho các tác phẩm: Quê em, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự, Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng. |
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất