16/11/2020 17:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngày 16/11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Kim Lân (1920 - 2020) với sự tham dự của đại diện gia đình nhà văn cùng đông đảo nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Nhà văn Kim Lân là một nhà văn nổi tiếng trong làng văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là người có công xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu, được công chúng cảm phục về tài văn chương.
Nhà văn Kim Lân cũng là diễn viên điện ảnh xuất sắc với vai diễn lão Hạc trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy", được xây dựng từ các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao. Lão Hạc là một vai diễn để đời của nhà văn Kim Lân mà ngay các diễn viên chuyên nghiệp cũng khó đạt được.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ, nếu nói về văn chương "quý hồ tinh bất quý hồ đa" thì hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân. Ông từng nói “Viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều giả, đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm…”. Đó là một quan niệm khắt khe nên ông đối với nghiệp viết vô cùng nghiêm túc.
Nhà văn Kim Lân dành cả đời văn của mình để khám phá, sáng tạo về cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ, với nếp sống thanh bạch, nhân nghĩa như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ ngàn đời. Nhà văn Nguyễn Khải đã từng xem nhà văn Kim Lân là bậc thầy về sự am hiểu tinh tường, tới tận gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân. Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn, Vì vậy, nhà văn Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục bởi tính chuyên nghiệp rất cao, sự thuần thục bậc thầy về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.
“Từ một thành viên của Hội Văn hóa Cứu quốc 1945, nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu nước, gắn bó mật thiết với cách mạng và khách chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn, để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm cho văn chương Việt, tâm hồn Việt”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã chia sẻ nhiều ý kiến, kỷ niệm sâu sắc về nhà văn Kim Lân. Theo Giáo sư Phong Lê, nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào, càng không sa vào những cuộc đánh đấu, mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường, một phận người tử tế, phải chăng đó là một trong các nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì, chủ trương viết ít dù điều đó "gây thiệt" cho ông, cũng là thiệt cho nền văn học nước nhà nửa sau thế kỷ XX.
Nhà văn Kim Lân (1920-2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm. Nhà văn Kim lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Ông viết nhiều về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được biết đến với các tác phẩm văn học như “Vợ nhặt”, “Làng”…
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và viết về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được nhiều người biết đến như tập truyện ngắn “Nên vợ nên chồng” (1955), tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” (1962).
Ngoài sáng tác văn học, nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến như vai lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”…
Nǎm 2001, nhà văn Kim Lân được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, ông mất năm 2007 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.
Phương Lan/TTXVN. Ảnh: Gia đình cung cấp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất