12/01/2013 18:58 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Để làm nên sự độc đáo trong nghệ thuật, với nhiều nghệ sĩ, không dễ dàng. Còn với hoạ sĩ (HS) Lê Thiết Cương, điều ấy là mặc định tất nhiên. Có lẽ anh là người đầu tiên của giới mỹ thuật làm triển lãm năm 2013. Triển lãm 13 với 13 tranh sơn dầu, khai mạc 17h13 ngày 13/1/2013 (đến hết 23/1) tại 39A Lý Quốc Sư, Hà Nội.
Càng trò chuyện trong mối thâm giao, càng thấy Lê Thiết Cương nổi tiếng, nhiều khía cạnh, là rất… dễ hiểu. Nhất là đông bạn tiếng tăm. Anh tinh sành đồ cổ, hiểu biết văn học và âm nhạc không chỉ như “tay chơi thứ hạng” mà là một “chuyên gia”. Sau Chuyện của Lan hơn 5 năm, giờ anh mới bày triển lãm cá nhân tại gallery của mình, một thế - giới - tĩnh - nghiệm trong lòng phố cổ.
Cuộc trưng bày được xem là khá “sốc”: sốc từ số 13. Sốc, vì kích thước tranh panorama. Sốc, vì những câu thơ hay được sử dụng như phụ đề không liên đới, không minh hoạ.
TT&VH đã có cuộc phỏng vấn HS Lê Thiết Cương trước khi triển lãm diễn ra.
Chủ yếu là bố cục và tạo hình tác phẩm
* 13, tên triển lãm bằng số, lại là số người ta vẫn kiêng, tránh. Anh chủ ý đi ngược sao?
- Tôi thích số 13, không nhằm trước, mà loạt tranh tôi vẽ từ 2007 theo ý tưởng kích thước tỉ lệ 1:3 là 21 bức. Khi chọn làm triển lãm, loại dần tranh, ngẫu nhiên chọn xong, có 13 tranh ưng ý.
* Anh luôn gây bất ngờ cho các đồng nghiệp và công chúng về sự phá cách, khác biệt đầy quyết liệt. Thay đổi tư duy sáng tạo và thưởng thức từ quan điểm nghệ thuật là chủ định của anh khi phân chặng lao động?
- Trong nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng, đề tài không có giá trị mà phải xem cách vẽ. Nghệ sĩ chuyên nghiệp nói chung và HS nói riêng, chỉ làm được việc duy nhất từ lúc bắt đầu bước chân vào con đường nghệ thuật đến lúc chui vào… quan tài, là làm những gì thuộc về hình thức.
* Lâu nay, người ta luôn xem và bình luận về tác phẩm theo đề tài.
- Tôi làm triển lãm 13 để chống lại thói quen ấy.
* Không, anh đã chống từ trước!
- (Cười) Đúng thế. Như đã nói, tôi chú ý đến chất liệu, màu sắc, kích thước. Với Như không tại Trung tâm Văn hoá Hàn Quốc (2006), tôi quan tâm đến bút pháp. Vẽ cho bản thảo Nguyễn Huy Thiệp, làm sách Người cùng Nguyễn Quang Thiều là bộ tranh về độ đậm nhạt của màu. Mỗi giai đoạn vẽ chỉ giải quyết một “gạch đầu dòng”. Và lần này là gạch đầu dòng về kích thước, khổ tranh.
* Anh hãy nói rõ hơn về loạt tranh panorama này?
- Khi vẽ serie tỉ lệ 1:3, rải rác 5 năm qua, là phải nghĩ về bố cục chứ không phải là vẽ gì. Tất cả tranh của triển lãm này đều cùng kích thước 50x150cm. Tỉ lệ 1:3, bố cục tạo hình phải khác. Lúc này kích thước không chỉ là kích cỡ mà quyết định tạo hình và bố cục tác phẩm.Coi trọng tối giản - giàu sức gợi…
* Song rốt cuộc người xem luôn bị tập quán “vẽ gì” theo đuổi, họ sẽ cố giải mã điều đó, thay vì tìm hiểu “vẽ thế nào”. Đang may mắn xem trước một số tranh của 13, sau choáng ngợp về sự khác lạ do tạo hình, bố cục, tôi lại nghĩ về ý văn học của tác phẩm.
- Người xem hay bị ám ảnh về đề tài. Hãy biết xem tranh không theo đề tài mà xem cách xử lý đề tài ấy. Kỹ thuật, suy cho cùng không quan trọng với công chúng, nó là chuyện của nhà nghề. Ví dụ: người xem chỉ thấy màu trắng ấn tượng thế nào, chứ đâu cần biết týp sơn số mấy, trắng có 4 sắc: kẽm, titan, ngà, hay trắng để làm nền toan.
* Tôi từng gọi anh là “nạn nhân của văn học”, vì chơi thân với một số nhà văn, nhà thơ mà bị nhờ vẽ bìa, minh hoạ, thiết kế sân khấu các chương trình thơ. Giờ thì anh càng chứng tỏ không “thoát” nổi thơ khi dùng thơ làm phụ đề những bức tranh chỉ có tên một số?
- Tôi coi trọng tối giản. Ngắn, giàu sức gợi, không thích chữ thừa, nét thừa. Thơ là phụ đề như đường dẫn, cánh cửa hé cho người xem suy tưởng. Đừng tìm cách liên hệ thơ với tranh, tôi không bao giờ minh hoạ. Tranh đã vẽ xong, tôi chọn các câu thơ hay để người xem được hưởng thụ “đúp” và nhiều hơn thế. Mỗi loại hình nghệ thuật không cần minh hoạ cho nghệ thuật nào, cũng cho chính nó.
* Tôi muốn biết những bức tranh và những cánh cửa mở hé?
- Có thể kể bức Một, với thơ Đặng Đình Hưng: “Thì ra thèm muốn là một thỏi phấn tắm nước nóng cọ bàn chân khô lau cái khăn không”. Sen có câu của Trịnh Công Sơn: “Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá”. Chọn với thơ Đào Trọng Khánh: “Thành phố như con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cùng đi với số phận mỗi con người”. Niệm có đoạn kết hay nhất trong Ma thuật ngón của Trần Tuấn, Rơi cùng thơ Trần Dần: “Một chút nghề mưa … gửi người chưa gặp/Mỗi ngày thu dọn một chân mây”. Còn có thơ của Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Phan Đan… tất cả đều được Phạm Thu Giang thiết kế đồ hoạ.
* Kế hoạch gần nhất của anh?
- Cuối tháng 3, tôi thiết kế sân khấu cho 3 đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Hà Nội và TP.HCM.
* Và triển lãm kế tiếp là?
- Tôi không biết. Tôi không định trước sẽ vẽ gì.
* Ai có thể sở hữu tranh 13 sau triển lãm?
- Tôi. Tôi không bán tranh nào trong triển lãm này.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Gia Huy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất