25/10/2016 07:25 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Theo nhạc sĩ Quốc Trung, trong năm đầu tiên Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon music Festival) lỗ hơn 600 triệu đồng. Năm tiếp theo lỗ hơn 1 tỉ và trong năm thứ 3 vừa diễn ra, nếu không có nhà tài trợ thì có khả năng lỗ gấp 6 lần như thế.
"Kite" không chỉ là “cánh diều”
Rất nhiều người trước khi đêm đầu tiên (21/10) mở màn Monsoon 2016 đã tự thăm dò nhau “Kite là ai vậy?”. Đa phần công chúng của đêm hôm ấy đều đến vì hai nghệ sỹ Việt Nam là Mỹ Linh và PB Nation, những cái tên còn lại đa phần đều chẳng ai biết.
Để rồi, tối hôm ấy, sau khi xem xong phần trình diễn của Kite (bộ đôi âm nhạc điện tử đến từ Thụy Điển) và SaveUs (nhóm Pop điện tử của Đan Mạch) thì người ta gần như đồng loạt ngã ngửa. Thứ âm nhạc mà công chúng được thết đãi vượt xa sự tưởng tượng ban đầu. Khán giả hò reo, lắc lư, ngất ngây với chất điện tử đầy biến hóa, vừa “bạo tàn” mà cũng cực kỳ ngăn nắp, sáng tạo và văn minh.
Ca sĩ Tùng Dương gây chú ý đặc biệt tại Monsoon 2016 với dự án âm nhạc “Rễ cây”
Những câu hỏi như trên đã tồn tại suốt 3 năm qua tại Monsoon và giờ đây công chúng gần như đã hình thành nên một thói quen: chờ đợi những điều mới mẻ. Trước đây, có những dạng câu cảm thán vẫn thường được lặp đi lặp lại “Nhạc gì mà khó nghe quá”, thì bây giờ thường sẽ là một câu khẳng định, “sẽ tìm nghe thêm trên mạng”.
Năm nay, sự mới mẻ ngập tràn Monsoon. Những âm thanh vùng Bắc Âu, cho đến lục địa già như Anh quốc, Pháp, Nam Phi hay quốc gia đang phát triển kinh hoàng như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều đem đến cho công chúng Việt những trải nghiệm thú vị.
Cơ hội để biết thêm những điều mới mẻ của âm nhạc xung quanh là một thái độ nghe văn minh. Và việc được xem những nghệ sỹ không phải lúc nào cũng được biết đến, sẽ là một trải nghiệm không dễ dàng nhưng nếu hấp thụ được, đó sẽ là cơ sở cho phát triển.
Nhiều công chúng sau khi được tận mắt thưởng thức dự án Rễ cây của Tùng Dương đã nói rằng đã lâu lắm rồi họ không được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc kinh hoàng như vậy và đúng là phải đến một không gian âm nhạc mang tính lễ hội như thế này, sự thẩm thấu đã được nâng lên rất nhiều lần.
Thật ra, Monsoon không mang nghĩa vụ có một cuộc khai phóng nhưng nó đang là nơi đưa ra những ý tưởng hay nhất về mặt chất lượng âm nhạc hiện nay. Nhìn vào cuộc chơi của năm nay sẽ thấy rõ cách mà nhạc sĩ Quốc Trung đưa ra thẳng một định hướng rõ ràng trong sân chơi của mình: chúng tôi mới, nhưng không quá xa lạ với người nghe.
Một lối đi riêng
Cách mà Monsoon đang tổ chức đã cho thấy một lối đi mới cho việc thưởng âm nhạc tại Việt Nam. Thông qua môi trường festival, Monsoon có thể đưa các nghệ sỹ quốc tế đến Việt Nam một cách tương đối dễ dàng hơn, với một cái mức kinh phí chấp nhận được, thay vì những show thuần túy thương mại.
Ở Việt Nam bây giờ, những show thương mại có thể nói là không còn thắng như trước. Vì thế câu hỏi đặt ra là có cách thức nào khác đưa các nghệ sỹ quốc tế đến đây? Chính những festival âm nhạc là con đường hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại có thể chấp nhận được với số đông, đem lại cơ hội thưởng thức âm nhạc chất lượng với một mức giá vé khá rẻ.
Tuy vậy, đến giờ, câu chuyện “kinh doanh” của Monsoon vẫn là một câu hỏi khó.
Hệ thống Nielsen vừa thống kê cho biết, mỗi năm tại Mỹ có khoảng 32 triệu người tham dự ít nhất một liên hoan âm nhạc (với tổng lượng 800 liên hoan một năm), một nửa trong số đó có độ tuổi vàng, từ 18-34 và tiêu 192 triệu USD chỉ riêng cho tiền vé.
Nhạc sĩ Quốc Trung tại Monsoon 2016
Hệ thống này cho biết xu hướng này ngày càng nở rộ, như gà đẻ trứng vàng cho những nhà tổ chức uy tín và cơn bão ấy đang lan khắp nơi mà điểm đến quan trọng sẽ là châu Á. Cũng cần biết thêm rằng, mỗi năm, số lượng các festival âm nhạc tăng đều ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia khi các quốc gia này đang nỗ lực biến mình thành đất thánh của những cuộc hành hương âm nhạc đủ màu sắc.
Trong khi đó, tại Việt Nam, lễ hội âm nhạc được xem là đúng chuẩn thì gần như chỉ có một mình Monsoon. Và như lời nhạc sĩ Quốc Trung thì trong những lần tổ chức vừa qua, Monsoon gần như chưa thể gặt hái lợi nhuận.
Và như thế, nếu chưa thể gặt hái lợi nhuận thì Monsoon đang gặt hái điều gì?
Chương trình này đang tạo ra một thói quen thưởng thức mới, tạo ra một lớp công chúng mới, lớp công chúng sẵn sàng bỏ tiền đi nghe nhạc ngoài trời, nuôi dưỡng thói quen thưởng thức âm nhạc số đông, thói quen đi mua vé.
Và quan trọng hơn, việc đi xem những festival như Moonson sẽ trở thành hành trang nuôi lớn những công chúng trẻ trong nhiều năm tới, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc, trước khi họ trở thành ai đó và rủng rỉnh ngân lượng cho việc thưởng thức nghệ thuật.
Thêm vào đó, những festival âm nhạc thành công hiện nay đều có sức mạnh từ cộng đồng và chính cộng đồng âm nhạc sẽ quyết định xu hướng âm nhạc tổ chức mỗi năm. Mà điều này ở Việt nam chưa bao giờ có được bởi sự mảnh lẻ, manh mún và thiếu đồng nhất trong từng phân khúc cộng đồng âm nhạc.
Và cách làm của nhạc sĩ Quốc Trung với Monsoon đang cho thấy những mong muốn “thống nhất” như thế. Chỉ có điều, đó là một công việc vất vả và đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng niềm tin cũng như sự thôi thúc tới cùng.
Nhưng theo một số người thân cận của nhạc sĩ Quốc Trung, sau Monsoon 2016, anh đã bắt đầu thấm mệt.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất