Liên hoan nghệ thuật 'Tôi yêu tiếng nước tôi': 'Hát hay tiếng Việt, để nói sõi tiếng quê hương'!

19/08/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi 2019 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15/9 tại Warszawa, Ba Lan. Chương trình vừa có buổi họp báo tại Hà Nội…

Liên hoan nghệ thuật 'Tôi yêu tiếng nước tôi' tại Ba Lan

Liên hoan nghệ thuật 'Tôi yêu tiếng nước tôi' tại Ba Lan

Hội bảo vệ quyền của nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức Liên hoan nghệ thuật toàn thế giới “Tôi yêu tiếng nước tôi” 2019 tại thủ đô Warszawa, Ba Lan từ ngày 12/9- 15/9/2019.

Đây là sân chơi được tổ chức không phải để tìm kiếm những giọng ca xuất chúng, mà để người Việt Nam khắp thế giới cùng hướng về nguồn cội, bảo tồn văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt qua âm nhạc.

“Sứ mệnh” bảo tồn ngôn ngữ, văn hóa Việt

Liên hoan nghệ thuật Tôi yêu tiếng nước tôi 2019 do Hội Bảo vệ quyền của Nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tổ chức. Đây là lần thứ hai cuộc thi ở phạm vi toàn thế giới dành cho cộng đồng người Việt, sau lần đầu tiên năm 2018 tại CH Séc. Trước đó, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA đã “cầm trịch” liên hoan Tôi yêu tiếng nước tôi toàn châu Âu năm 2015 và toàn ASEAN tại Lào năm 2017.

Chú thích ảnh
Họp báo Liên hoan “Tôi yêu tiếng nước tôi” 2019 tại Hà Nội

NSND Thanh Hoa chia sẻ, Tôi yêu tiếng nước tôi mang hai “sứ mệnh”. Một là bảo tồn văn hóa Việt, những bài hát Việt. Hai là bảo tồn tiếng Việt, đem đến cho mọi người niềm vui và khát vọng về văn hóa quê hương, tiếng hát quê hương, qua đó gợi nhớ về cội nguồn cũng như gìn giữ những ca khúc hay của Việt Nam.

Đồng cảm với điều này, bà Nguyễn Việt Triều, đại diện Hội Người Việt Nam tại Ba Lan - đơn vị phối hợp tổ chức năm nay - cho rằng dù đơn vị tổ chức gặp không ít khó khăn về kinh phí, song đáng mừng là chương trình nhận được sự ủng hộ và gắn kết của cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng và ở các quốc gia trên toàn thế giới nói chung, nhất là trong quá trình vận động tổ chức.

Tiếng Việt, văn hóa Việt trong lòng người xa xứ

Nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn của chương trình, ông Phạm Gia Hậu, Chủ tịch Hội VHNT Việt Nam tại CH Séc tâm sự, cộng đồng người Việt thường nói với nhau: Muốn giữ được văn hóa, ngôn ngữ Việt, “trước tiên phải hát hay được tiếng Việt, sau đó mới nói sõi được tiếng Việt”! Trong khi đó, NSND Thanh Hoa cho biết, bà gặp nhiều trường hợp thí sinh Việt kiều “nói không sõi tiếng Việt nhưng hát tiếng Việt rất hay và rõ lời”.

Đồng cảm với chia sẻ của ông Hậu, chị Đỗ Thu Hà (giải Khuyến khích Tôi yêu tiếng nước tôi 2018), Việt kiều sống 33 năm tại CHLB Đức, giải thích: “Vì bài hát có giai điệu. Ở nhà, tôi thường hát những bài hát tiếng Việt, hát nhiều lần thành ra con gái tôi cũng thuộc và hát được”. “Thế hệ con, cháu người Việt ở nước ngoài hát tốt tiếng Anh hoặc tiếng bản xứ, nhưng thế hệ trẻ hát được tiếng Việt mới giỏi, mới là niềm hãnh diện của bố mẹ, của cộng đồng Việt bên này” - bà Hà nói thêm.

Chú thích ảnh
Anh Lê Trọng Việt, Việt kiều Đức, HCV “Tôi yêu tiếng nước tôi” 2018, trả lời phỏng vấn của báo chí tại buổi họp báo

Vì thế, mọi dịp lễ lạt quan trọng trong cộng đồng người Việt bên Đức, không thể thiếu hoạt động “hát cho nhau nghe” của người Việt. Theo chị Hà, giới thanh thiếu niên bên đó thường quen với những ca khúc nhạc trẻ, dễ tìm trên Internet. Còn thế hệ lớn tuổi luôn hướng về những bài hát dân ca. “Mỗi dịp biểu diễn, mọi người tự về nước mua trang phục truyền thống như nón thúng quai thao khi trình diễn dân ca Bắc Bộ, dân ca Nam Bộ thì áo bà ba quần đen... để tiết mục thêm sinh động. Còn tôi 10 lần lên sân khấu thì 9 lần mặc áo dài…” - chị Hà say sưa kể.

Chung nỗi niềm tha thiết hướng về quê hương dù đã sống tại CHLB Đức 35 năm, anh Lê Trọng Việt (HCV Liên hoan Tôi yêu tiếng nước tôi 2018) cho rằng chương trình Tôi yêu tiếng nước tôi là một cách để giúp các gia đình người Việt bên Đức dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho thế hệ sau tại đây.

Anh Việt sống tại thành phố Leipzig, nơi có 27 trường phổ thông có dạy tiếng Việt. Dù ở trường các con anh được học tiếng Việt, nhưng “về nhà tôi chỉ nói tiếng Việt với con, để con hiểu rằng mình phải hiểu tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt Nam thì mới yêu quê hương được” - anh Việt nhấn mạnh.

“Tiếng mẹ đẻ chẳng thể nào quên! Tôi mong muốn Tôi yêu tiếng nước tôi được tổ chức hàng năm, hoặc 2 năm một lần. Có như vậy, tiếng Việt, văn hóa Việt mới mãi lắng đọng và trường tồn trong lòng những người con xa quê hương”! - chị Hà nói thêm.

Các thí sinh chủ yếu là ở châu Âu

Tại họp báo giới thiệu Tôi yêu tiếng nước tôi tại Hà Nội vừa qua, BTC cho biết, liên hoan có 31 thí sinh xuất sắc lựa chọn từ hàng trăm thí sinh trên thế giới. Trong đó có 8 thí sinh từ CHLB Đức, 5 thí sinh từ Ba Lan, 2 thí sinh từ Hungary, 5 thí sinh từ Nga, 2 thí sinh từ Thái Lan, 5 thí sinh CH Séc, 1 thí sinh Pháp và 3 thí sinh từ Việt Nam sang. Các thí sinh sẽ biểu diễn một ca khúc dân ca nguyên bản và một ca khúc tự chọn bằng tiếng Việt. Theo BTC, lựa chọn ca khúc dân ca của thí sinh khá đa dạng, từ dân ca Bắc Bộ, quan họ Bắc Ninh, dân ca Thái, dân ca Xê Đăng cho tới hát văn...

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm