Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM: Sân khấu phía Nam 'rầm rập' vào cuộc

29/12/2021 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra từ ngày 5 đến 17/11/2021 tại Hải Phòng, với sự góp mặt của nhiều đoàn kịch phía Bắc. Vào thời điểm ấy tại TP.HCM, đại dịch Covid-19 nặng nề, nên các đoàn phía Nam không thể ra tham dự. Giờ Liên hoan này “hành phương Nam”, sẽ bắt đầu từ ngày 3/1/2022 tại TP.HCM, thu hút hầu hết các đơn vị, trừ kịch IDECAF.

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Sân khấu kịch nói: Hành trang nào cho… 100 năm tới?

Thực tế, kịch nói Việt Nam ra đời rất muộn so với các nền kịch lớn của thế giới. Điển hình, nếu xét từ ngọn nguồn của kịch nói nhân loại, chúng ta “thua kém” kịch nói cổ đại Hy Lạp tới 25 thế kỷ.

Đến giờ, dịch bệnh vẫn đang còn khá phức tạp tại địa bàn TP.HCM, khiến các nhà hát quyết định không mở cửa phục vụ mùa Tết. Vậy nhưng, họ có nhiều lý do để tham gia Liên hoan này.

Đông đảo và phong phú

Sau khi sân khấu kịch Sài Gòn và sân khấu Nụ cười mới đóng cửa, tại TP.HCM, các sân khấu sáng đèn thường xuyên còn lại gồm IDECAF, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Thế giới trẻ, 5B Võ Văn Tần... Riêng sân khấu nhà nước thì có Nhà hát Kịch Thành phố, nhưng hoạt động ít ỏi. Tuy nhiên, trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM sắp tới, có đến 18 đơn vị tham gia, với 26 tác phẩm dự thi. 11 đơn vị đến với Liên hoan với tư cách là những công ty có chức năng sản xuất phim và kịch, cùng các nhóm kịch không có nhà hát. Sự xuất hiện của họ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho cuộc thi.

Chú thích ảnh
NSƯT Trịnh Kim Chi và ca sĩ Nam Cường vở “Blouse trắng” của sân khấu Trịnh Kim Chi

Sân khấu Trịnh Kim Chi là đơn vị có tâm thế sẵn sàng và chờ đợi. Lý do vì NSƯT Trịnh Kim Chi ấp ủ một câu chuyện cảm động, mang đề tài nóng hổi. Chị muốn tri ân sự hy sinh quên mình của các y, bác sĩ, điều dưỡng, tình nguyện viên và toàn bộ lực lượng tuyến đầu đã xả thân trong chống dịch, qua vở kịch Blouse trắng (kịch bản: Miên Thảo, đạo diễn: Hữu Tiến). Được biết, vở kịch này quy tụ đến 40 diễn viên để thể hiện đủ các thành phần trong bối cảnh của một bệnh viện dã chiến.

Trịnh Kim Chi cho biết: “Ngay khi chứng kiến hình ảnh y bác sĩ đã chiến đấu giành giật sự sống cho từng bệnh nhân, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam đợt đầu tiên, tôi đã ấp ủ câu chuyện về sự hy sinh này. Rồi khi thấy nhiều quyển sách và ca khúc nói về cảnh Sài Gòn tổn thương và trong đó nổi bật lên tình người cưu mang vượt qua khó khăn, tôi càng quyết tâm kể câu chuyện bằng ngôn ngữ sân khấu”.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vốn dĩ chưa từng tham dự bất cứ liên hoan nào trong suốt 11 năm hoạt động, năm nay, đưa đến liên hoan 2 vở là Sài Gòn có một ngã tư (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) và Bạch Hải Đường (nguyên tác: Nguyễn Huỳnh, chuyển thể kịch nói: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như).

Sân khấu Thế giới trẻ là đơn vị từng tham gia 4 - 5 kỳ liên hoan, năm nay cũng góp mặt với 2 vở là Ngược gió (kịch bản và đạo diễn: Tiết Duy Hòa) và Bao giờ mẹ lấy chồng (kịch bản và đạo diễn: Ngọc Hùng). Một vở là bi kịch tâm lý, một vở có nội dung hài giải trí nhẹ nhàng.

Chú thích ảnh
Trí Quang và NSƯT Tuyết Thu trong vở “Bạch Hải Đường” của sân khấu Hoàng Thái Thanh

Công ty Hero Film cũng từng giành Huy chương vàng liên hoan với vở Tiếng giày đêm, năm nay tham dự vở Mưa bóng mây (kịch bản: Thanh Bình, đạo diễn: Ngọc Hùng). Đây là vở có cái tứ lạ, vì chỉ có 2 diễn viên, gồm Ngọc Trinh và Hòa Hiệp, nhưng rất cảm động.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng bén duyên với kịch nói nhiều năm trước, qua vai trò thiết kế phục trang và diễn viên. Từ đó, anh bị kịch nghệ lôi cuốn đến mức đầu năm 2021, anh thành lập Công ty Sử Việt với mục tiêu dựng các vở kịch lịch sử Việt Nam. Công ty Sử Việt mang đến cuộc thi vở kịch lịch sử Khóc giữa trời xanh (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Phùng Nguyên).

Sân khấu 5B của NSƯT Mỹ Uyên góp mặt 2 vở Tình lá diêu bông (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc) và Công lý như mặt trời (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực). Sân khấu Sen Việt của ông bầu NSƯT Lê Nguyên Đạt tham dự vở Mảnh vỡ (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt). Hội Sân khấu TP.HCM tham gia với vở Chuyện làng (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt). Sân khấu Hồng Vân góp mặt 2 vở Ngã rẽ (kịch bản: Tân Nhật, đạo diễn: Xuân Trang ) và Ngôi nhà trên thuyền (kịch bản: Cát An, đạo diễn: Xuân Trang)…

Tạo đà cho sự trở lại của sân khấu Sài Gòn

Sân khấu IDECAF không tham dự liên hoan ngay tại TP.HCM, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết vì dịch bệnh khiến cho việc tập hợp diễn viên rất khó khăn. Ngay cả việc phục vụ cho khán giả trong dịp Tết cũng hoãn lại vì lý do an toàn sức khỏe và kinh phí. Hơn nữa, từ 25 năm trước, kịch IDECAF đã xác định việc phục vụ khán giả là chính, chứ không chú trọng dự thi, vì liên hoan có những tiêu chí mà sân khấu không thể đáp ứng.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Trinh và Hòa Hiệp trong vở “Mưa bóng mây” của Công ty Hero Film

Sân khấu Hoàng Thái Thanh đã hoạt động được 11 năm, cũng chưa từng tham gia bất kỳ liên hoan nào. Vì vậy, sự có mặt của họ trong liên hoan năm nay cũng mang tính động viên rất nhiều đối với cộng đồng nghệ sĩ kịch. Bà bầu Ái Như bộc bạch: “Sân khấu chúng tôi luôn phải đối phó về vấn đề kinh phí và xác định mục tiêu chính là phục vụ cho khán giả. Vì thế, các kỳ liên hoan trước tổ chức ở địa phương khác, chúng tôi không tham gia vì không cân đối được tài chính. Năm nay, liên hoan diễn ra tại sân nhà và chúng tôi được diễn ngay tại sân khấu của mình. Xem như đây là cơ hội tốt được tái ngộ khán giả sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh, chứ không quan tâm đến huy chương. Tất nhiên, tôi hy vọng ban tổ chức sẽ kiểm soát tốt điều kiện an toàn sức khỏe cho những người có mặt trong tất cả các đêm diễn”.

Nhiều ý kiến cho rằng Liên hoan là một sân chơi có những tiêu chuẩn khắt khe hơn hoạt động sân khấu thường nhật, điều này ít nhiều giúp các diễn viên trẻ lao động nghệ thuật nghiêm túc hơn. Tại đây, các bạn có cơ hội giao lưu để học hỏi từ những nhà chuyên môn có kiến thức sách vở và cả những tiền bối có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Với nhiều người, Liên hoan xem như một bước tạo đà để sân khấu TP.HCM sáng đèn trở lại sau thời gian dài đóng cửa vì dịch bệnh.

Theo bà bầu Mỹ Uyên, các vở diễn mang âm hưởng miền Nam là hương vị lạ, mang tính trao đổi, giao lưu với các giám khảo đến từ phía Bắc. Đương nhiên, mục tiêu tranh huy chương để khẳng định mình là một yếu tố quan trọng. Giám đốc nghệ thuật của Thế giới trẻ là Ngọc Hùng thì cho biết: “Sự công nhận của khán giả là quan trọng, nhưng sự đánh giá tài năng của hội đồng nghệ thuật có chuyên môn cũng quan trọng không kém. Các bạn trẻ ít nhiều gì đó biết khả năng của mình đến đâu qua kết quả của cuộc thi. Trong vai trò quản lý, tôi thành thật thừa nhận muốn tạo điều kiện cho các bạn có được huy chương để làm kỷ niệm đẹp trong đời diễn viên, đủ điều kiện xét duyệt danh hiệu sau này”.

Liên hoan cũng là động thái thăm dò khán giả. Nếu được hưởng ứng tốt, nhiều khả năng các rạp sẽ mở cửa trong mùa Tết. Đối với các đơn vị không có sân khấu để sáng đèn thường xuyên, sau Liên hoan, họ sẽ mang tác phẩm đi phục vụ cộng đồng như diễn hợp đồng tại các công ty, trường học, bệnh viện, quay hình phát sóng truyền hình hoặc YouTube, hoặc là diễn phục vụ bà con vùng sâu vùng xa.

Với Công ty Sử Việt, nhà thiết kế Sĩ Hoàng sẽ diễn kịch tại Bảo tàng Áo dài và các nhà trưng bày thời trang của anh tại TP.HCM, như một cách kể chuyện thời trang đầy sống động. Bởi vì kịch của anh là kịch lịch sử, ở đó, yếu tố trang phục là thế mạnh, bên cạnh nội dung.

Nguyễn Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm