'Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!' của Mèo Mốc: Vượt ranh giới sách giải trí đơn thuần

21/03/2021 07:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Là một tác giả truyện tranh “đã có 28 năm kinh nghiệm trong việc hít thở”, cũng là một trong số ít những họa sĩ hiếm hoi đạt được thành công ở dòng truyện viết cho thiếu nhi, Mèo Mốc (tên thật là Đặng Quang Dũng, SN 1992) đã mở đầu năm 2021 bằng tập truyện Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!

Cơn sốt 'truyện tranh' hiếm hoi của trẻ em Việt Nam: Bay bổng cùng 'Mèo Mốc'

Cơn sốt 'truyện tranh' hiếm hoi của trẻ em Việt Nam: Bay bổng cùng 'Mèo Mốc'

Những năm gần đây, cái tên Nhật ký Mèo Mốc hay Mèo Mốc đã không còn xa lạ với độc giả truyện tranh Việt. Các tác phẩm của Đặng Quang Dũng (Mèo Mốc) tạo ra cơn sốt hiếm hoi cho trẻ em Việt Nam ngay từ khi ra mắt vào năm 2013, và vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời điểm hiện tại.

Bằng việc kể song song câu chuyện xoay quanh kỳ nghỉ Tết từ góc nhìn của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, tập truyện đã mở ra cơ hội để các thế hệ bao dung và thấu hiểu nhau hơn.

1. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dư luận lại dấy lên câu chuyện: “Có nên duy trì Tết Âm lịch nữa hay không?”, hoặc từ đâu đó, sẽ có tiếng nói cất lên thở than về dịp Tết, về những câu hỏi lương tháng, sự nghiệp, tình yêu...

Trong khi guồng quay hiện đại mỗi ngày mỗi khác, các phương tiện truyền thông đại chúng ngày càng đa dạng và có ảnh hưởng hơn đến đời sống mỗi người, thế hệ trẻ ngày một trưởng thành và có tiếng nói riêng, Tết Âm lịch vẫn tồn tại ở đó, mặc cho bao lời ra tiếng vào bủa vây tứ phía.

Chú thích ảnh
Tác giả Mèo Mốc (Đặng Quang Dũng)

Vậy, người trẻ nghĩ gì về Tết? Trẻ con trong xã hội ngày nay có còn háo hức trông đợi Tết nữa không? Và một kỳ nghỉ Tết “bình thường” của mỗi gia đình người Việt hiện tại như thế nào? Tất cả các câu trả lời đều có trong tập truyện tranh Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! của tác giả Mèo Mốc.

Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! xoay quanh câu chuyện của một gia đình phố thị về quê ăn Tết, đan xen vào đó là những câu chuyện gặp gỡ họ hàng, đi biếu quà Tết, nấu bánh chưng, hỏi han chúc Tết... Nghe có vẻ không có gì mới mẻ, song ở chính từng câu chuyện quen thuộc ấy, người đọc sẽ bắt gặp những tình huống mà chỉ Tết hiện đại mới có: Đó là việc mua sắm trực tuyến, hay tình huống đối phó với lời thăm hỏi “bao giờ lấy chồng” từng gây ám ảnh với biết bao người trẻ.

Có lẽ, tập truyện tranh này của tác giả Mèo Mốc sẽ khó có thể gây ấn tượng được với người đọc ở những ý tưởng mới, vì các mẩu chuyện được kể đều đã quá quen thuộc với bao người; nhưng bản thân Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! lại rất mới ở góc nhìn trẻ trung về Tết.

Chú thích ảnh
Cuốn “Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!”

2. Tết là...

Tết là những ngày cả nhà xếp đồ về quê, nhưng đến khi lên xe lại nhớ ra mình đã quên nọ, quên kia.

Tết là những ngày gặp gỡ họ hàng ở quê, nhìn người nọ người kia một lúc vẫn chẳng biết nên xưng hô thế nào, ai là ai.

Tết là những ngày hương rau mùi già thơm cay cay khắp chốn.

Tết là những ngày háo hức thức trông nồi bánh chưng, để rồi lại gật gù ngủ quên lúc nào không biết.

Tết là quây quần bên gia đình, xem bố mẹ bày mâm ngũ quả, nghe kể chuyện cây nêu.

Tết là vô vàn những điều nhỏ bé khác nữa gộp lại, khi bao người con xa quê trở về, thoáng chốc từ xa lạ đã trở nên gắn kết với nhau hơn nhờ sợi dây huyết thống.

Tất cả những điều nhỏ bé tạo nên Tết ấy đều được Mèo Mốc tỉ mỉ gom lại, để rồi kể thành một câu chuyện có đầu có đuôi, với nhân vật chính là em Ly và em Chũn. Trung thành với độc giả thiếu nhi, với Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!, Mèo Mốc thú nhận đã “tự đặt mình vào góc nhìn của những đứa trẻ để tìm ra những tình huống thú vị, sau đó lại đặt mình vào góc nhìn của người lớn và tìm cách giải thích những thắc mắc đó sao cho thật hợp lý mà vẫn làm hài lòng trí tưởng tượng của trẻ con”.

Không chỉ tái hiện lại câu chuyện ngày Tết thông qua góc nhìn của những đứa trẻ và những đứa trẻ vẫn đang lớn tiếp, Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! còn là một cuốn sổ tay vô cùng sinh động và thú vị về phong tục ăn Tết của người Việt. Cuối mỗi chương truyện, tác giả đều dành 2-3 trang để Cùng Ly & Chũn tìm hiểu phong tục ăn Tết Việt. Ở phần nội dung này, Mèo Mốc giới thiệu sơ lược với bạn đọc về những phong tục cổ truyền của người Việt như tục cúng ông Công ông Táo, tục tảo mộ, tục hóa vàng, lý giải nguồn gốc cây nêu ngày Tết, hay tục xông đất, lì xì, khai bút...

Nếu những mẩu truyện tranh 4 khung (dường như đã trở thành đặc điểm nhận dạng của Mèo Mốc) kể với người đọc câu chuyện vui nhộn, hài hước mà vẫn có những chi tiết lắng sâu cảm xúc xoay quanh kỳ Tết, thì phần nội dung tìm hiểu văn hóa lại là những “quãng nghỉ” trên chặng đường “Tết là nhất” này. Và chính “quãng nghỉ” ấy đã đưa Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! bước qua ranh giới của loại sách giải trí đơn thuần để đến trở thành cuốn truyện tranh văn hóa đặc sắc giới thiệu về phong tục Việt.

Chú thích ảnh
Tác giả Mèo Mốc ký tặng sách

3. Xét ở khía cạnh kể chuyện, điểm đặc biệt nhất trong tập truyện mới này của Mèo Mốc chính là việc tác giả kể song song câu chuyện ở 2 thế giới: Cõi âm và cõi dương, để rồi vào những ngày Tết, những người “sống” ở 2 cõi ấy có cơ hội được về lại, quây quần bên gia đình lớn của mình.

Câu chuyện của Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! bắt đầu khi ông bà Thường chuẩn bị “về quê ăn Tết”, chỉ khác thường ở chỗ: Ông bà đi từ cõi âm lên cõi dương! Từ đây, Mèo Mốc khai thác được vô vàn câu chuyện thú vị khi để cho thế hệ trước được theo dõi thế hệ sau, rồi những câu chuyện dở khóc dở cười cũng cứ thế phát sinh: Các cháu ngủ quên khiến nồi bánh chưng từ thời ông Thường cháy khét lẹt, làm cho ông cụ đang bay bay mà cũng phải giận tối mặt tối mũi; hay như việc đến các cụ ở cõi âm cũng “mất ăn mất ngủ” vì tiếng karaoke inh ỏi suốt ngày đêm...

Cũng từ đây, từng góc nhìn khác nhau của các thế hệ cũng dần hé lộ. Hóa ra, Tết không chỉ là dịp để các thành viên trong gia đình gặp gỡ nhau, mà còn là dịp để người lớn có cơ hội trò chuyện với trẻ nhỏ, cũng là dịp để người đã khuất về chung vui năm mới với người đang sống theo quan niệm cổ truyền của Việt Nam. Đọc truyện của Mèo Mốc, ta sẽ thấy tiếng cười bật ra sau những cuộc đối thoại giữa bố mẹ và con cái, giữa bà con làng xóm với nhau, và giữa cả chính những anh chị em họ hàng nữa. Tiếng cười ấy đến từ những khác biệt “muôn thuở” giữa thế hệ cũ và thế hệ tương lai và luôn luôn là tiếng cười xuề xòa, bao dung. Có lẽ, sau tất cả những cuộc chạy đua kéo dài suốt 365 ngày đã qua, Tết nên là kỳ nghỉ của những tiếng cười như thế.

4. Tác giả Mèo Mốc chia sẻ: “Với tôi, Tết là dịp đặc biệt để nghỉ ngơi, cùng gia đình quây quần ôn lại chuyện cũ trước khi sang năm mới. Những ngày Tết, thời gian như trôi chậm hơn, cuộc sống có vẻ bớt vội vã, xô bồ hơn. Bản thân tôi cũng có thời gian để suy nghĩ nhiều về năm cũ, gạt bớt những muộn phiền và hy vọng về một năm mới với nhiều niềm vui hơn”.

Tóm lại, Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết! của Mèo Mốc là một tác phẩm xứng đáng được đón đọc và công nhận. Dù Mèo Mốc thú nhận, anh chủ ý hướng tới các độc giả thiếu nhi khi sáng tác, nhưng trên thực tế, tập truyện có thể phù hợp với mọi lứa tuổi. Bằng việc kể song song câu chuyện xoay quanh kỳ nghỉ Tết từ góc nhìn của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, tập truyện đã mở ra cơ hội để các thế hệ bao dung và thấu hiểu nhau hơn.

Trong năm nay, anh cũng hứa hẹn sẽ có thêm tác phẩm mới đến tay bạn đọc. Để kết lại bài viết, xin mượn lời thoại của chính nhân vật trong Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!: “Giờ mới là khởi đầu của một câu chuyện mới này!”.

Và chúng ta - những người đọc thừa niềm tin với tương lai truyện tranh Việt Nam - có quyền kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo của tác giả trẻ này.

Trường Khanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm