Nên phục dựng áo dài nam truyền thống làm 'Quốc phục'

09/03/2020 19:13 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Để Dự án phục dựng trang phục áo dài nam truyền thống có sức lan tỏa trong cộng đồng, trước tiên mỗi người dân Việt Nam phải tự ý thức về trách nhiệm và sự khao khát muốn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 6): Mặc áo dài nam lên chùa

Đi tìm 'Quốc phục nam' truyền thống (kỳ 6): Mặc áo dài nam lên chùa

Ngày 9/9 Âm lịch năm Kỷ Hợi (2019), lần đầu tiên được một chị đạo hữu (người cùng tu theo đạo Bụt), mẹ của cô dâu mời tham dự nghi lễ hằng thuận (đám cưới) tại một thiền viện ở Hà Nội, tôi hoan hỉ nhận lời. Theo truyền thống của người Việt, người được mời bao giờ cũng phải lựa chọn cho mình bộ trang phục thật đẹp và trang trọng để đến dự đám cưới.

Nếu để ý quan sát, ta sẽ thấy: Bộ áo dài nam mà các diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam hiện đang mặc trên sân khấu, ngoài việc bị cách tân một cách thái quá, có nhiều nét giống với áo dài nam của Ấn Độ, Trung Quốc.

Đây là sự giao thoa và tiếp biến văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa, chẳng có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, người mặc trang phục phải hiểu được bộ đồ mình đang vận trên người có nguồn gốc từ đâu, và mặc ở không gian diễn xướng nào cho phù hợp.

Chú thích ảnh
Trang phục áo dài của vua Khải Định và Đông Cung thái tử. Ảnh: Tư liệu

Thử so sánh với áo dài nam Trung Quốc, Ấn Độ

Nếu như quan sát bộ áo dài truyền thống (Achkan) của Ấn Độ, chúng ta dễ nhận thấy mấy điểm khác biệt: Cổ cắt lượn hình chữ V, chắp nối vai với hai thân trước sau, trong khi áo dài nam của Việt Nam chúng ta là áo ngũ thân (năm vạt). Đường xẻ tà, thực ra là đường xẻ dọc bên sườn thấp, chỉ từ cạp quần trở xuống, trong khi đó, đường tà (xiên) của áo dài ngũ thân Việt Nam dài hơn nhiều, từ lườn trở xuống. Khi may, chiều dài thân áo dài xấp xỉ tới đầu gối nhưng khi mặc không có áo lót trắng như ở Việt Nam, quần bó chít mắt cá chân, bằng một tấm vải dài tới vài mét. Khi mặc áo Achkan họ không đội khăn vấn (quấn, đóng), không cầu kỳ trong cách mặc. Màu sắc khá sặc sỡ, đa dạng.

Còn về áo Xường (sườn) Xám (Trường Sam, Qiqao - Kì bào) của Trung Quốc, trang Wikipedia, cung cấp các thông tin sau đây về lịch sử của nó: “dân tộc Mãn được gọi là "người Kì", trang phục của họ là kì trang hay xường xám dành cho cả nam và nữ...Từ những năm đầu thế kỷ XX, do sự kết hợp giữa chiếc áo triều Mãn với chiếc áo trẻ sơ sinh Tây Phương nên mới có kiểu áo: mặt phải may sát chỉ, cổ dựng, túi tròn, hai bên vạt áo xẻ, dùng khổ đơn, ôm sát thân, tay áo có thể liền hoặc rời thân”...

Nếu như chiều dài của tà áo ngũ thân nam cổ đứng của Việt Nam được thiết kế quá đầu gối chừng 5 - 7cm thì áo Xường Xám của Trung Quốc được may đến mắt cá chân. Áo dài của ta khi mặc có áo lót trắng, của Trung Quốc không có như vậy. Áo người Việt có khuy bằng xương (đồng, bạc, vàng…) trong khi đó khuy của Trung Quốc bện vải.

Chú thích ảnh
Bộ trang phục Achkan (hay còn có tên là sherwani) truyền thống của Ấn Độ

Sự trỗi dậy của trang phục áo dài nam

Trong những chuyến điền dã cùng với nhóm Đình làng Việt (ĐLV), tôi nhiều lần gặp gỡ và trao đổi với anh Nguyễn Đức Bình (trưởng nhóm), anh Đỗ Minh Tám, nghệ nhân may áo dài làng Trạch Xá, xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Tưởng), người duy nhất ở làng La Kê, Hà Đông, Hà Nội còn giữ lại được nghề dệt the, sa, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách, tiến sĩ Trần Đoàn Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử Hoàng Quốc Hải… Cùng với việc nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa và số phận của chiếc áo dài nam đang bị mờ nhạt trong tâm trí người dân Việt và có nguy cơ bị biến mất, tôi bắt đầu để tâm tìm hiểu thêm trong sách vở, đến thăm các viện bảo tàng mĩ thuật, kiến trúc đình làng, truy cập các phương tiện truyền thông, thậm chí dành nhiều giờ xem thể loại phim cổ trang.

Kế thừa và phát huy những nét tinh hoa cổ truyền, nhóm Đình Làng Việt đã và đang vận động anh em hội viên chủ động may và giúp nhau hoàn thiện mẫu áo dài nam ngũ thân, có sự tham vấn các nhà chuyên môn, vừa đẹp về mẫu mã đa dạng, vừa lôi cuốn được nhiều anh chị em cùng tham gia.

Được biết, trong suốt hơn 3 năm, sau khi hình thành nên nhóm Đình Làng Việt nhóm đã vận động anh chị em tham gia nhiều hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh trang phục áo dài: Từ việc tham gia diễu hành cùng với các làng nghề truyền thống quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp tháng 4 năm 2018, tham gia dâng hương tại nhiều đình, miếu, ở làng quê từ Bắc Bộ đến cố đô Huế, thăm lăng Tự Đức, các chuyến đi điền dã, tham gia các canh hát ca trù, xẩm, tham gia trình diễn áo dài tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội: 50 phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào dịp tháng 11/2017. Tháng 5/2019, nhóm cũng có chuyến điền dã về với đình Quan Lạn, huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh để tôn vinh bộ “Quốc phục”, giới thiệu với các du khách tham quan du lịch quốc tế. Cuối tháng 8/2019, nhóm tổ chức chuyến điền dã số 37, nhân kỉ niệm nhóm Đình Làng Việt tròn 5 tuổi tại đình, chùa Cương Xá, xã Tân Hưng, TP Hải Dương.

Chú thích ảnh
Áo dài ngũ thân do nghệ nhân may Đỗ Minh Tám (làng Trạch Xá, Ứng Hòa, HN) thực hiện. Ảnh: NSNA Phan Huy

Điểm đáng mừng là, ngày 3/5/2018, trong dịp trình Quốc thư, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland Trần Ngọc An đã hãnh diện vận lên mình bộ “Quốc phục”, được Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Hoàng gia đón tiếp rất trọng thị. Tiếp nữa, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tiên phong trong việc đề nghị toàn bộ các cán bộ Đại sứ quán mặc y phục áo dài truyền thống vào những dịp quốc khánh, tết cổ truyền và nghi lễ ngoại giao. Đại sứ Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam cũng mặc áo dài ngũ thân trong dịp chúc tết các cán bộ trong Đại sứ quán.

Nhân nhắc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, tôi phải nhắc đến ông Phạm Sanh Châu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Bhutan, Nepal. Vào dịp cuối năm 2017, đầu 2018, trong lúc chờ nhận nhiệm vụ mới, chúng tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc, trao đổi về chủ đề phục dựng lại trang phục áo dài nam truyền thống, ông đã hưởng ứng nhiệt tình vì vốn là một người yêu văn hóa và lại làm về văn hóa

Được biết, trong quá trình công tác, ông thường xuyên mặc áo dài nam với tâm niệm: “Tôi muốn nói cho mọi người biết tôi là người Việt Nam và ở đây, hôm nay, đang có đại diện của một quốc gia mang tên Việt Nam. Khi tôi mặc áo dài tôi thấy mình nghiêm túc hơn và trang trọng hơn. Khi tôi mặc áo dài nhiều người muốn đến nói chuyện với tôi hơn, cơ hội tiếp xúc, kết nối tăng lên. Khi tôi mặc áo dài, nhiều người đến xin chụp ảnh tôi và như vậy cơ hội quảng bá cho Việt Nam sẽ nhiều hơn. Tôi thấy mặc áo dài vừa đẹp vừa giữ bản sắc dân tộc lại vừa được lợi trăm bề”!

Chia sẻ với báo TT&VH, ông cũng bày tỏ: “Tôi tin và hy vọng sớm có một ngày các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ trình UNESCO để vinh danh Tết cũng như Áo dài Việt Nam là Di sản vật thể Đại diện của Nhân loại”.

***

Để dự án phục dựng lại trang phục áo dài nam truyền có sức lan tỏa trong cộng đồng, trước tiên, mỗi người dân Việt Nam phải tự ý thức về trách nhiệm, lương tâm, sự khao khát muốn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc làm động lực. Trong phạm vi nhóm Đình Làng Việt, các thành viên đang nỗ lực làm truyền thông để gây dựng hình ảnh vào tạo ấn tượng mạnh mẽ đến công chúng.

Tuy nhiên,dự án này cần được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài. Nếu tất cả những người làm công tác ngoại giao cùng hưởng ứng may và diện trang phục vào các dịp đại lễ, nghi thức đón tiếp ngoại giao, tết cổ truyền, sức lan tỏa của nó sẽ rất lớn. Những dịp tiếp xúc với bà con kiều bào tại nước sở tại, đội ngũ cán bộ mặc chỉnh tề nữa thì chắc chắn bà con ta sẽ làm theo, hưởng ứng nhiệt tình.

Ngoài ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần đồng tâm hiệp lực, tổ chức các buổi hội thảo cấp quốc gia và quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của các chuyên gia may mặc trong nước và thế giới, các nhà làm chuyên môn, các nhà làm văn hóa, lịch sử để xem xét việc công nhậnáo dài ngũ thân nam là bộ áo dài Quốc phục truyền thống của Việt Nam.

Đinh Hồng Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm