'Ngày Quốc hội' - ca khúc cách mạng đầu tiên viết về ngày bầu cử

18/05/2016 12:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Những ngày này, chính quyền các cấp và nhân dân cả nước đang gấp rút thực hiện những công đoạn cuối cùng, náo nức hướng tới "ngày hội lớn" của dân tộc - bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Ít ai biết rằng, cách đây 70 năm, cũng là ngày hội lớn của dân tộc - Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (ngày 6-1-1946), nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác bài hát có tính thời sự Ngày Quốc hội.

Trong tác phẩm Âm thanh cuộc đời do Nhà xuất bản Âm nhạc ấn hành năm 2003, có đoạn hồi ký của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận: "Trước ngày 6-1-1946, tôi đã sáng tác bài hát có tính thời sự Ngày Quốc hội xuất bản và đưa Đoàn Quân nhạc phổ biến với lời mở đầu: "Đâu quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau". Sau đó bản nhạc đã bị thất lạc. Qua nhiều năm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tìm kiếm nhạc phẩm ý nghĩa này mà không thấy.


 Nhạc và lời ca khúc “Ngày Quốc hội”. Ảnh: TL

Câu chuyện về ca khúc Ngày Quốc hội được công bố, làm nức lòng bao thế hệ người yêu nhạc. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những giai điệu đẹp của ca khúc vẫn được ông Phạm Văn Nùng, sinh năm 1935, ở Hà Nội, thuộc nằm lòng.

Mỗi dịp cả nước tiến hành bầu cử, lòng ông Nùng lại xốn xang bởi một ca khúc hay như thế sao không được hát và cũng không có trong quyển sách nào. Theo ông Nùng, đó là ca khúc được ông cùng đội thiếu nhi Tô Hiệu (Hà Nội) hát vang chào mừng Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6-1-1946).

Năm 2010, ông Nùng đã viết thư gửi Hội Nhạc sĩ Việt Nam với mong muốn tìm lại nguồn gốc bài hát mà ông thuộc lời cả bài nhưng không nhớ tên và tác giả. Lá thư đến tay Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng thấy hai câu đầu: "Đây quốc dân Việt Nam mau. Cùng nhau cầm lá phiếu mau" nghe "quen quen".

Ông gọi điện nhờ cụ Nùng hát để ghi lại lời cả bài hát. Bất ngờ thay, sau quá trình truy tìm, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát hiện đó là ca khúc Ngày Quốc hội và tác giả không ai khác chính là… cha của ông- cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Như vậy, 65 năm sau khi ra đời và thất lạc, Ngày Quốc hội lại được hát vang nhờ trí nhớ của cụ ông tuổi "xưa nay hiếm".

Nguồn gốc ca khúc này càng được chứng thực khi Đài Truyền hình Việt Nam tìm được trong kho lưu trữ của Thư viện Quốc gia Việt Nam tờ báo Quốc hội, số ra ngày 2-1-1946, có đăng trang trọng ca khúc Ngày Quốc hội, có lời ca và giai điệu trùng khớp hoàn toàn với trí nhớ của cụ Nùng.

Ca khúc gồm 2 đoạn, có nhịp 2/4 dùng cho hành khúc, với những phách nhanh, mạnh, thể hiện sự phấn phởi, vui mừng của người dân Việt Nam khi lần đầu tiên được tự tay bầu chọn đại biểu Quốc hội. Giai điệu Ngày Quốc hội như hiệu triệu: "Đâu Quốc dân Việt Nam mau. Bầu người ra chiến đấu. Ai vì dân, nước quên mình. Toàn dân chúng ta bầu", như thiết tha, như giục giã mỗi người dân không chỉ tự hào thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, mà còn phải bảo vệ đến cùng quyền thiêng liêng được cầm lá phiếu trong một đất nước độc lập, tự do. Những từ cổ trong ca khúc như "quốc dân", "hoàn cầu"… cũng mang lại không khí của một thời lịch sử, không khí của Tuyên ngôn độc lập!

Rõ ràng, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết Ngày Quốc hội mang tính thời sự, "đặt hàng" của thời cuộc nhưng tài hoa của ông thể hiện ở chỗ giai điệu và lời ca tình cảm, không gượng ép. Lịch sử âm nhạc Việt Nam ghi nhận "Ngày Quốc hội" là ca khúc cách mạng đầu tiên viết về bầu cử.

Có thể nói, cuộc điện thoại giữa hai thế hệ từ một lá thư đầy trách nhiệm ấy đã trả lại cho âm nhạc Việt Nam một tác phẩm về bầu cử hiếm hoi, ý nghĩa, bổ sung vào di sản âm nhạc của một nhạc sĩ lớn là Đỗ Nhuận.

Trong lễ kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam (6-1-2016), ca khúc Ngày Quốc hội được hát vang trong sự bồi hồi, xúc động của nhiều người. Ca khúc thất lạc của cố nhạc sĩ tài hoa Đỗ Nhuận được "hồi sinh" là một câu chuyện khá ly kỳ.

* Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10-2-1922 tại thôn Vạc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, trên vùng đất của chèo cổ và lớn lên bằng những đêm chiếu chèo rộn rã. Ngay từ năm 14 tuổi, ông đã học âm nhạc dân tộc và biết chơi sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, đàn tứ, đàn bầu. Khi không khí âm nhạc cải cách tràn đến, ông học đàn guitar, bănggiô, violin và ký âm Pháp.

Đỗ Nhuận đã viết nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, thúc giục cả dân tộc vững bước trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Bên cạnh Áo mùa đông đằm thắm trữ tình là Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1951) trang trọng, bên cạnh Sóng cả không ngã tay chèo chân chất mộc mạc là Du kích sông Thao (1949) cuồn cuộn hoành tráng. Đặc biệt là bộ sử thi âm thanh về trận Điện Biên Phủ lịch sử: Hành quân xa (1953), Trên đồi Him Lam (1954), Chiến thắng Điện Biên (1954) được coi là hiện tượng độc nhất vô nhị trong làng nhạc Việt Nam, khi là ca khúc vừa có sức trường tồn, vừa được phổ rộng.

Ngoài ra, Đỗ Nhuận là nhạc sĩ duy nhất trong thế hệ đầu của tân nhạc được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Tchaikovsky. Và ông cũng chính một trong những người đặt nền móng cho thể loại nhạc kịch theo truyền thống của opera phương Tây. Âm nhạc của Đỗ Nhuận giàu bản sắc dân tộc, phong phú về chất liệu, ngôn ngữ biểu hiện giản dị, mộc mạc trữ tình, đằm thắm, hóm hỉnh.

Ông được bầu là Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1957 đến 1983 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 - 5 năm sau khi qua đời ngày 18-5-1991, tại Hà Nội.

TTXVN/Hoài Nam (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm