Nghệ sĩ Đào Anh Khánh: Từ 'Trần' đến 'Thung lũng… nghệ thuật'

05/12/2014 07:45 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 5/12, lúc 17h tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, triển lãm Trần gồm hơn 500 bức tranh của nghệ sĩ Đào Anh Khánh sẽ khai mạc cùng với sự góp mặt của các nhạc sĩ đến từ Mỹ và Việt Nam.

Đào Anh Khánh cho biết, triển lãm không chỉ là cuộc tôn vinh phụ nữ và tình yêu bằng nét cọ của anh mà còn là trang đầu của dự án nghệ thuật lớn nhất của anh mang tên Thung lũng Gầm trời sẽ mở cửa vào tháng 3/2019.

Nồng độ + nhịp độ yêu và vẽ = “Trần”

* Đây là lần đầu tiên Đào Anh Khánh rời xa “thánh địa nghệ thuật” của mình ở Ngọc Thụy, Long Biên để mang tác phẩm vào bảo tàng? Đó là cách anh thể hiện sự trân trọng với phụ nữ và tình yêu?

- Trần là cuộc triển lãm tranh cá nhân đầu tiên ở Việt Nam của tôi sau 50 năm yêu vẽ và vẽ... Cho dù “thánh địa nghệ thuật” của tôi ở Ngọc Thụy, Long Biên cũng không thể thay thế cho một nơi mà có lẽ bất cứ một họa sĩ Việt Nam nào đã đi một chặng đường dài đều muốn trở về, nơi được coi là phù hợp nhất cho việc trình làng những tác phẩm hội họa của mình trên mảnh đất Hà Nội này - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Còn tất nhiên với tôi, người phụ nữ tôi trân trọng thì ở bất cứ đâu, bảo tàng không phải là nơi tôn vinh hay làm mất đi vẻ đẹp của họ mà đơn thuần chỉ để người xem tập trung chú ý đến tác phẩm hội họa mà thôi.


Chân dung tự họa của nghệ sĩ Đào Anh Khánh

* Phụ nữ, tình yêu hay tố chất của một “nghệ sĩ lớn” đã giúp anh sung sức để sáng tác hơn 500 bức tranh trong năm 2014?

- Đó là kết quả của những năm tháng đằng đẵng yêu và vẽ… vẽ và yêu của tôi với nồng độ và nhịp độ ngày một tăng. Còn tố chất “nghệ sĩ lớn” thì tôi cho rằng ai yêu mãnh liệt đam mê và khát khao bộc lộ đều sẽ có tố chất ấy, điều đó không chỉ riêng tôi.

* Những người phụ nữ trong triển lãm Trần, ai cũng… trần (nude), nhiều nhất là phần ngực… Anh có thể cho biết lý do?

- Chữ “Trần”  là tựa đề cuộc triển lãm, nó truyền tải đa nghĩa cuộc sống của tôi. Nó có nghĩa “nude” với vẻ đẹp đa hướng, đa sắc thái được toát ra từ cơ thể cũng như sự giao hòa của “người đàn bà” trong thế giới yêu đương.

Nhích dần đến “Thung lũng” nghệ thuật

* Triển lãm Trần chỉ như một trang mở đầu cho dự án nghệ thuật Thung lũng Gầm trời ở Hòa Bình vào năm 2019. Vậy dự án nghệ thuật ấy quy mô như thế nào?

- Thung lũng Gầm trời với ý nghĩa như là một nguồn năng lượng để tôi có thể thực hiện dự án Nghệ thuật đương đại và thiên nhiên có quy mô lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình mà tôi tự cho là có chút hoang tưởng.


Tác phẩm trong triển lãm “Trần” của Đào Anh Khánh

Quy mô dự án là rất lớn, tôi dùng cả cuộc đời còn lại của mình chưa chắc đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm điêu khắc và sắp đặt đồ sộ. Nhưng dù sao đến nay nó vẫn đang nhích dần, ngày 23/3/2019 Thung lũng Gầm Trời sẽ mở ra… Tài năng của các bạn bè nghệ sĩ từ Việt Nam và khắp các nơi trên thế giới cộng với vẻ đẹp tráng lệ của thiên nhiên núi rừng ban tặng… tất cả những điều ấy, tôi chỉ mong thấy một hình ảnh: từ người nghệ sĩ đến công chúng thưởng lãm đều được tận hưởng niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời là được yêu và hơn thế nữa được cùng nhau bộc lộ. Ở đó sẽ có hàng chục nghìn người đồng loạt cùng sống trong những cái “ôm” ghì chặt của tình yêu…

* Để thực hiện dự án đó, anh huy động kinh phí từ đâu? Và cụ thể, anh đã đầu tư cho “thiên đường nghệ thuật” ấy bao nhiêu rồi?

- Kinh phí cho dự án Thung lũng Gầm trời - câu này vang lên trong đầu tôi hàng ngày, hàng giờ... Tôi đang cố gắng vận động và hy vọng ở cả sự chung tay đóng góp của cộng đồng trong và ngoài nước. Nhưng trong lúc này, tôi mới chỉ biết trông vào chính mình.

Đến nay đã là 5 năm tôi thực hiện dự án Thung lũng Gầm trời với 5 tác phẩm điêu khắc có chiều cao từ 25 đến 35 mét với chi phí hàng tỷ đồng - nó mới chỉ là con số khởi động.

Vài năm gần đây, đến hơn 50% thu nhập chính và chi phí cho nghệ thuật của tôi là nhờ vào tiền bán tranh cho chính người Việt. Tôi rất vui vì mình có thể dùng nghệ thuật để nuôi nghệ thuật, nuôi sống mình. Và cảm động vì nghệ thuật của mình đã bén rễ trong lòng công chúng.

Tôi hy vọng, sau triển lãm Trần, các tác phẩm của tôi sẽ tiếp tục “bén rễ” trong lòng công chúng, và từ đó tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho dự án Thung lũng gầm trời.

* Còn Đáo Xuân, năm con Dê này anh có làm không?

- Bạn nhắc đến Đáo Xuân làm tôi áy náy. Tôi biết nhiều người mong đợi nó nhưng vì Thung lũng Gầm trời muốn trở thành hiện thực, tôi phải nhịn làm Đáo Xuân năm con Dê.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm