Nghệ sĩ đoạt 2 giải Grammy tới Việt Nam: 'Nhạc cổ điển không thể chết'

13/03/2018 07:34 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - “Nhạc cổ điển sẽ không thể chết. Nhưng nếu trẻ em không được tiếp xúc với nhạc cổ điển sớm thì đến khi lớn lên, chúng sẽ không thể hiểu và cho rằng nó phức tạp, khó tiếp nhận” – nữ nghệ sĩ Anne Sofie von Otter, người từng đạt hai giải Grammy, chia sẻ khi tới biểu diễn tại Việt Nam.

Hơn một tuần trước, nghệ sĩ Thụy Điển này đã có đêm biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, kèm theo đó là việc tham gia chương trình giảng dạy (master class) cho sinh viên thanh nhạc tại đây. Bà có cuộc trò chuyện với Thể thao và văn hóa (TTXVN)

*Trong đêm diễn vừa qua, nhiều khán giả nhạc nhiên thấy bà mang lên sân khấu không chỉ nhạc cổ điển mà còn cả các ca khúc pop. Tại sao bà lại có ý tưởng này?

- Tôi thích pha trộn chương trình của mình, bởi tôi chuộng nhiều thể loại nhạc khác nhau và tôi nghĩ rằng khán giả cũng thích điều đó. Từ khi còn nhỏ tôi đã thích rất nhiều thể loại, từ rock đến những cổ điển, đương đại, nhạc folk, một chút nhạc jazz, pop,… Tôi chưa bao giờ bó buộc mình chỉ được hát thính phòng cổ điển. Có vẻ như tôi đã xây dựng được thương hiệu của mình là một ca sĩ hát đa thể loại, đa phong cách và đa ngôn ngữ.

Khi hát những bài hát nhạc pop tôi cố gắng mang đến cho nó hơi hướng cổ điển vì dù sao tôi vẫn là một ca sĩ của dòng nhạc cổ điển. Tôi sử dụng kết hợp đàn piano và guitar điện, và thế là chúng ta có một ca khúc kiểu semi classic - pop. Và đặc biệt là tôi không dùng mic khi hát như những ca sĩ nhạc pop khác.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Anne Sofie von Otter trong đêm nhạc tại Việt Nam.

* Không dùng mic, nhưng bà vẫn có thểvduy trì giọng hát của mình trong suốt gần 2 tiếng đồng hồ. Bà có quen với điều này?

- Tôi thường xuyên phải hát liên tục hơn một tiếng đồng hồ. Hát trong một khán phòng hoà nhạc lớn với dàn nhạc đồ sộ đòi hỏi người ca sĩ phải có kĩ thuật cao. Đó là điều bạn được đào tạo nếu muốn trở thành một ca sĩ nhạc cổ điển,phải biết cách phối hợp giữa hơi thở, các cơ trên cơ thể để làm sao giọng hát không cần mic mà vẫn phải nghe hay và có nội lực. Không dễ để làm được điều này, cần dày công luyện tập.

Khán giả quen nghe nhạc pop có thể sẽ khá lạ lẫm khi thấy một ca sĩ hát không dùng mic. Nhưng khán giả của dòng nhạc cổ điển sẽ hiểu chuyện sử dụng mic bị cấm hoàn toàn. Bởi giọng hát cần được nghe một cách tự nhiên nhất, vẫn phải đủ to cho cả một khán phòng.

* Theo bà, những yếu tố nào làm nên thành công của một ca sĩ dòng nhạc cổ điển?

- Có rất nhiều thứ cần có để trở thành ca sĩ giỏi. Đầu tiên, bạn phải hiểu bản nhạc, hiểu dụng ý của nhạc sĩ trong bài hát đó. Tiếp theo, bạn phải biến nó thành của mình, phải lồng ghép được cá tính riêng và truyền tải được nó đến khán giả.

Để làm được điều đó, đòi hỏi người ca sĩ phải có trí tưởng tượng tốt. Và khi đứng trên sân khấu, ca sĩ cần thiết phải xây dựng được mối liên kết với khán giả ngồi dưới thông qua cử chỉ, ánh mắt…

Chú thích ảnh

*Có một thực tế hiện nay là không nhiều giới trẻ quan tâm đến nhạc cổ điển, trong khi đây lại là đối tượng chiếm số đông và mang tính “tương lai”…

- Đây là một vấn đề khá phức tạp. Tôi nghĩ, trước hết người đạo diễn các chương trình nhạc cổ điển cần biết cách phá vỡ giới hạn để mang đến cho khán giả những chất liệu mới mẻ, thú vị. Ví dụ, thay vì dùng đi dùng lại các bản nhạc thuần cổ điển thì có thể làm mới hoặc tìm đến các bản nhạc mới mẻ hơn. Chúng ta cũng cần những nghệ sĩ thấu hiểu người nghe và có khả năng giao tiếp được với khán giả.

Có nhiều nhà hát hiện nay đã làm được điều này. Ví dụ Nhà hát opera Paris đã thành công khi thu hút được đối tượng khán giả dưới 30 tuổi.Việc lôi kéo khán giả trẻ đến với nhạc cổ điển thật sự cần thiết. Vì đây là thế hệ tương lai, chiếm số lượng lớn và không vướng bận quá nhiều.

Nhạc cổ điển sẽ không thể chết. Nhưng nếu trẻ em không được tiếp xúc với nhạc cổ điển từ sớm thì đến khi lớn lên, chúng sẽ không thể hiểu và cho rằng nó phức tạp.

*Xin cảm ơn bà!

Nữ nghệ sĩ Anne Sofie von Otter

Anne Sofie von Otter là giọng ca mezzo-soprano hàng đầu đến từ Thuỵ Điển.Nữ nghệ sĩ sinh năm 1955 nổi tiếng ở quê nhà với thể loại opera serie của thế kỷ 18. Bà từng biểu diễn ở các nhà hát hàng đầu thế giới và được tờ Opera Now nhận định là “sở hữu một trong những giọng ca linh hoạt và tự nhiên nhất so với bất cứ nghệ sĩ đương đại nào khác”.

Anne Sofie von Otter nhận giải Grammy năm 2004 ở hạng mục “Phần trình diễn nhạc cổ điển xuất sắc nhất” cùng với Thomas Quasthoff. Đến năm 2015, bà tiếp tục được trao giải “Album Ca khúc Solo Cổ điển xuất sắc nhất” với album Douce France gồm những ca khúc nhạc Pháp.

Nhạc cổ điển - ‘món ăn’ mới của truyền hình thực tế

Nhạc cổ điển - ‘món ăn’ mới của truyền hình thực tế

Chiều 24/7, chương trình Thần đồng Âm nhạc - Wonderkids đã có buổi ra mắt báo giới, đây được xem là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc cổ điển duy nhất hiện nay…

Hà My (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm