03/10/2019 21:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Việc nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) được các nhà khoa học cho rằng đã quá muộn khi hơn 10 thế kỷ qua, trên đất Cổ Loa không có một đền thờ, một lễ hội nào tri ân, tưởng nhớ công lao của ông. Thời điểm này không thể chậm trễ hơn nhưng việc xây dựng lễ hội như nào để xứng đáng với tầm vóc, công lao của ông, nhất là khi tại di tích Cổ Loa đã có lễ hội Cổ Loa rất nổi tiếng, đang là vấn đề đặt ra tại tọa đàm khoa học “Nghiên cứu tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa” do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 3/10.
Xứng đáng tổ chức một lễ hội lớn
Ngô Quyền chính là vị Tổ trung hưng đầu tiên của nước ta, có công chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc và khẳng định sự tự chủ, độc lập của nước Việt. Với công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, Ngô Quyền xứng đáng được vinh danh và việc tổ chức lễ hội quy mô lớn tri ân công lao của ông là hoàn toàn có ý nghĩa. Các nhà khoa học đều cho rằng, việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa cần thiết ở tầm quốc gia, để nâng cao nhận thức của người dân đối với nhân vật lịch sử như Ngô Quyền. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đề xuất, lễ hội cần tổ chức thường niên, với các năm thường giao cho huyện Đông Anh tổ chức, cứ 5 năm một lần thì thành phố Hà Nội tổ chức.
Tuy nhiên, điều khó hiện nay là tại khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh) chưa xây dựng được đền thờ Ngô Quyền, dù việc này đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương xây dựng. Như vậy, việc tổ chức lễ hội thời điểm này chưa thể thực hiện ngay, mà điều cần thiết hiện nay Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần khẩn trương đề nghị thành phố Hà Nội cho triển khai sớm. Trong quá trình chờ xây dựng, địa phương cần tổ chức lễ kỷ niệm và sẽ nâng lên thành lễ hội khi hoàn thiện xong đền thờ Ngô Quyền.
Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc tổ chức lễ kỷ niệm khi chờ xây dựng xong đền thờ sẽ tạo tập quán đi vào lòng dân và chuẩn bị các điều kiện để có lễ hội quan trọng, có sự tiếp nhận của cộng đồng.
Một vấn đề khác được các nhà khoa học đặt ra, việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa cần quan tâm đến khai thác sức mạnh cộng đồng trong thực hành các nghi lễ, tránh tình trạng tổ chức theo hình thức sân khấu hóa như một lễ mít tinh. Sự tham gia của cộng đồng dân cư sẽ góp phần làm cho lễ hội sống bền vững, được trao truyền theo thời gian. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề xuất cần có sự kết nối với cộng đồng các nơi thờ tự Ngô Quyền ở địa phương khác, thực hiện nghi lễ dâng hương trong lễ hội.
Cần hài hòa với lễ hội Cổ Loa
Nhiều nhà quản lý, nhà lịch sử, nhà văn hóa tỏ ra băn khoăn khi hiện nay lễ hội Cổ Loa được khai hội từ ngày mùng 6 kéo dài đến 18 tháng Giêng, thu hút đông đảo du khách thập phương thì việc tổ chức lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa thế nào cho phù hợp và mang bản sắc riêng.
Tại dự thảo đề cương lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa, lễ hội này được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng, có nghĩa chỉ sau một ngày khai hội Cổ Loa. Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhân, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Loa cho rằng, tổ chức vào thời gian này không hợp lý bởi việc tổ chức lễ hội sát nhau sẽ khiến cán bộ, nhân dân không đảm bảo sức khỏe để phục vụ lễ hội. Ông Nhân đề xuất, Ngô Quyền xưng Vương vào mùa xuân thì khi tổ chức lễ hội cần giãn thời gian nhưng vẫn đảm bảo vào mùa xuân. Khi đó, lễ hội sẽ thu hút được nhiều khách thập phương về dự hội.
Trong thời gian chờ xây dựng đền thờ Ngô Quyền, lễ kỷ niệm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa được đề xuất tổ chức tại đình Ngự Triều Di Quy. Có nhà khoa học còn đề xuất kết hợp tổ chức đình Ngự Triều Di Quy và gò Mả Tre tạo không gian lễ hội cho lễ kỷ niệm.
Làm thế nào để tạo sự đặc sắc cho lễ hội và xứng đáng với công lao của Ngô Quyền cũng làm nhiều nhà khoa học trăn trở. Bởi thực tế, thời điểm tháng Giêng rất nhiều lễ hội lớn diễn ra và ngay tại di tích Cổ Loa đã có lễ hội Cổ Loa. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, rất cần thiết tìm ra nét đặc sắc cho lễ hội Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa, tránh sự nhạt nhòa khi tổ chức, nhất là khi tổ chức sau lễ hội Cổ Loa. Ông cũng đề xuất cần tham khảo lễ hội các nơi khác để xây dựng nét riêng cho lễ hội này.
Vấn đề này, giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đề xuất, cần khảo sát, nghiên cứu để tiếp thu mang tính kế thừa từ các địa phương thực hành tín ngưỡng, sinh hoạt nghi lễ và lễ hội gắn với việc thờ phụng các đời vua ở một số tỉnh, thành khác như: Lễ hội tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (huyện Hoa Lư, Ninh Bình), lễ hội tại đền thờ Vua Lê Lợi tại không gian văn hóa Lam Kinh (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa)…
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, về thời gian tổ chức lễ hội chưa có sự thống nhất nên Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần phối hợp với Hội đồng tư vấn khoa học nghiên cứu, bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội để chọn ngày tổ chức phù hợp và ý nghĩa. Lễ hội cần có phần lễ và phần hội gắn với sự kiện quan trọng là Ngô Quyền lên ngôi và định đô tại Cổ Loa, đồng thời cần gắn với cộng đồng dân cư. Trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng đề cương lễ hội, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đức Cường đề xuất Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có văn bản xin phép các cơ quan chức năng triển khai hoạt động này, đồng thời đề xuất thành phố Hà Nội để sớm xúc tiến xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại Cổ Loa.
Đinh Thuận - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất