Nguyễn Phong Việt hạnh phúc khi 'Đi qua thương nhớ' được phổ nhạc

21/02/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Thêm một ca khúc "Đi qua thương nhớ" đồng thời là tên bài thơ được sáng tác bởi nhà thơ Nguyễn Phong Việt vừa được ra mắt đang khiến không chỉ khán giả, độc giả phấn khích mà "chính chủ" cũng tỏ ra vô cùng hạnh phúc.

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: ‘Về nhà đi/ Ở nơi đó có những người sinh ra chúng ta đang mỉm cười’

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt: ‘Về nhà đi/ Ở nơi đó có những người sinh ra chúng ta đang mỉm cười’

 “Về nhà đi/ Ở nơi đó có những người sinh ra chúng ta đang mỉm cười” – đó là điều mà nhà thơ Nguyễn Phong Việt muốn chia sẻ với chúng ta thay cho lời chúc năm mới.

Trao đổi với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN)nhà thơ Nguyễn Phong Việt cho biết, ca khúc Đi qua thương nhớ được phổ nhạc bởi nhạc sĩ Phan Thanh Long và ca sĩ Duy Khiêm thể hiện là một phiên bản khác của bài thơ khi được chuyển thể sang âm nhạc. Trước đây, Đi qua thương nhớ cũng đã được nhạc sĩ Võ Hoài Phúc làm thành một ca khúc mà ca sĩ Quốc Thiên trình bày.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt

Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu thơ của Nguyễn Phong Việt đi vào trái tim khán giả bằng "diện mạo" khác mà hai bài thơ SợCho một lần được vui cũng đã được nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh phổ nhạc (do ca sĩ Đức Tuấn thể hiện). 

Nói về cảm xúc của mình khi các bài thơ do anh chắp bút được một số nhạc sĩ, ca sĩ sử dụng để làm nên các tác phẩm âm nhạc, Nguyễn Phong Việt cho biết: "Ngoài niềm vui thì tôi thực sự thấy hạnh phúc khi bào thơ được lan tỏa, thấy được một đời sống khác của bài thơ khi giai điệu được chắp cánh vào. Thêm nữa, tôi cảm nhận được sự đồng hành về cảm xúc của những người sáng tạo với nhau. Ở một khía cạnh khác, tôi thấy hình như lâu rồi các nhạc sĩ mới chọn phổ thơ mà phần lớn là tự viết ca từ. Việc phổ nhạc cho thơ như là một xu hướng trở lại so với các thế hệ nhạc sĩ trước đó."

Chú thích ảnh

Dù rằng việc phổ nhạc cho các bài thơ không mới nhưng các thế hệ khác nhau hẳn nhiên sẽ có tư duy sáng tạo riêng biệt. Việc "biến" thơ thành nhạc cũng vì thế cần phù hợp với đời sống nghệ thuật cũng như nhu cầu thưởng thức của khán giả hiện tại. Trước câu hỏi có chia sẻ gì về sự khác biệt hay đặc biệt giữa "khoảng cách thế hệ" như vậy, "cha đẻ" của Về đâu những viết thương bày tỏ: "Tôi nghĩ nó thuộc về tư duy của người sáng tác. Tôi chưa bao giờ can thiệp vào việc phổ thơ của ai vì theo tôi, mỗi người sáng tạo đều có lựa chọn riêng, miễn tạo ra sản phẩm có giá trị tốt nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc phổ nhạc cho thơ cũng không nên bê nguyên xi vào mà nên có sự thay đổi phù hợp".

Hỏi Nguyễn Phong Việt có ý định hợp tác với các nhạc sĩ để làm lan tỏa hơn nữa thơ của mình như các tác phẩm đã được chuyển thể thành nhạc không, anh cười và nói: "Trước giờ các bài thơ của tôi mà được nhạc sĩ phổ nhạc đều là vì mọi người đọc thấy hay nên dựa vào cảm xúc trong đó để làm chứ tôi chưa khi nào có ý định... nhờ vả. Tuy nhiên, tôi có được biết thời gian tới đây, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận đang có dự án làm một mini album sử dụng một số bài thơ của tôi".

Chú thích ảnh

Nói về phổ thơ cũng như vấn đề bản quyền khi sử dụng thơ vào nhạc có thể thấy cụ thể hơn ở lùm xùm sự việc được cho là "ăn cắp trắng trợn" giữa nhạc sĩ Châu Đăng Khoa và cây bút trẻ Linh Linh. Không chỉ Linh Linh lên án mà nhiều độc giả, khán giả cũng "tấy chay" hai ca khúc đình đám Người lạ ơiTình nhân ơi vì sử dụng trái phép các đoạn thơ của cô trong cả hai nhạc phẩm nhưng phía nhạc sĩ không có thái độ đúng mực.

Là người hoạt động lẫn có mối quan hệ mật thiết trong cả hai lĩnh vực thơ ca và nhạc đàn, Nguyễn Phong Việt khẳng định: "Câu chuyện giữa Khoa và Linh thì nhìn ở góc độ nào thì cũng thấy cái sai của Khoa rất rõ. Vấn đề là Khoa ứng xử như thế nào để thể hiện mình thật sự muốn xin lỗi một cách chân thành. Tuy nhiên, cũng không thể để nó trôi đi trong lãng quên mà phải xem như một bài học lớn trong nghề để mình trưởng thành hơn."

Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980, là nhà thơ, nhà báo, sinh ra tại Tuy Hòa (Phú Yên). Năm 2007, thơ của Nguyễn Phong Việt được biết đến và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Sau 5 năm, tập thơ đầu tay mang tên Đi qua thương nhớ của anh đến với độc giả. Tiếp nối thành công đó, các tập thơ tiếp theo: Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, Sao phải đau đến như vậy, Về đâu những vết thương... và cả một tuyển tơ thiếu nhi do Nguyễn Phong Việt "chắp bút" đều được đông đảo công chúng đón nhận.

Minh Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm