08/05/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tiếp tục đánh dấu chặng đường 25 năm cầm bút qua 3 cuốn sách mới ở 3 mảng khác nhau: Búi Thông thơ dại (truyện dài, NXB Hội Nhà văn), Trong tận cùng hang ổ (Phóng sự điều tra) và Ở lại với ngàn sao (du ký, NXB Thông tấn).
1. Nhiều bạn bè đồng nghiệp, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, bác sĩ, công an, quân đội, cảnh sát, luật sư… và cả các nhân vật trong các tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng đã tham dự buổi ra mắt sách, chúc mừng tác giả, chật kín cả LaCa Café.
3 cuốn sách mới của Đỗ Doãn Hoàng đại diện cho 3 lối tư duy, cảm xúc, lao động sáng tạo của anh. Trong đó, Búi Thông thơ dại là một câu chuyện thấm đẫm những kỷ niệm tha thiết và thẳm sâu, sống động và cuốn hút, giản dị và chân thực về tuổi thơ của anh trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông, với mẹ, bà ngoại và hai em.
Đỗ Doãn Hoàng nói, mẹ anh thường không thể đọc được quá 2 trang, vì bà thường phải dừng lại để… khóc. Cuốn sách giàu chất văn chương và giá trị của tình thương yêu bất tận với vùng đất đã nâng đỡ đùm bọc tác giả những năm tháng nghèo khó.
Cuốn thứ hai - Trong tận cùng hang ổ - tập hợp những bài điều tra in dài kỳ trên các báo đã từng gây chấn động dư luận.
Cuốn thứ ba, Ở lại với ngàn sao ghi lại những cảm xúc mạnh mẽ của tác giả đặt chân tới nhiều vùng đất trên khắp thế giới: châu Á, châu Phi, châu Âu… Đỗ Doãn Hoàng là người ham đi, mê đi, mải miết đi, và những chuyến đi luôn mang lại cho anh nguồn năng lượng bất tận.
Với 3 cuốn sách này, Đỗ Doãn Hoàng nâng con số những đầu sách đã in lên 27 cuốn, bao gồm phóng sự, ghi chép, bút ký, truyện ngắn, truyện dài, tạp văn…
2. Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết: “Sau 27 cuốn sách đã ra mắt, tôi thực sự yêu nghề báo, nghề viết. Hôm nay, tôi có mặt ở đây với mong muốn kết nối những nhà báo trẻ, những sinh viên báo chí với những người có liên quan đến tác phẩm của tôi, như GS Lê Văn Lan (nhà sử học lừng lẫy từng bị vu oan xông vào Bảo tàng Lịch sử trộm ấn bằng vàng của Nam Phương Hoàng hậu). Họ nghi vì ông là chuyên gia đều đặn vào kho và biết rõ ấn cất ở đâu. Sau này người ta bắt được tên ăn trộm, GS được minh oan, tôi đã tìm hiểu viết bài về sự việc.
Hay nhà sử học Dương Trung Quốc đã dẫn tôi đến nhiều ngôi mộ bị lãng quên để viết bài về vụ Hà thành đầu độc. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều là người dạy tôi những chữ đầu tiên để ôn thi đại học ở nhà số 4 Lý Nam Đế… Bà Triệu Mùi Chài (Cao Bằng) - nhân vật chính trong bài báo Sơn nữ mặt quỷ đã được Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư phẫu thuật thành công - qua sự kết nối của tôi hôm nay cũng vượt đường xa tới…”.
Có mặt tại buổi ra mắt sách, GS sử học Lê Văn Lan - nhân vật trong những bài báo của Đỗ Doãn Hoàng - cũng chia sẻ về thêm việc ông từng bị bắt giam oan suốt 6 tháng trời: “Năm 1965, tôi bỗng nhận được giấy triệu tập của Công an Hà Nội. Tôi mượn xe đạp của người chị đến phố Trần Hưng Đạo, chìa giấy đó ra, nhưng ở đó bảo không triệu tập tôi. Tôi đến Bộ Công an ở phố Trần Bình Trọng, họ chỉ tôi đến Hỏa Lò. Tôi lại đạp xe đến Hỏa Lò, và được giữ ngay thành công dân Hỏa Lò từ ngày 19/7/1965 đến năm 1966 thì được nhận giấy tạm tha và giấy đó theo tôi đến tận bây giờ, tôi vẫn là người là người tạm tha. Tôi không thể hiểu ra làm sao, nhưng Đỗ Doãn Hoàng hiểu và viết về vụ việc một cách chân xác nhất, dù anh sinh sau năm 1965 rất nhiều, giúp tôi được minh oan”.
“Với nghiệp vụ tinh tường, Đỗ Doãn Hoàng đã sưu tầm tư liệu và làm một loạt phóng sự và tôi vinh dự trở thành nhân vật trong loạt bài báo làm nên cả tên tuổi của cả tôi lẫn Đỗ Doãn Hoàng. Ở đó, có nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, nhưng rất rành mạch, tinh tế, chặt chẽ”, GS Lê Văn Lan chia sẻ.
“Từ đó, sau nhiều chục năm, tôi trở thành người đồng hành trên nhiều phương diện của cuộc sống với Đỗ Doãn Hoàng, từ sách báo, văn chương, sử sách…”, GS Lan chia sẻ thêm: “Tôi nhớ cụ Nguyễn Tuân có nói một câu rằng, nếu nhà văn không làm thêm sử học, thì các tác phẩm của anh ta sẽ bẹp dí lại, tức không có chiều sâu. Nguyễn Tuân cũng nói ,nhà văn không làm thêm công việc nhà địa lý, các tác phẩm anh ta sẽ chậm lại… Tất cả điều này đều ứng với công việc của Đỗ Doãn Hoàng”.
Bên cạnh GS Lê Văn Lan, nhiều nhân vật khác tham dự buổi ra mắt sách đã kể lại câu chuyện khi họ xuất hiện trong các bài báo của Đỗ Doãn Hoàng. Đó là con cháu của các vị nghĩa sĩ trong vụ án Hà Thành đầu độc hơn 100 năm trước, là hiệp sĩ Tilo Nadle bảo vệ động vật hoang dã, là anh hùng Vũ Xước Hiện - người hùng bị quên lãng được minh oan.
Tại sự kiện, các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa cũng cho rằng, Đỗ Doãn Hoàng là cây bút đa dạng, là chàng trai đam mê, đầy sức sống, bởi nếu không có đam mê thì “không làm được điều gì quá một năm”…
Vài nét về nhà báo Đỗ Doãn Hoàng Đỗ Doãn Hoàng sinh năm 1976 tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, từng là phóng viên mảng văn hóa - văn nghệ, làm việc tại tại các báo, tạp chí: Tuổi xanh, Thanh niên, Công an nhân dân, An ninh thế giới và hiện giờ là PV mảng phóng sự - điều tra của báo Lao động. 25 năm cầm bút, Đỗ Doãn Hoàng đã truyền tải tình yêu thương, tính chân thực của cuộc sống tới bạn đọc và cộng đồng. Với tất cả tâm huyết, anh đã giúp đỡ cho nhiều số phận kém may mắn được tái sinh, giúp giải oan cho bao người bị oan khuất, tham gia bảo vệ thiên nhiên, môi trường, ngăn chăn buôn bán động vật hoang dã trái phép… Ngoài ra, anh còn tham gia giảng dạy tại Học viện Báo chí và tuyên truyền, các lớp tập huấn của Trung tâm nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. |
Hoài An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất