Nhà báo Nguyễn Phương Liên: Đừng làm nghệ thuật theo kiểu 'văn hóa quần chúng'

18/04/2018 06:43 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhà báo Nguyễn Phương Liên (Phó Vụ trưởng - Phó trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ báo Nhân dân) vừa góp vào đời sống mỹ thuật một tác phẩm mới, nhưng không phải là tranh, tượng... mà là sách, mang tên Đồng hành với Đẹp.

Sách tập hợp 35 bài báo chuyên về mỹ thuật và kiến trúc, các bài đều đã đăng trên các báo (nhiều nhất là báo Nhân dân), các tạp chí chuyên ngành mỹ thuật - kiến trúc trong vòng 2 thập kỷ cầm bút của tác giả.

Lý do Nguyễn Phương Liên đặt tên cho "đứa con tinh thần" là Đồng hành với Đẹp, theo chị giải thích là vì mỹ thuật và kiến trúc là hai lĩnh vực làm đẹp cho cuộc sống, cho xã hội. Bên cạnh đó: “Công việc của một nhà báo (đồng thời là một hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - ngành Lý luận phê bình) chuyên theo dõi các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, mảng mỹ thuật - kiến trúc nói riêng như tôi là được “đồng hành” với cái đẹp. Bởi dẫu khen hay chê, là cũng để hướng đến mục đích xây dựng, mong muốn nền mỹ thuật, kiến trúc nước nhà ngày càng tốt hơn, đẹp lên” - nhà báo Nguyễn Phương Liên cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Nhà báo Nguyễn Phương Liên

* Vì sao chị quyết định “gom” các bài báo về một lĩnh vực vẫn được cho là rất hẻo lánh trên các mặt báo in thành sách?

- Các bài viết về mỹ thuật, kiến trúc (theo đúng tính chất lý luận, phê bình) quả thật rất hiếm hoi trên các mặt báo thời gian qua. Trong bài Lý luận phê bình có còn đồng hành cùng sáng tạo mỹ thuật ở cuốn sách này, tôi đã đề cập đến xu hướng “thị trường”, “chiêu trò, PR” của một bộ phận không nhỏ nhà báo, bài viết về mỹ thuật trên báo chí; về sự thiếu vắng các bài viết có tính nghiên cứu lý luận và kiến giải sâu sắc về những vấn đề đang đặt ra của mỹ thuật hôm nay, ngay cả với các nhà lý luận phê bình mỹ thuật chuyên nghiệp…

* Chị nhìn nhận thế nào về lĩnh vực lý luận phê bình mỹ thuật hiện nay?

- Thực ra, không riêng lĩnh vực này, mà nhìn sang các ngành nghệ thuật khác, thấy mảng lý luận phê bình đang rất thiếu và yếu. Song cũng phải thấy rằng làm phê bình hiện nay rất khó. Phê bình hiện tồn tại hai thang giá trị, trong đó thang giá trị do báo chí, truyền thông và mạng xã hội rất mạnh, tạo nên nhiều giá trị ảo. Còn thang giá trị của giới chuyên môn, làm nghề lại yếm thế và dường như bất lực trước sự lấn át của truyền thông, của “đám đông”. Đó là một thực trạng đáng buồn.

Chú thích ảnh
Bìa cuốn "Đồng hành với Đẹp" và tác giả Nguyễn Phương Liên

* Theo quan sát của chị thì đời sống mỹ thuật - kiến trúc nước nhà đang diễn ra như thế nào?

- Theo tôi, ở Việt Nam, hai trong số nhiều nguyên nhân để chúng ta chưa có một nền nghệ thuật thực sự bứt phá: Thứ nhất, là cách làm nghệ thuật theo kiểu “văn hóa quần chúng” của các nhà quản lý, lãnh đạo văn nghệ; Thứ hai, là bệnh “sao” quá sớm của giới nghệ sĩ.

Có lẽ vì thế mà lâu nay chúng ta không có đỉnh cao, không có những tác phẩm bất hủ lưu lại cho hậu thế và xác lập địa chỉ của Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật thế giới. Đó là điều thực sự đáng tiếc! Không thể nhắc mãi những tên tuổi một thời, không thể gặm nhấm mãi hào quang quá khứ, mà nghệ thuật đương đại và đội ngũ nghệ sĩ hôm nay cần phải khẳng định được vị trí, chỗ đứng của mình ở thời điểm hiện tại cũng như trong hành trình văn hóa nước nhà.

Tuy nhiên, trong dòng chảy ồn ã, vẫn có những con người miệt mài lao động, tìm tòi sáng tạo để tự khẳng định và đóng góp cho nghệ thuật chân chính. Không ít người đã đạt thành công, đặc biệt ở những lĩnh vực, thể loại mang tính đặc thù, nhiều khó khăn.

* Sau “Đồng hành với Đẹp” chị sẽ và muốn “đồng hành” với gì nữa trong đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà?

- Tôi đã và vẫn đang tiếp tục “đồng hành” nhiều thứ, tất cả đều hướng đến cái đẹp. Cuốn sách này của tôi chuyên về mỹ thuật, kiến trúc. Các cuốn tiếp theo có thể về những lĩnh vực khác, hoặc là tuyển tập truyện ngắn…

Thực ra, tất cả chúng ta, dù làm việc trong bất cứ ngành nghề, môi trường nào, ở một khía cạnh và mức độ nào đó, cũng là đang “đồng hành” góp phần xây dựng những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình, của xã hội.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

30 tác phẩm trên các chất liệu như kim loại, gốm, sơn mài, sơn dầu, acrylic trên toan của 4 họa sĩ giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: Trịnh Tuân, Nguyễn Ngọc Quân, Vũ Hữu Nhung, Lê Anh Vũ được trưng bày từ 26/12 đến 6/1/2018 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội).

Phạm Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm