25/12/2017 07:21 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Chọn’s tổ chức phiên đấu thứ 9 để kỷ niệm 1 năm thành lập, với 21/48 lô hàng được bán. Trong 1 năm qua, tổng giao dịch 9 phiên của Chọn’s đã vào khoảng 1 triệu USD (22 tỷ đồng), trở thành nhà đấu giá có mức thanh khoản lớn nhất Việt Nam hiện tại.
Như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhà đấu giá nội địa là một thành tố quan trọng bậc nhất để cấu thành và hoàn chỉnh thị trường nghệ thuật nội địa. Ngoài Chọn’s, tại Việt Nam hiện nay còn có Lý Thị, Lạc Việt… cũng hoạt động đấu giá nghệ thuật, tất cả đều có tuổi đời gần như nhau: khoảng 1 tuổi.
21/48 tác phẩm được bán
Nếu nhìn vào đây có thể nói mức bán hàng còn hơi yếu, nhưng thực tế đã là khả quan với nhà đấu giá còn non trẻ, ở những thị trường mới thành lập. Số lượng các nhà sưu tập mới đến với Chọn’s mỗi phiên tăng thêm 30-40% và trung bình hơn 70% các tác phẩm được gõ búa.
Chọn’s cũng đã lên kế hoạch để chuyển đến trụ sở mới trong năm 2018, nhằm đáp ứng nhu cầu tham gia đấu giá của giới yêu nghệ thuật. Nhiều phiên đã diễn ra bị quá tải chỗ ngồi, nhiều khách đến phải đứng. Chọn’s cũng hy vọng sự tương tác của thị trường nghệ thuật với thị trường tài chính, pháp lý sẽ sớm hình thành, để từng bước cải thiện quy trình đấu giá và các hạ tầng liên quan đấu giá theo chuẩn quốc tế.
Theo ông Vũ Tuấn Anh (Giám đốc điều hành nhà đấu giá Chọn’s) thì những điều còn hạn chế của Chọn’s là: “Hạ tầng pháp lý liên quan đấu giá nghệ thuật còn sơ khai. Nhân lực, công nghệ liên quan đấu giá nghệ thuật còn kém. Nhận thức của công chúng yêu mỹ thuật về đấu giá nghệ thuật còn hạn chế. Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng về thị trường mỹ thuật chưa thật rõ ràng”.
Trong 21 tác phẩm được bán tại phiên chiều 23/12, đáng chú ý có Lối về Bắc bộ (sơn dầu trên toan, 62cm x 93cm, 1985) của Nguyễn Trọng Kiệm đã tăng giá đến 600%, từ khởi điểm 2.000 USD, kết quả bán 14.000 USD. Tác phẩm Dáng ngọc (sơn mài, 45cm x 60cm, 1967) của Nguyễn Huyến tăng 200%, từ 15.000 USD bán 45.000 USD.
Tiêu điểm của phiên này là tác phẩm Nguyệt ước (sơn mài, 70cm x 50cm, 1987) của Nguyễn Tư Nghiêm, dù không tăng giá, nhưng cũng đã được với mức khởi điểm: 83.000 USD. Người mua bức này đấu giá qua điện thoại.
Đối đầu với cáo buộc “bán tranh giả”
Trong năm qua, Chọn’s cũng đã gặp những vấp váp, điều tiếng này kia, như nghi ngờ bán tranh giả, nguồn gốc tác phẩm bất minh, hoặc rửa tiền…. Khi được hỏi làm sao để vượt qua, Vũ Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi chọn sự công khai, minh bạch, nên sẵn sàng đối thoại với báo chí, với các phản hồi để xác minh tính xác thực của các thông tin mà Chọn’s đưa ra. Cũng có những thông tin, dư luận trái chiều về nguồn gốc của một số tác phẩm được đấu giá, nhưng chúng tôi có niềm tin vào các nhà thẩm định uy tín của mình”.
“Nếu ra tòa và bị thua kiện, Chọn's sẵn sàng công khai thông tin trên phương tiện truyền thông, xin lỗi các bên liên quan, bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần. Tiêu chí của Chọn's là hợp tác, tin cậy, minh bạch, uy tín” – ông nói thêm.
Chính vì xác định thái độ như vậy, nên Chọn’s cũng có quan điểm thẳng thắn về tranh giả, tranh nhái - một vấn nạn nhức nhối của thị trường mỹ thuật Việt Nam trong hơn 30 năm qua. Tranh giả - tranh nhái chỉ xuất hiện ở những nước yêu mỹ thuật và nghệ thuật có giá trị mới có việc làm giả. Người ta chỉ muốn làm giả những viên kim cương, không ai muốn làm giả những viên gạch. Ở một góc nhìn nào đó thì nó cũng có những yếu tố tích cực, cho thấy hấp lực của nghệ thuật và thị trường.
Vũ Tuấn Anh cho rằng nếu Chọn’s có thể đấu tác phẩm 1 triệu USD trong 2- 3 năm tới, đó chỉ còn là niềm vui chứ không phải cột mốc để phấn đấu. Vì thị trường nghệ thuật Việt Nam lớn hơn thế rất nhiều. Vì rõ ràng đấu giá nghệ thuật không phải là một xu thế tức thời, mà đang là một kênh đầu tư có lợi nhuận. Thế giới đã có gần 300 năm lịch sử đấu giá, nên Việt Nam cũng không thể nằm ngoài. Đó là con đường để thúc đẩy thị trường mỹ thuật.
Phiên đấu giá có giá trị hơn 216 ngàn USD Một số tác phẩm khác được giao dịch thành công tại phiên đấu số 9 là Thiếu nữ suy tư của Thành Chương (bán 2.200 USD), Có ánh đèn dầu của Hoàng Hồng Cẩm (4.000 USD), Hà Nội trong mắt Phái của Bùi Xuân Phái (2.000 USD), Maria của Nguyễn Huyến (3.800 USD), Vững tay chèo của Nguyễn Huyến (13.500 USD), Đời hoa của Lê Phổ (27.000 USD), Nét quý phái của Nguyễn Tư Nghiêm (2.600 USD)… Tổng giá trị giao dịch toàn phiên là 216,400 USD Đáng chú ý tại phiên đấu giá này có các tác phẩm của hai danh họa Bùi Xuân Phái (6 bức) và Nguyễn Tư Nghiêm (7 bức). Tuy nhiên, chỉ có có 1/7 bức tranh của Bùi Xuân Phái được đấu giá thành công, 6 bức còn lại bị "pass" (không có người trả giá).Bên cạnh đó, 4/6 bức tranh của Nguyễn Tư Nghiêm cũng không được đấu giá thành công. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất