Nhà thơ - NGƯT Đặng Hiển: 'Mẹ vắng nhà ngày bão' - 38 năm và mãi mãi

20/11/2019 09:54 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Mẹ vắng nhà ngày bão đã gắn liền với tên tuổi của Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Đặng Hiển. Bài thơ được in trong sách giáo khoa với tuổi đời hơn 38 năm sống và gắn bó với biết bao thế hệ học trò như một ký ức khó có thể phai nhòa. Nhìn từ sự nổi tiếng một thời của Mẹ vắng nhà ngày bão đến sự nghiệp văn chương hiện tại của nhà thơ Đặng Hiển ta thêm cảm phục một người thầy dành cả đời miệt mài sáng tác văn chương, nghệ thuật.

Nhà văn Đặng Hiển đã 'Đọc, Viết - Học' như thế!

Nhà văn Đặng Hiển đã 'Đọc, Viết - Học' như thế!

“Đọc, Viết-Học” là tập lý luận phê bình văn học thứ 8 của nhà giáo ưu tú, nhà văn Đặng Hiển (NXB Hội Nhà văn 2017). Cùng với 15 tập thơ, 4 tập truyện ký, 5 tập kịch, các tập lý luận phê bình của ông góp phần làm phong phú thêm gia tài văn chương trong gần trọn cuộc đời tâm huyết, miệt mài sáng tạo văn học nghệ thuật.

Hơn 40 năm dạy văn ở bậc phổ thông trung học, nhà giáo Đặng Hiển đã dành trọn đời mình với một tâm huyết trọn vẹn nhất cho sự nghiệp trồng người. Biết bao thế hệ học trò của nhà giáo Đặng Hiển đã thành công ở nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều học trò là những nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận nổi tiếng.

Người thầy mang sứ mệnh cầm bút

Có lẽ chính bởi ở cương vị là một nhà giáo nên chất văn chương trong những sáng tác của nhà thơ Đặng Hiển cũng có nhiều điều khác biệt với với những nhà thơ cùng thời khác. Từ năm 2002, sau khi nghỉ hưu, rời bục giảng, ông có nhiều thời gian và điều kiện tham gia vào các hoạt động sáng tác, phê bình văn chương. Từ bục giảng nhà trường cho đến sự nghiệp văn chương của mình, dù là ở vai trò, cương vị nào thì ông cũng đều đạt được những thành công nhất định.

Nhìn nhận trên cương vị là một nhà giáo, Đặng Hiển có một sự nghiệp trồng người thành công. Ông được phong tặng Nhà giáo ưu tú, nhiều năm là giáo viên giỏi, là lãnh đạo nhà trường với nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen các cấp. Thế nhưng, điều mà nhiều người thường nói về sự nghiệp trồng người của thầy Đặng Hiển đó chính là nhận được tình cảm yêu quý và kính mến của nhiều thế hệ học trò. Đây là điều chân quý nhất với bất cứ một người thầy nào.

Chú thích ảnh
Nhà giáo ưu tú - nhà thơ Đặng Hiển

Song hành với sự nghiệp giáo dục, “gia tài” văn chương của nhà thơ Đặng Hiền cũng “giàu có” không thua kém bất cứ một nhà thơ, nhà văn nào khác. Luôn miệt mài với sự nghiệp sáng tác không ngừng, ông đã xuất bản 15 tập thơ, 3 trường ca, 3 tập truyện ký, 5 vở kịch, 6 tập lý luận văn học cùng nhiều tập thơ dịch, bút ký khác.

Trong đó một số tác phẩm đã tạo được tiếng vang lớn cho tên tuổi của nhà thơ Đặng Hiển trên văn đàn có thể kể đến như: bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão được đưa vào sách giáo khoa phổ thông năm 1981, bài thơ Cây thông già trên đỉnh Côn Sơn được chọn in trong tuyển tập Thơ Việt Nam hiện đại vào năm 2000, trường ca Đất thiêng với hơn 800 câu thơ đoạt giải Ba trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ và người có công năm 2017… cùng nhiều giải thưởng văn chương khác đã tạo nên dấu ấn sáng tác của nhà thơ Đặng Hiển.

Trong nhiều thập niên qua, những sáng tác do nhà thơ Đặng Hiển chấp bút không chỉ phong phú về thể loại, số lượng mà giá trị, chất lượng cũng đã được khẳng định và ghi ấn tượng đậm nét trên văn đàn.

Cần phải nói thêm chất thơ, chất văn của Đặng Hiển rất khó để trộn lẫn hay so sánh với những sáng tác văn chương của những nhà thơ, nhà văn khác. Bởi ông là một nhà giáo mang trong mình sứ mệnh cầm bút nên thiên hướng sáng tác của ông luôn mang đậm dấu ấn về nhà trường, học trò song hành cùng với cảm xúc dành cho quê hương, con người, xứ sở mà ông đã từng trải qua.

“Mẹ vắng nhà ngày bão đã trở thành thương hiệu của tôi”

“Nghệ thuật là không có tuổi”. Điều này hoàn toàn đúng khi quy chiếu đến bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão của nhà thơ Đặng Hiển. Có thể, ở thời điểm hiện tại, bài thơ không còn được sử dụng in trong Sách giáo khoa mới nhưng nó đã có 38 năm cùng sống với biết bao thế hệ học sinh. Và giờ đây những thế hệ học sinh vẫn sẽ luôn nhớ mãi về một bài thơ dung dị, mộc mạc, dễ đọc, dễ nhớ mà ở đó có những cảnh tượng dân dã, gần gũi của một thời xưa cũ khó có thể kiếm tìm trong thơ nay.

Bộc bạch về câu chuyện cảm hứng sáng tác của Mẹ vắng nhà ngày bão, nhà thơ Đặng Hiển kể lại câu chuyện đúng trong thực tế của gia đình ông. Đó là một kỷ niệm của gia đình ông từ những năm 1980 của thế kỷ trước. Một kỷ niệm gia đình mộc mạc, giản dị như chính tứ thơ mà nhà thơ Đặng Hiển đã chấp bút viết nên một thi phẩm bất hủ cho bao thế hệ học trò Việt thời học Tiểu học.

Giai đoạn ông viết Mẹ vắng nhà ngày bão là vào thời điểm mùa Hè năm 1980 trong một chuyến về thăm quê ở Nam Định, vợ của nhà thơ không may gặp bão, chưa trở về Hà Đông cùng gia đình được. Trong những ngày “mẹ vắng nhà” mấy bố con phải tự lo cơm nước trong hoàn cảnh mưa gió. Bản thân nhà thơ tự nhận mình “Tôi rất vụng trong việc bếp núc” nhưng ngày ngày vẫn phải đội mưa đi chợ “mua cá về nấu chua”.

Bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão được in lần đầu tiên trong “Văn nghệ Hà Sơn Bình” từ năm 1980. Sau đó, vào năm 1981, bài thơ được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đề xuất với Ban Biên soạn Sách giáo khoa đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông cho học sinh tiểu học. Đây là thời điểm chính thức bài thơ được in trong sách giáo khoa.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4

Trong quá trình biên soạn đưa bài thơ Mẹ vắng nhà ngày bão vào trong Sách giáo khoa có nhiều phần của bài thơ bị thay đổi và cắt xén theo ý của Ban Biên soạn “để cho phù hợp”. Cụ thể, khổ thứ tư đã có sự thay đổi từ “Nhưng em vẫn cắt cỏ/ Cho thỏ mẹ, thỏ con/ Anh thì đi câu lươn/ Cho vịt gà no bữa” trong nguyên tác thành “Nhưng chị vẫn hái lá/ Cho thỏ mẹ, thỏ con/ Em thì chăm đàn ngan/ Sáng lại chiều no bữa” trong bản in. Và hai câu cuối của khổ thơ thứ 4: “Sì sụp như nấu cỗ/ Đôi mắt cười đỏ hoe” cũng bị lược bỏ chỉ vì từ “sì sụp” không phải từ chính thức có trong từ điển.

Mặc dù không hài lòng, nhưng bản thân nhà thơ Đặng Hiển vẫn cảm thấy “phấn khởi” khi một bài thơ ghi lại một kỷ niệm về gia đình mình được chọn lựa in trong sách giáo khoa vào thời điểm những năm 1980 là một điều vinh dự mà không phải ai cũng có được, hơn hết theo nhà thơ những tứ thơ cốt lõi của bài thơ vẫn được giữ lại như: “Mẹ về như nắng mới/ Sáng ấm cả gian nhà”…

Có một điều đáng chú ý, khi hầu hết những tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa lớp 4 cũ (lớp 3 mới) được thay thế bằng những tác phẩm khác trong những lần biên soạn lại sách giáo khoa thì “Mẹ vắng nhà ngày bão” vẫn có mặt cho đến thời điểm hiện tại là 38 năm gắn bó với bao thế hệ học trò Việt.

Không khó để lý giải sức sống mãnh liệt của “Mẹ vắng nhà ngày bão” suốt gần 40 năm qua. Thế nhưng hơn hết mọi lý do đó chính là tình cảm mà tác giả gửi gắm thông qua bài thơ, đó là một tình cảm gia đình chứa chan, mộc mạc, giản dị thôi nhưng đầy ắp tấm lòng chân tình xuất phát từ chính hoàn cảnh thực của gia đình nhà thơ.

Sự thành công và sức sống của Mẹ vắng nhà ngày bão cũng khiến tác giả Đặng Hiển cũng không khỏi bất ngờ. Trong nhiều cuộc trao đổi, gặp mặt với thầy cô, học sinh của nhiều trường, nhà thơ Đặng Hiển biết được có rất nhiều học sinh thuộc lòng bài thơ của mình và cả những thế hệ học sinh đã thành đạt khi gợi nhắc vẫn thuộc nằm lòng Mẹ vắng nhà ngày bão. Điều này chắc chắn là cơ sở để nhà thơ Đặng Hiển có thể khẳng định rằng: “Mẹ vắng nhà ngày bão đã trở thành thương hiệu của tôi”.

“Tôi vẫn là thầy giáo… trên những trang viết của mình”

Nghiệp cầm bút của bất cứ một nhà văn, nhà thơ nào sẽ thực sự thăng hoa khi có được những tác phẩm giàu sức sống. Tuy nhiên, để sự thăng hoa trở thành tiếng thơm trong sự nghiệp thì thái độ của người cầm bút đóng vai trò rất quan trọng.

Bằng một thái độ tận tâm, sáng tạo miệt mài cùng nhiệt huyết cao nhất với sứ mệnh cầm bút của mình, từ khi bắt đầu viết thơ từ nhưng năm học phổ thông đến kể cả khi nghỉ hưu nhà thơ Đặng Hiển vẫn không ngừng sáng tác, làm giàu thêm gia tài văn chương của mình với những tác phẩm quy mô hơn, giàu chất lý luận hơn. Điều này chứng minh một điều rằng: Sự nghiệp văn chương của Đặng Hiển không chỉ có Mẹ vắng nhà ngày bão.

Mới đây, vào năm 2017, nhà thơ Đặng Hiển chính thức cho xuất bản tập trường ca Đất thiêng với hơn 800 câu thơ được chia thành 6 chương, viết trong hơn 4 tháng.

Đất thiêng ra đời trong ở thời điểm khi tác giả Đặng Hiển đã ở tuổi 78. Năm 2016, nhà thơ Đặng Hiển theo đoàn thực tế về thăm Vị Xuyên. Sau đó, gặp nhiều cựu chiến binh cùng gia đình liệt sĩ để lắng nghe những câu chuyện trận mạc khốc liệt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới gần 40 năm về trước.

Khi ấy đan xen trong cảm xúc hòa quyện với cảnh tượng núi non trùng điệp nơi trận địa Vị Xuyên, Hà Giang lịch sử, bằng một tâm hồn nhạy cảm cùng bút lực sung mãn của mình, nhà thơ Đặng Hiển đã viết nên một “bản anh hùng ca” - Đất thiêng hệt như một thước phim lịch sử oai hùng. Có những hình ảnh trong thơ Đất thiêng khi đọc lên khiến người đọc buốt lạnh cả người: “Đồng đội tôi khi chết rồi, tiếng gọi mẹ ơi, vách núi vẫn còn vang/ Mẹ là mẹ sinh, cũng là mẹ đất”.

Từ Mẹ vắng nhà ngày bão đến trường ca Đất thiêng đều là những dấu son trong hoạt động sáng tác phong phú, đa dạng của nhà thơ Đặng Hiển. Không ngủ quên với những tác phẩm đã tạo nên tiếng vang, nhà thơ Đặng Hiển vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, sáng tác ở độ tuổi mà nhiều người cho rằng cần phải nghỉ ngơi.

Sau khi rời bục giảng nghỉ hưu với thời gian hơn 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, nhà thơ Đặng Hiển vẫn hết sức quan tâm đến hoạt động dạy học, đặc biệt là dạy văn trong các nhà trường hiện nay. Điều này được minh chứng bằng hàng loạt tác phẩm lý luận phê bình văn học, nghiên cứu viết riêng về phương pháp dạy văn trong nhà trường.

Một số tác phẩm nghiên cứu mang tính định hướng trong hoạt động dạy và học của nhà thơ Đặng Hiển có thể kể đến như: “Dạy học là phát triển”, “Năng khiếu văn học của học sinh - Phát hiện và phát huy”, “Đưa sáng tác văn học vào hoạt động giảng dạy, học tập văn học trong nhà trường, “Dạy Văn theo hướng tích hợp”,… Đây đều là những tác phẩm tâm huyết có giá trị về phương pháp dạy học được nhà thơ Đặng Hiển đúc rút từ kinh nghiệm cả một đời dạy học, một đời sáng tác văn chương, nghệ thuật của mình.

“Tôi vẫn là thầy giáo, nhưng không còn là thầy giáo trên bục giảng mà là thầy giáo trong tâm hồn và trên những trang viết của mình”. Đó chính là chia sẻ của Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Đặng Hiển - một nhà giáo dành trọn vẹn đời mình cho sự nghiệp giảng dạy văn chương. Và cho đến ngày hôm nay những tác phẩm, những đề tài nghiên cứu, những sáng tác do nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển chấp bút đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu trong hoạt động văn học của những tác giả đương đại.

Nói về sức nặng của những sáng tác mang “thương hiệu Đặng Hiển” cần nhắc đến sự kết hợp hài hòa giữa “tư duy hình tượng và tư duy lý luận”. Một tư duy sắc bén của người nghiên cứu lý luận – phê bình văn học hòa quyện với tâm hồn nhạy cảm đã tạo nên một chất văn, chất thơ rất riêng của Đặng Hiển trên văn đàn mà theo ông đó là: “Nếu có được một vốn kiến thức cao thì sáng tác ắt sẽ được sâu rộng hơn. Vì thế những sáng tác của tôi luôn phải đi cùng với học vấn”.

Hiếm có một nhà thơ nào lại có sự nghiệp đặc biệt như nhà thơ, nhà giáo ưu tú Đặng Hiển. Nghiệp cầm bút từ trên bục giảng. Rời bục giảng vẫn nhiệt huyết với hành trình sáng tạo văn chương. Mượn ý thơ của Chế Lan Viên xin kết lại:

Dù con ong lấy khách-thể-hoa làm bản-ngã-mật của mình

Hay con tằm đem bản thể mình kéo tơ cho đời mặc

Dù ong phải bay ngàn cánh bay mới nên giọt mật

Hay tằm giam mình tại chỗ nhả ra tơ

Trong sáng tạo, chúng ở đầu hai cực

Nào con nào đã được nhởn nhơ

(Thơ bình phương - đời lập phương)

Hỏi đáp về quá khứ - hiện tại - tương lai

* Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?

- Nếu nói chữ hài lòng thì có lẽ phải hỏi những người may mắn nhất. Thời gian đầu khi bắt đầu sự nghiệp của mình, tôi gặp phải rất nhiều những khó khăn, trở ngại. Thế nhưng bản thân tôi vẫn thấy may mắn cho đến thời điểm hiện tại vì có một người vợ đảm đang, giúp tôi nuôi dạy con cái, xây dựng cuộc sống gia đình tốt để có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp của mình.

* Nếu được quay về thời đỉnh cao, ông sẽ làm gì?

- Nếu có thể trở về thời kỳ trước đây, tôi sẽ vẫn tiếp tục sáng tác nhưng sáng tác trên một cơ sở “vốn học” cao hơn. Nếu có được một vốn kiến thức cao thì sáng tác ắt sẽ sâu rộng hơn. Quá trình tôi dạy học cũng là quá trình tôi tự học, sau khi về hưu tôi lại càng học được nhiều hơn.

* Giờ đây, mong muốn lớn nhất ông dành cho sáng tác của mình là gì?

- Những sáng tác của tôi vào thời điểm hiện tại cũng phụ thuộc một phần vào sức khỏe. Nếu sức khỏe bình thường thì tôi vẫn tiếp tục viết. Hiện nay, trong các thể loại, chỉ có tiểu thuyết là tôi chưa viết nên tôi vẫn luôn mang muốn mình viết được một cuốn tiểu thuyết.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm