26/12/2018 07:04 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Lúc 9h30 ngày 20/12 tại Toong Minh Khai (TP.HCM) đã diễn ra buổi gặp gỡ cộng tác viên, giới thiệu số mùa Đông của chuyên đề văn học Viết & đọc. Tuy là sách, nhưng có cấu trúc giống như tạp chí chuyên ngành, dày gần 300 trang khổ lớn, dự kiến sẽ phát hành định kỳ 4 số mỗi năm. Đây là một hoạt động xã hội hóa của NXB Hội Nhà văn, vì họ không có kinh phí cho hoạt động này.
Trong lời nói đầu của chuyên đề số đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (GĐ - TBT NXB Hội Nhà văn) viết: “Như một nỗ lực dựng lên một ngôi nhà nhỏ cho những người kể chuyện của thế gian bước vào, nhóm lên ngọn lửa và cất tiếng”.
Nghĩa là người kể chuyện (đặc biệt ở Việt Nam) đang còn thiếu những ngôi nhà tương tự, dù gần như tỉnh nào cũng có tạp chí chuyên ngành văn học - nghệ thuật.
Nguyễn Quang Thiều trả lời báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN): “Theo tôi biết, nước Mỹ có khoảng 400 các loại hình tạp chí văn học thì con số vài chục ở nước ta chưa hẳn đã nói được điều gì. Có thể số lượng báo và tạp chí văn chương ở nước ta là không thiếu. Nhưng rõ ràng cái thiếu là ngọn lửa trong mỗi “ngôi nhà” ấy chưa cháy hết mình ở mức có thể.
* Vậy thì tiêu chí chọn lựa người kể chuyện của “Viết & đọc” như thế nào? Có kỵ húy điều gì không?
- Kỵ húy là một phạm trù rất rộng và đa nghĩa, không hẳn như nhiều người vẫn nghĩ, hoặc bị ám ảnh lâu nay. Nó phụ thuộc vào dân trí, luật pháp và đời sống dân chủ của một quốc gia. Đôi khi những khái niệm văn hóa cũng trở thành kỵ húy. Nhưng những “người kể chuyện” phải là những người không sợ hãi cái ác, không đặt bất cứ lợi ích gì khác ngoài lợi ích của sự công bằng và cái đẹp trong từng trang viết của mình.
Và tôi muốn, văn học nghệ thuật phải từng bước góp phần vào tiến bộ xã hội để xóa dần đi những kỵ húy trong đời sống và trong các tác phẩm văn học.
* Sáng tác, lý luận, phê bình, dịch thuật… luôn cần nơi đối thoại, phản biện, anh có nghĩ “Viết & đọc” cũng sẽ hướng đến việc xây dựng một ngôi nhà như vậy?
- Đối thoại và phản biện luôn luôn là động lực cho sự phát triển một xã hội văn hóa và văn minh. Những người cầm bút đích thực là hướng tới điều đó. Hai số đầu tiên của Viết & đọc đang thể hiện điều này.
Một thực tế cho thấy, có những lúc, những nơi không có điều gì kỵ húy cụ thể, không có một áp đặt nào cụ thể thì việc đối thoại và phản biện của người Việt Nam - đặc biệt là tầng lớp trí thức - cũng bị tự hạn chế, tự kỵ húy. Mỗi người viết lúc này, trước hết, cần đối thoại và phản biện một cách trung thực với chính mình. Từ đó mơi có thể thúc đẩy đối thoại và phản biện xã hội.
* Theo anh thì cái gì đang yếu nhất trong 4 cái sau: sáng tác, lý luận, phê bình, dịch thuật? Tại sao?
- Cả bốn lĩnh vực này chúng ta còn quá nhiều hạn chế. Nhưng xét cho cùng thì lý luận và phê bình đang là khâu yếu nhất. Lý luận, phê bình vẫn đi trên một con đường cũ trong khi đời sống đã mở ra nhiều con đường đa dạng, phong phú và đúng với tiến trình phát triển của nhân loại.
Lý luận, phê bình phải luôn luôn là một thế giới mở để tiếp nhận và gọi tên mọi khuynh hướng của văn học nghệ thuật, chứ không phải là người “kẻ vạch” đầy giới hạn cho những lối đi và cách đi của nghệ thuật.
* Hiện nay “Viết & đọc” in 2.000 bản, đơn vị tổ chức có nỗ lực in nhiều hơn trong các số tới? Theo anh thì với thực tế độc giả hiện nay, phát hành chừng bao nhiêu là vừa?
- Thực tế có những cuốn sách văn học phát hành cả vạn bản. Nhưng đây là một sách về chuyên đề văn học. Với bạn đọc hiện nay, loại sách chuyên đề này bán được vài ngàn bản đã là lý tưởng. Bởi người đọc văn học hiện nay đã và đang ít đi rất nhiều, do nhiều lý do.
Việc làm báo, tạp chí và sách chuyên đề văn học cần một sự nỗ lực rất lớn. Chúng ta phải kiên trì ghê gớm mới mong từng bước thay đổi cách nhìn của con người về đời sống, để từ đó thay đổi cảm nhận và suy nghĩ của họ đối với vai trò của văn học.
Có lẽ vì lý do đó nên những gì Viết & đọc khởi xướng và dấn thân đã nhận được sự tài trợ vô giá về tinh thần và vật chất của những người hiểu, yêu mến văn học. Nếu không có những tài trợ này thì chúng tôi không thể ra mắt Viết & đọc được, vì NXB Hội Nhà văn không có một đồng ngân sách nào từ Nhà nước cho các hoạt động của mình lâu nay.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất