31/07/2017 07:28 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Dù phần thắng không thuộc về tin đồn, khi chính chủ nhân tác phẩm được so sánh với Đâu chỉ riêng em của Khắc Hưng liên tiếng minh oan cho anh, nhưng Khắc Hưng bảo rằng lần này anh rất sốc!
Cùng nghe Khắc Hưng trò chuyện thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về cú sốc nghi án đạo nhạc này !
Sự trùng hợp hy hữu
* Thực ra đây không phải lần đầu anh phải lên tiếng cho “đứa con tinh thần” của mình về nghi án đạo nhạc. Nhưng lần này, dựa trên những dòng chia sẻ của anh trên trang cá nhân, có thể thấy diễn biến tâm lý của anh có vẻ phức tạp?
- Vì tôi sốc mà. Chắc chắn là tôi sốc rồi! Lần nghi án trước là hoàn toàn không giống, nhưng lần này đúng là giống.
Và vì nếu nó chỉ trùng hợp một chút thôi tôi cũng không quá suy nghĩ. Nhưng đằng này, tôi phải thừa nhận là đoạn điệp khúc của Đâu chỉ riêng em giống điệp khúc bài Tình lay động nhói đau đến thế. Cũng vì vậy, đây là một trường hợp thực sự hi hữu đối với tôi.
* Nguyên nhân của sự giống đến mức hy hữu này, lại là câu chuyện về vòng hòa âm?
- Thực ra, Đâu chỉ riêng em và Tình lay động nhói đau đều được sử dụng một vòng hòa âm rất đại trà, vòng hòa âm canto pop được cả thế giới ưa dùng, nhưng phổ biến nhất là ở Việt Nam và Trung Quốc.
Trước hai tác phẩm này, cũng đã có các tác phẩm quốc tế khác cũng dùng như bài Only love hay một tác phẩm khác ở Việt Nam là Phía sau một cô gái.
Việc sử dụng vòng hòa thanh cơ bản trong nhiều tác phẩm khiến người nghe nhiều ca khúc có vòng hòa thanh như vậy sẽ cảm giác các bài hơi na ná nhau, đôi khi mọi người nhầm lẫn gọi là đạo nhạc.
Còn người viết nhạc, khi xây dựng giai điệu phát triển trên vòng hòa âm này thì cũng dễ dấn đến một hướng chung, không thể đi ngược lại được nên chuyện trùng hợp hoàn toàn có thể xảy ra.
Một bài trùng nhau đến từng câu từng chữ là rất hy hữu.
"Đâu chỉ riêng em" do Mỹ Tâm thể hiện
Và 'Tình lay động lòng nhói đau' của Trung Quốc
* Vậy làm thế nào để tránh được sự trùng lặp không đáng có này?
- Tôi nghĩ rất là khó. Bởi khi đã xác định đi theo dòng nhạc chiều lòng khán giả, thì người viết thường chọn vòng hòa âm mềm, ăn khách để nhanh ghi điểm với người nghe. Đó là thủ thuật khiến người nhạc sĩ sáng tác dễ dàng tiếp cận với khán giả hơn.
Và nhược điểm thấy rõ là khi nhiều bài sử dụng chung một vòng hòa âm, thì sẽ hạn chế về mặt giai điệu, vì chỉ có thể phát triển theo một hướng như quy luật mà không thể nằm ngoài “vòng quay” được.
Điều đó cũng có nghĩa, khi người viết đã chọn hướng đi đó thì cũng buộc phải chấp nhận có những rủi ro nhất định khi đã có quá nhiều bài sử dụng chúng.
Còn khán giả sẽ hay so sánh với các tác phẩm khác và nghĩ là đã từng nghe bài này ở đâu rồi.
Tôi nghĩ là tùy mục đích của nhà sản xuất, nếu họ muốn chọn giải pháp an toàn và nhân rộng khán giả, thì sẽ là như vậy. Nếu chọn hướng đi khác lại kén khán giả nhưng có tính nguyên bản của mình.
Tôi còn may mắn
* Tôi được biết, những dự án của anh đang phát triển theo hướng mở rộng sang các lãnh địa như EDM. Nhưng như anh vừa chia sẻ thì với sản phẩm lần này, phải chăng vì anh chiều lòng khán giả nên mới gặp sự cố không đáng có này?
- Không. Tôi và ca sĩ đã có một sự thống nhất ngay từ đầu vì Đâu chỉ riêng em chỉ là phần mở đầu cho chuỗi kế hoạch của tôi và ca sĩ Mỹ Tâm trong tương lai. Và vì mở đầu, nên chúng tôi muốn tiếp cận dễ dàng đến số đông.
Và kết quả cho thấy, chúng tôi làm việc hiệu quả. Vì cùng vòng hòa âm đấy, Đâu chỉ riêng em đã có dấu ấn hơn cả.
* Anh có nghĩ rằng giờ đây người nghe quá nhạy cảm với hai chữ đạo nhạc?
- Tôi rất khó có thể chiều lòng khán giả, chứng minh rằng sự trùng lặp không phải đạo nhạc khi mọi người đang có suy nghĩ như vậy.
Mọi người mới nghe bằng cảm quan mới chỉ thấy giông giống mà chưa có những xác nhận từ đơn vị chuyên môn mà đã dùng từ đạo nhạc, tôi cho rằng đó là sự buộc tội vô căn cứ.
* Anh có trách họ không?
- Tôi không trách người nghe nhạc, nhưng tôi mong họ hiểu rằng, dùng từ mang tính buộc tội và nhạy cảm như đạo nhạc rất dễ khiến người làm nghệ thuật đau lòng.
Nó như con dao tạo ra vết thương không đáng có cho người nghệ sĩ nên tôi mong mọi người hãy suy xét một cách có chừng mực, tránh lạm dụng từ này vì nó rất nguy hiểm.
* Qua vụ việc vừa qua anh cảm thấy thế nào?
- Thực tế, tôi thấy mình còn may mắn khi nhận được sự xác nhận nhanh từ phía tác giả có tác phẩm bị trùng.
Còn nhiều nhạc sĩ khác không được như vậy. Nhất là sản phẩm của họ lại bị so sánh với các tác phẩm của những nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, nhưng lại không nhận được câu trả lời rõ ràng từ phía chủ nhân tác phẩm bị trùng, họ sẽ mãi mãi bị xem là đạo nhạc.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Tóm tắt "nghi án đạo nhạc” Ngày 16/7/2017 Mỹ Tâm đăng MV Đâu chỉ riêng em lên trang YouTube của mình (ca khúc do Khắc Hưng sáng tác). MV này nhanh chóng trở thành “hit”, nhưng không lâu sau đó, có nhiều ý kiến cho rằng nó giống với bài nhạc Hoa - Tình lay động lòng nhói đau. Khắc Hưng cũng chia sẻ trên Facebook của anh là đoạn điệp khúc 2 bài hát quá giống nhau. Nhưng anh cam đoan là chưa nghe bài Tình lay động lòng nhói đau. |
An Yên (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất