Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Không dám nghĩ sẽ làm ca kịch Dam Săn

15/12/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vào lúc 20h tối nay (15/12), tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk sẽ công diễn vở ca kịch Khát vọng Dam Săn (kịch bản: Hồng Hoa, tổng đạo diễn: Nguyễn Cường).

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 'Tôi có đến hàng trăm sáng tác chưa thành được tác phẩm'

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: 'Tôi có đến hàng trăm sáng tác chưa thành được tác phẩm'

Nhạc sĩ Nguyễn Cường tâm sự có nhiều sáng tác của ông bị "xếp xó" đến vài chục năm chỉ vì không tìm được ca sĩ phù hợp.

Gần nửa thế kỷ qua, đã có ít nhất 5 dự án muốn đưa sử thi Bài ca chàng Dam Săn (phiên âm tiếng Ê-đê: Klei khan Y Dam-săn) lên sân khấu, nhưng đây là lần đầu tiên thành hiện thực.

Nếu không chuyển thể, thì cách của nhạc sĩ Nguyễn Cường và các ê-kíp là gì khi dựng vở ca kịch này? Ông có cuộc trò chuyện cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trước đêm công diễn.

* Thưa ông, sử thi Bài ca chàng Dam Săn đồ sộ như thế, cách chuyển thể của ông và ê-kíp là như thế nào?

- Nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này, nhưng đây là một câu hỏi sai.

* Tại sao sai, thưa ông?

- Tôi không bao giờ dám ảo tưởng về việc chuyển thể sử thi Dam Săn. Tôi đã từng thất bại trong chuyện này mấy lần, nên sẽ không lặp lại nữa. Số là, năm 1987, tôi và nhà biên kịch Lưu Quang Vũ được giao chuyển soạn sử thi này, sau mấy tháng làm việc ròng rã, tôi thấy kịch bản nó nặng lý trí quá, nên muốn Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thu xếp các buổi họp để chỉnh sửa. Nhưng sau các buổi họp đó, việc chỉnh sửa cũng chưa thành, cho đến khi Lưu Quang Vũ qua đời, thì dừng lại. Lần này chúng tôi chỉ lấy hồn cốt của câu chuyện, bám vào khát vọng của anh hùng Dam Săn mà viết nên vở nhạc kịch này.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Cách đây chừng hơn 10 năm, tôi cũng đã từng nhận 2 chương kịch bản của một nhà thơ nổi tiếng, viết về Dam Săn, để viết nhạc và dàn dựng. Nhưng rồi tôi cũng thất bại, do thấy kịch bản ấy chưa hợp tạng với mình. Đến khi gặp kịch bản của Hồng Hoa, tôi thấy mọi việc cứ suôn sẻ một cách lạ thường, đặc biệt ở khía cạnh cảm xúc, nó cứ tuôn chảy tự nhiên. Tôi mang dự án này lên Đắk Lắk, càng may mắn hơn, được tỉnh chia sẻ và thông qua, thế là đưa vào sản xuất.

Hơn 6 tháng qua tôi chưa về Hà Nội là vì muốn tập trung làm cho xong vở này, hôm nay đã xong, thấy thật may mắn và sảng khoái. Phần còn lại của vở là sáng đèn và chờ sự hồi đáp của khán giả.

* Vở ca kịch thì phần ca và âm nhạc rất quan trọng. Trong vở này, ông xử lý âm nhạc thế nào?

- Opera là thể loại đỉnh cao của âm nhạc, không phải muốn là làm được, vì ngoài bản thân nhạc sĩ, thì cần hội tụ rất nhiều yếu tố hàn lâm khác, từ dàn nhạc giao hưởng, vũ đạo, nghệ sĩ biểu diễn, cho tới công chúng. Cần có nhiều đòi hỏi lớn về kinh phí, nhân lực, vật lực thì mới có thể làm được tương đối trọn vẹn.

Chúng tôi dựng vở ca kịch này tại Buôn Ma Thuột, lấy đâu ra dàn nhạc giao hưởng và các yêu cầu hàn lâm khác, nên phải chọn cách thích ứng với thực tế. Chưa nói, với văn hóa Ê Đê, nhạc giao hưởng chưa hẳn đã phù hợp hoàn toàn. Cho nên, bên cạnh phần nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Minh Đạo hòa âm trên máy, thu âm phần hợp xướng, thì phần nhạc truyền thống dân tộc tôi làm riêng. Sự kết hợp này bảo đảm vở diễn có được một phần của không khí ca kịch, một phần của đặc trưng âm nhạc Ê Đê.

Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để Khát vọng Dam Săn được diễn nhiều lần, thậm chí ở nhiều nơi, được khán giả yêu thích, các aria sẽ đi vào đời sống như một câu hát, một bài bát độc lập. Chính vì vậy, chúng tôi không thể nào viết một vở ca kịch y như bài bản hàn lâm, để diễn 1-2 suất rồi cất kho, vì sẽ không có khán giả thưởng thức. Tôi viết 5 aria cho 5 nhân vật quan trọng trước, từ đây tôi phát triển âm nhạc cho cả vở. Về mặt chuyên môn, cách làm của chúng tôi cũng khá thường thấy trong lịch sử ca kịch.

Chú thích ảnh
NSƯT Y Joel Knul vào vai Dam Săn

* Tuy không phải là chuyển thể, nhưng khi đọc lại “Bài ca chàng Dam Săn”, ông thấy khát vọng và thông điệp nào của sử thi này có thể áp dụng vào cuộc sống hôm nay?

- Từ xa xưa, khi đối diện với mặt trời, loài người thường có 3 ứng xử thường thấy. Đầu tiên là chọn van nài, cầu xin. Kế đến là muốn chống lại, muốn bắn rớt. Cuối cùng là ăn cắp lửa hoặc đánh lừa.

Người Ê Đê không chọn 3 cách này, mà chọn giao hòa, chung sống với mặt trời, cũng là một biểu tượng cho thiên nhiên. Ngày nay, sau những năm tháng tàn phá thiên nhiên, những con người tiến bộ đang ngộ ra rằng không có thiên nhiên thì cuộc sống sẽ vô nghĩa, sẽ bị hủy diệt, nên họ đề xuất sống giao hòa với thiên nhiên trở lại, bảo vệ rừng và động vật hoang dã, trồng cây xanh… Tinh thần này chẳng phải đã có sẵn trong sử thi Bài ca chàng Dam Săn đó sao?!

* Ông lên Tây Nguyên từ đầu thập niên 1980, đã có những hợp xướng và ca khúc thành công từ vùng đất này. Nay qua ca kịch này, ông muốn nói gì với chính mình và với vùng đất này?

- Tôi có nằm mơ cũng không dám nghĩ rằng mình còn đủ thời gian và cơ duyên để làm một vở ca kịch về Dam Săn. Ai đến Tây Nguyên cũng sẽ có ám ảnh về hình tượng Dam Săn, bản thân tôi cũng đã có các ca khúc khai thác thành công hình tượng này, nhưng một vở ca kịch thì hoàn toàn khác. Xin cảm ơn đất mẹ Tây Nguyên, văn hóa Ê Đê đã dạy cho tôi biết thế nào là tinh thần âm nhạc bản lĩnh, khát vọng, sự hy sinh của một anh hùng thời cổ đại. Sự hy sinh ấy luôn hồi sinh để giúp cộng đồng sống hòa hợp, vững bước đi về phía trước.

Về mặt kịch bản, nhà biên kịch Hồng Hoa đã sáng tạo ra nhiều tình tiết mới, ví dụ để cho nữ thần mặt trời yêu Dam Săn; hoặc để cho Dam Săn trở về với gia đình, thay vì chết trong đầm lầy tăm tối. 2 tình tiết phái sinh này phần nào diễn đạt rõ ràng hơn cách thế sống hòa hợp với thiên nhiên của người Ê Đê nói riêng và của những con người tiến bộ nói chung.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ca kịch gồm 5 chương

Chương 1 mở màn với cảnh đám cưới của Dam Săn và H’Nhí. Chương 2 là cảnh xử tội Mtao Msei, mở rộng buôn làng thành hùng mạnh nhất. Chương 3 là nỗi khát khao có được Dam Săn của nữ thần mặt trời, khiến buôn làng bị chìm vào bóng tối. Chương 4 là hành trình gian lao của Dam Săn lên gặp nữ thần mặt trời, lấy ánh sáng nhiệm màu mang về cho dân làng. Chương 5 là ánh sáng Cao Nguyên, nơi khát vọng của Dam Săn được lan tỏa khắp núi rừng.

Có thể thấy, phần phái sinh của kịch bản này chủ yếu rơi vào 2 chương cuối, còn 3 chương đầu bám khá căn bản vào sử thi gốc Bài ca chàng Dam Săn.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm