Nhạc sĩ Quốc Bảo: Một vòng tròn của 'xinh - trầm - ngoan'

01/07/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tập ca từ Những lời bình yên vừa phát hành, tuyển chọn ca từ 100 ca khúc của nhạc sĩ Quốc Bảo từ đầu thập niên 1990 đến nay. Dù Quốc Bảo cho biết đây không phải là một tập thơ, nhưng với những độc giả không bị lệ thuộc vào giai điệu của ca khúc thì có thể đọc nhiều bài như thơ. Quốc Bảo đã viết khoảng 1.000 ca khúc, ưu điểm của nhạc sĩ này là khả năng khai thác vẻ đẹp, chất thơ của tiếng Việt.

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Gắn với Sài Gòn như hơi thở

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Gắn với Sài Gòn như hơi thở

Quốc Bảo – nhạc sĩ từng viết bao tình khúc làm say đắm lòng người – cũng là tay máy có niềm đam mê chụp lại những gương mặt thân quen hay từng góc phố hoài niệm với hai màu đen trắng.

1. “Tôi chọn đa số các bài hát đã phổ biến, hoặc sắp được ghi âm, phần còn lại là những bài chưa ghi âm nhưng văn bản của nó có thể tồn tại độc lập được. Tôi đưa tập ca từ này ra không nhằm điều gì khác ngoài việc đề nghị những mối quan hệ liên văn bản (văn bản dẫn ra những đường dẫn của bản ghi âm mà độc giả đã nghe từ trước đó), để từ liên kết đó, độc giả có thêm những cảm xúc mới” - Quốc Bảo cho biết.

Chú thích ảnh
Tập ca từ “Những lời bình yên” vừa phát hành

Quốc Bảo cũng cho biết anh không gặp khó khăn gì khi tuyển lựa, vì bản thảo được làm xong trong một buổi chiều. Anh nói: “Soạn lời hát, với tôi, là công việc sau cùng, thực hiện khi mọi thành tố của một nhạc phẩm đã được đặt đúng vị trí, chỉ còn chờ người đến ca. Để người đến ca hài lòng (và đôi lúc, hạnh phúc), tôi đã đặt lời. Những lời viết ra ở dòng phụ tờ giấy nhạc, trên mảnh giấy bạc bao thuốc lá, mặt sau một trang ghi chú, thường được viết rất nhanh - có khi chỉ đúng bằng thời lượng bản ghi âm nháp mà tôi yêu cầu bật lên ở phòng thu”.

Năm 1992, Quốc Bảo nổi lên cùng Em về tinh khôi, với các ca từ rất thơ như: “bờ vai ơi đừng quá nghiêng nghiêng/ đánh rơi buổi chiều thơm ngát/ làn môi ơi đừng quá run run/ lỡ tia nắng hồng tan mất/ xin âu lo không về qua đây/ xin thương yêu dâng thành mê say/ xin cho ta nhìn ngắm lung linh/ từ đáy đôi mắt rất trong…”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Quốc Bảo tại buổi ra mắt sách mới đây

Trong hơn một thập niên sau đó các ca khúc của anh làm nên tên tuổi nhiều ca sĩ, được nhiều khán giả yêu thích. Anh cũng được gắn mác với khái niệm “xinh - trầm - ngoan”, nghĩa là các ca khúc được ưu thích thường đề cập đến xinh, hoặc trầm, hoặc ngoan, đôi khi còn có cả ba.

2. Bước vào thế kỷ 21, Quốc Bảo chuyển biến mạnh, đôi khi rời xa “xinh - trầm - ngoan”, đôi khi quằn quại, đôi khi vui tươi. Anh làm album gothic rock Thủy Tiên cho ca sĩ Thủy Tiên (phát hành năm 2006), viết nhạc dance để Ngô Thanh Vân làm album Studio ’68 (2008) và đã để lại ấn tượng đối với công chúng.

Chú thích ảnh

Khoảng 5-7 năm trở lại đây, khi làm việc với hai ca sĩ trẻ Nguyên Hà và June Nguyễn, ca khúc của Quốc Bảo “xinh - trầm - ngoan” trở lại. Những ca khúc cuối tập Những lời bình yên như Nhớ mang em về, Cũng có khi yêu đời, Tình yêu như giọt nước rơi, Chín bài ru ngày mưa bão… thể hiện rõ sự trở lại này. Tất nhiên “xinh - trầm - ngoan” ở giai đoạn này điềm nhiên hơn, ngay khi đối diện tan vỡ, đau khổ cũng điềm nhiên. Ví dụ như đoạn cuối ca khúc Bài đồng dao của ngày: “… một giấc một giấc thôi/ một giấc trăm năm/ một nắm tung hết bụi vào gió xa xăm/ từ tiếng đàn đứt ngang trận mưa rào chứa chan/ tẩy xóa những lỗi sai của đời/ thì thế chớp mắt thôi một đời”.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Quốc Bảo ký tặng sách

Đây cũng là bài mà Quốc Bảo chọn kết thúc cuốn sách, như vừa khép lại và vừa mở ra một vòng tròn của “xinh - trầm - ngoan”.

Hỏi nhạc sĩ Quốc Bảo có bí kíp nào để ca từ giàu chất thơ như vậy? Anh trả lời: “Đầu tiên chắc chắn phải yêu tiếng Việt và yêu thơ đúng mức thì tiếng Việt và thơ mới yêu quý mình. Nếu được, ngoài tiếng Việt, cũng nên nghiền ngẫm một hai ngôn ngữ khác, thông qua việc đọc hiểu hoặc dịch thầm đó, chắc chắn tiếng Việt sẽ được bổ túc để đa dạng, long lanh hơn”.

Hơn nữa, ngoài viết ca khúc, Quốc Bảo còn viết báo về âm nhạc, về lối sống và văn hóa nghệ thuật, nên ngòi bút có thêm dịp đào luyện. Anh cũng đã xuất bản các sách như Mặt (2005), Những ghi chép vụn (2008), Thị dân (2010), Những cái tên những mặt người (2012), Cuốn sổ trắng (2015), 50 (2017), Sài Gòn của tôi (2018), Tâm (2019), Những lời bình yên (2019)… chứng tỏ rõ sự yêu mến tiếng Việt.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm