29/05/2018 10:08 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Định cư tại Pháp, nhạc sĩ Thu Trang từng được dư luận biết tới cách đây hai năm, khi ca khúc Điều em muốn nói của cô từng bị "hot girl cover" Trần Hà My (nghệ danh Mờ Naive) mạo nhận là tác giả....
Còn bây giờ, sau khi trở về nước làm đạo diễn chương trình âm nhạc The world as one - Thế giới như một vào cuối tháng trước, Trang lại đang chuẩn bị một dự án khác: đưa một số em nhỏ Việt Nam, cũng như trẻ em gốc Việt tại Pháp tới biểu diễn tại Lễ hội Âm nhạc Pháp vào ngày 21/6 tới.
"Mỗi năm tôi đều dành 4 tháng để về Việt Nam làm việc, trong đó tổ chức hoà nhạc là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Ngoài ra, tôi cũng đang cố gắng mang những giai điệu đẹp đẽ của âm nhạc Việt Nam bay qua biên giới và được giới thiệu rộng rãi với bạn bè 5 châu. Lễ hội Âm nhạc Pháp sắp tới chính là bước đệm đầu tiên để tôi hiện thực hóa mong ước của mình" – Thu Trang chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN)
* Ngoài những sự kiện âm nhạc được tổ chức ở trong nước và làm "cầu nối" để giới thiệu âm nhạc Việt ra với bạn bè 5 châu như Trang nói, được biết chị còn đang mày mò xây dựng một giáo trình cảm thụ âm nhạc cho các em thiếu nhi, nhưng là cho thiếu nhi gốc Việt ở Pháp hay Việt Nam?
- Trong hơn 10 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, tôi thấy trẻ em Việt kiều rất thiếu thốn các hoạt động văn hoá nghệ thuật để giúp gợi nhớ về quê hương, nguồn cội của mình.
Làm cách nào để các con yêu tiếng Việt, nói tiếng Việt, hiểu biết về đất nước Việt Nam và trân trọng, yêu thương gốc gác? Đó không chỉ là câu hỏi lớn đối với tôi mà còn là vấn đề chung của tất cả những gia đình gốc Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.
Sau nhiều năm ấp ủ, tôi cùng một bạn đồng nghiệp đã quyết định đặt bút viết một chương trình Giáo dục nghệ thuật sớm dành riêng cho trẻ em gốc Việt sống ở nước ngoài, dùng cho lứa tuổi từ 2 đến 6, chia theo 4 trình độ.
* Thể loại âm nhạc Việt Nam mà Trang đưa vào giáo trình gồm những gì?
- Mục đích của chương trình này là giúp trẻ em cảm thụ âm nhạc và phát triển năng khiếu nghệ thuật từ lứa tuổi mầm non, thông qua chất liệu là âm nhạc Việt Nam (chiếm 40 - 50% số lượng tác phẩm). Tôi sử dụng rất nhiều bài hát trong kho tàng nhạc thiếu nhi Việt Nam, bằng tiếng Việt hoặc đã được viết thêm lời Anh, lời Pháp, để giúp các con dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận ngôn ngữ ban đầu. Tôi cũng đưa vào các bài đồng dao, dân ca, các bài hát ru… bên cạnh các bài hát tiếng Anh và tiếng Pháp quen thuộc mà các bạn nhỏ được học ở trường.
Để một bộ giáo trình chính thức được ứng dụng sẽ cần rất nhiều thời gian chạy thử và chỉnh sửa cho phù hợp. Nhưng tôi tin tưởng vào những nỗ lực của mình, và tin là những bạn nhỏ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài như con tôi sẽ được gieo trồng, vun xới tình yêu với âm nhạc và văn hoá Việt Nam.
* Ngoài những việc trên, ở Pháp, Trang còn "hướng về Việt Nam" bằng những hoạt động gì?
- Tôi đã thành lập một Trung tâm nghệ thuật tại Pháp để triển khai các khóa học về âm nhạc và nghệ thuật dân gian Việt Nam cho các bạn nhỏ người Pháp gốc Việt, Việt kiều và bất cứ ai yêu mến văn hoá Việt.
Tất cả các môn học về cảm thụ âm nhạc, múa dân gian và hiện đại hay các workshop về khám phá văn hoá Việt đều được biên soạn giáo trình đầy đủ, hoàn chỉnh bởi các chuyên gia trong từng lĩnh vực. Tôi đã mất rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị cho dự án này và tôi tin đây sẽ trở thành một nơi giúp người Việt tại Pháp, nhất là trẻ em, vun xới và phát triển tình yêu, kiến thức và hiểu biết về văn hoá cội nguồn quê hương.
* Hẳn Trang đang rất kỳ vọng vào những gì mình đang và sẽ làm?
- Trong thời gian tới, tôi cũng hợp tác với một số kênh âm nhạc thiếu nhi ở Việt Nam để giúp giới thiệu âm nhạc thiếu nhi Việt Nam tới cộng đồng trẻ em Việt kiều tại Pháp nói riêng và trên thế giới nói chung.
Trẻ em Việt kiều sẽ được học âm nhạc Việt Nam một cách bài bản, có cơ hội để hát các ca khúc Việt Nam cũng như xuât hiện trên các kênh âm nhạc, giúp lan toả nhạc thiếu nhi Việt Nam tới thế giới.
Tôi hy vọng đóng góp được một chút công sức nhỏ bé giúp cho kho tàng nhạc thiếu nhi Việt Nam không bị bỏ phí, nhạc thiếu nhi sẽ có cơ hội để phát triển và các nhạc sĩ sẽ có thêm động lực để sáng tác ca khúc thiếu nhi.
* Cám ơn Trang về cuộc trò chuyện
"Chỉ khi yêu âm nhạc Việt Nam, trẻ em mới tự nguyện học và tiếp xúc với tiếng Việt thông qua âm nhạc. Khi tiếng mẹ đẻ được gìn giữ, sợi dây kết nối với văn hoá quê hương mới trở nên bền vững hơn bao giờ hết" – nhạc sĩ Thu Trang. |
Huy Phạm (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất