31/03/2020 08:29 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trong bối cảnh truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình Việt Nam đang chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại, việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình của Hà Nội đang dần định hình những chuẩn mực ứng xử văn minh, tạo nề nếp để gia đình luôn bền vững, êm ấm. Đây cũng là cơ sở để Hà Nội nhân rộng Bộ tiêu chí ứng xử này đến nhiều địa bàn dân cư nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến các gia đình.
Lan tỏa chuẩn mực đạo đức
Gia đình ông Nguyễn Đình Thoa và bà Trần Thị Thu, tổ 4, ngách 97/16 phố Khương Trung, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) được chọn là một trong 300 gia đình của phường triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trên. Từ khi triển khai, ông bà và các con cháu càng cảm thấy trách nhiệm hơn trong việc ứng xử với nhau. Ông bà mẫu mực, con cháu lễ phép, trên kính dưới nhường, cùng biết chia sẻ, thấu hiểu. Ông bà đã nghỉ hưu nên luôn giúp con cháu những việc trong gia đình để con cháu yên tâm công tác, học tập.
Vì vậy, cả con trai, con dâu và các cháu càng quý trọng, biết ơn ông bà. Cả ba thế hệ sống trong cùng một gia đình nhưng dường như không xảy ra mâu thuẫn, bất đồng bởi lẽ quan điểm của các thành viên trong gia đình là giải quyết bằng cách nhường nhịn nhau, trước khi xảy ra mâu thuẫn căng thẳng.
“Phụ nữ là người gánh vác trách nhiệm làm cho gia đình êm ấm, nói cách khác là người biết giữ lửa gia đình”, bà Trần Thị Thu chia sẻ. Bà con khu phố chưa khi nào thấy gia đình ông bà lớn tiếng, gia đình ông bà được coi là mẫu mực trong cách sống, cách ứng xử với nhau.
Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Nguyễn Anh Chiến cho biết, để triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phường đã lựa chọn các gia đình trong hai tổ dân phố số 4 và 14. Đó là địa bàn dân cư, tổ dân phố có sự tương đồng về ý thức, nhận thức. Qua hơn nửa năm triển khai, Bộ tiêu chí đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình thông qua chuẩn mực đạo đức, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Những thành viên trong các gia đình đã thay đổi về nhận thức, có sự điều chỉnh về hành động, cách ứng xử với nhau, góp phần tạo sự bền vững, hạnh phúc trong mỗi gia đình.
Bên cạnh việc triển khai thí điểm tại phường Khương Trung, nơi mang đặc trưng của văn hóa đô thị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội triển khai tại xã Phú Cường (huyện Ba Vì) - nơi mang đặc trưng văn hóa nông thôn. Các hộ gia đình đăng ký theo từng tiêu chí: Ứng xử vợ chồng; ứng xử cha mẹ với con, ông bà với cháu; ứng xử con với cha mẹ, cháu với ông bà; ứng xử của anh, chị, em. Các hộ gia đình ở hai địa phương được lựa chọn đã ký cam kết, tham gia buổi sinh hoạt chuyên đề do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng chính quyền xã, phường tổ chức.
Địa phương cũng tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên hệ thống truyền thanh, tuyên truyền cổ động trực quan. Nhìn chung, công tác tuyên truyền phong phú, cụ thể, phù hợp với các nhóm đối tượng, độ tuổi, tâm lý, sở thích, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình bền vững, văn minh.
Nhân rộng các mô hình
Qua hơn nửa năm triển khai, Bộ tiêu chí trên đã nhận được sự hưởng ứng của 600 gia đình ở Hà Nội và sự đánh giá cao của các địa phương. Đây là cơ sở để thành phố nhân rộng việc thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian tới, góp phần tôn vinh, lan tỏa các chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Nguyễn Anh Chiến đánh giá cao hiệu quả của Bộ tiêu chí này, đồng thời mong muốn nhân rộng đến nhiều địa bàn dân cư. Phường tiếp tục tuyên truyền về Bộ tiêu chí này đến đông đảo nhân dân để đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, cơ quan này đã xây dựng kế hoạch nhân rộng bộ tiêu chí ở một vài địa phương trong năm 2020, làm cơ sở báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Hà Nội tổng kết, đánh giá, từ đó lan tỏa tiêu chí ứng xử trong gia đình thời gian tới.
Trong năm 2020, thành phố Hà Nội có thêm 5 xã, phường, thị trấn được chọn lựa để triển khai Bộ tiêu chí này, gắn với nâng cao chất lượng bình xét các danh hiệu văn hóa và thực hiện hai Quy tắc ứng xử của thành phố. Các công việc sẽ được triển khai như: tổ chức lễ phát động đăng ký thực hiện bộ tiêu chí, tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu với chuyên gia cũng như có nhiều hình thức động viên, khen thưởng khác..., từ đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động đối với tầm quan trọng của công tác gia đình ở địa phương.
Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ ở cơ sở, tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế hoạt động công tác gia đình, làm điểm tựa thúc đẩy thi đua thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giữa các địa phương.
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn chăm lo đến công tác gia đình. Hàng năm, ngành Văn hóa thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Việc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trên đã góp phần củng cố, phát huy các mối quan hệ, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, để mỗi gia đình người Thủ đô thêm bền vững, hạnh phúc.
Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất