14/05/2018 07:32 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vừa qua, tại salon văn hóa Cà phê thứ 7 (38 Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM), nhiếp ảnh gia, nhà “điểu học” Tăng A Pẩu đã có một cuộc giao lưu với những người yêu nhiếp ảnh cũng như yêu môi trường tự nhiên.
Nhiều người nói A Pẩu là một kẻ lang thang trong rừng. Điều ấy cũng không sai bởi hơn nửa đời của mình, một tuần ông dành 2 đến 3 ngày ở những cánh rừng trải dài từ Nam chí Bắc.
Mê rừng từ những tác phẩm văn chương
Sinh năm 1959, gốc ở Bình Thuận, đến nay sắp tròn 60 tuổi, nhưng gặp ông ngoài đời thực, không ai có thể tưởng tượng mới cách đây dăm ba hôm ông đã leo bộ lên những ngọn núi ở độ cao hơn 2.000 mét.
Nước da ngăm đen vì nắng mưa, giọng nói khoẻ pha chút hài hước sâu cay. Khi được hỏi tình yêu rừng, yêu chim đến từ đâu thì ông từ tốn kể về sự khơi gợi ở những tác phẩm văn chương về rừng mà ông từng đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường như Đường rừng của Lan Khai, Nhớ rừng của Thế Lữ... Những tác phẩm này đã kích thích trí tò mò và tưởng tượng trong ông.
Sau năm 1975, bước vào đại học, ông chọn ngành lâm nghiệp. Thế hệ ông là thế hệ sinh viên đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất vào rừng để vẽ bản đồ. Ông còn nhớ rất rõ về khu rừng đầu tiên mà ông đến là rừng Mã Đà, nay thuộc Trị An. Sau đó ra trường ông không chọn ngành lâm nghiệp mà bỏ ngang đi làm việc khác. Bởi thế vài chục năm sau đó, có dịp quay lại rừng ông đã vô cùng ngạc nhiên vì sự biến mất của những khu rừng ông từng đến. Chụp ảnh về rừng là cách ông giữ lại cho bản thân những ký ức đẹp về nơi mà ông gắn tuổi thanh xuân của mình vào đó.
Chụp hình để lên tiếng... kêu cứu!
Ngoài triển lãm Chim rừng mùa kết bạn (Nhà văn hoá Thanh niên, 2015), nhiều người biết ông qua những triển lãm chính thức và không chính thức về chim rừng hiếm gặp ở nước ta. Nhưng ít ai biết, chụp những bức ảnh độc về chim chỉ là cách cuối cùng sau khi ông đã thám hoa, thưởng cảnh thiên nhiên. Ông nói: “Chụp ảnh các loài chim không phải là nghề mà đó là niềm vui không ngờ và vô tận của đời tôi”.
Quả đúng là không ngờ bởi đến gần tuổi 50, ông mới vác máy theo đuổi những sinh vật biết bay trong tự nhiên. Tuy đến với nhiếp ảnh muộn như vậy nhưng kể ra thành quả ông đạt được sau 13 năm vác máy lội rừng không phải là nhỏ. Chuyên gia khoa học về chim tự nhiên Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Ở Việt Nam có khoảng hơn 900 loài chim, trong đó chụp được khoảng 300 loài là khá phổ biến, còn chụp được 500 thì khá hiếm”. Tăng A Pẩu thuộc loại khá hiếm này, tính đến nay ông đã chụp được hơn 500 loài.
Ông cho biết, mỗi bức ảnh mà ông chụp những loài chim quý sau khi nhìn lại ông đều rưng rưng xúc động. Bởi có khi lội bộ 3 ngày ở đỉnh đỉnh Fansipan ông chỉ chụp được đúng 3 con chim quý hay khi leo lên đỉnh Ngọc Linh ông cũng chỉ chụp được 2 con khứu thuộc loại đặc hữu Đông Dương mà phải hơn 6 năm tìm kiếm ông mới có duyên gặp nó.
Chia sẻ về những bức ảnh chân dung các loài chim, Tăng A Pẩu không giấu được nỗi lo âu và trăn trở của mình về sự tuyệt chủng một cách nhanh chóng của loài chim nói riêng và của các loài động vật hoang dã nói chung ở Việt Nam.
Theo ông, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn tuyệt chủng này chính là nạn phá rừng, huỷ hoại sinh cảnh của các loài động vật với tốc độ chóng mặt ở nước ta. Kèm theo đó là nạn săn bắt và buôn bán trái phép các loài chim quý hiếm.
Có một chi tiết làm nhiều người giật mình đó là để phá rừng người ta thường khai vào giấy tờ đó là những vùng chỉ có trảng tre. Nhưng theo ông Pẩu, chính trong những trảng trẻ mới là nơi đa dạng nhất và là nơi cư ngụ của nhiều loại chim hiếm, đặc hữu ở Việt Nam hiện nay.
Ông cũng cho biết thêm, nhiều bức hình của ông được yêu thích bởi chúng đẹp và lạ chứ bản thân ông không có ý theo đuổi nghệ thuật chụp động vật hoang dã.
Trong những bức tranh treo quanh không gian buổi giao lưu ở Cà phê thứ 7, có nhiều bức làm người xem không khỏi đau lòng, như bức ảnh những chú khỉ hiếm bị nhốt trong lồng bán ngoài phố, những con lợn rừng bị thương vì dính bẫy, trúng đạn... Chúng được treo ở đó như một cách mà Tăng A Pẩu muốn góp tiếng nói kêu cứu cho rừng, cho sự biến mất rõ mồn một của rừng tự nhiên Việt Nam.
Văn Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất