Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 2): Phát triển công nghiệp văn hóa và xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa

31/01/2020 19:16 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Thực hiện Nghị quyết 33, nhằm xây dựng công nghiệp văn hóa thành các ngành công nghiệp - kinh tế quan trọng, Bộ VH,TT&DL đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vào tháng 9/2016. Trong đó, khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 1): Bước chuyển quan trọng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 33 (kỳ 1): Bước chuyển quan trọng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam

Ngày 9/6/2014, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ra đời. Mục tiêu cao nhất của Nghị quyết là nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học…

Thực tế, từ rất lâu trước đó, nhiều chuyên gia đã nhắc tới việc Việt Nam sở hữu một tiềm năng đặc biệt để phát triển công nghiệp văn hóa - mô hình đang ngày càng được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Những tiềm năng ấy nằm ở nguồn tài nguyên văn hóa đặc biệt đã hình thành tại Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, cũng như ở những tố chất riêng mà người Việt Nam sở hữu.

Phát huy giá trị từ “mỏ vàng” văn hóa

Nhưng, để biến những tiềm năng ấy thành một ngành công nghiệp thật sự đem lại giá trị kinh tế thông qua sản phẩm và dịch vụ, thực tế đòi hỏi những cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho các lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, cũng cần phải đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ, sản phẩm văn hóa lành mạnh.

Chú thích ảnh
Trong năm 2019, lượng khách quốc tế tới Việt Nam đã đạt cột mốc 18 triệu lượt khách. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu chủ yếu của Chiến lược là đến năm 2020 “Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”. Và, để hiện thực hóa điều này, có 7 bộ, ngành và 51/63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Chiến lược.

Với vai trò cơ quan chủ trì thực hiện Chiến lược, Bộ VH,TT&DL đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều nghị định, quy định, đồng thời từng bước sửa đổi, hoàn thiện nhiều vấn đề liên quan tới Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Luật Du lịch, Luật Quảng cáo, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh...

Ở cấp độ địa phương, theo các báo cáo của ngành văn hóa, hầu hết các tỉnh, thành đều ban hành kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tính đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, công tác phổ biến, quán triệt, theo dõi, kiểm tra thực hiện kế hoạch của địa phương triển khai Quyết định số 1755/QĐTTg được đẩy mạnh, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho văn hóa.

Chú thích ảnh
Khách du lịch quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Các giải pháp toàn diện

Việc triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có thể thấy rõ nhất ở 5 nhóm ngành do Bộ VH,TT&DL chủ trì.

Ở lĩnh vực du lịch, Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh vai trò của phát triển du lịch văn hóa trong cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Theo đó, việc kết hợp khai thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng, tăng tính hấp dẫn, đặc sắc cho các dòng sản phẩm du lịch khác.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ VH,TT&DL giao các đơn vị liên quan tổ chức và duy trì Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội. Mỗi năm 1 lần, kỳ liên hoan này thu hút sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là cơ hội lớn để Việt Nam giới thiệu các tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình đến với nền điện ảnh thế giới. Bênh cạnh đó, các đơn vị điện ảnh ngoài công lập được khuyến khích phát huy thế mạnh về đầu tư trang thiết bị hiện đại và nguồn phim nhập khẩu trực tiếp nên sớm thu hút và đáp ứng nhu cầu của hầu hết khán giả.

Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các đoàn nghệ thuật Nhà nước, các doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật được khuyến khích thành lập; trong đó có sự ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật truyền thống, tổ chức sự kiện. Từ sự khuyến khích này, nhiều hoạt động kinh doanh biểu diễn nghệ thuật đã phát huy hiệu quả, vừa giải quyết công ăn việc làm cho các nghệ sĩ, diễn viên, vừa tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.

Đặc biệt, về yếu tố con người, thông qua nguồn ngân sách Nhà nước, cơ quan quản lý này hàng năm đều tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tài trợ, đặt hàng, tổ chức các cuộc thi, triển lãm, hội chợ, lễ hội... để phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, với các đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, Bộ VH,TT&DL còn chỉ đạo, tổ chức tuyển chọn đào tạo tài năng ở nước ngoài các ngành, chuyên ngành nghệ thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, múa, xiếc, văn hóa bằng ngân sách Nhà nước để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chú thích ảnh
Lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được tổ chức vào ngày 13/12/2019. Ảnh: TTXVN

Những “quả ngọt” đầu tiên

Thực tế, việc phát triển công nghiệp văn hóa không thể là một sớm một chiều tại Việt Nam, nơi còn có khá nhiều hạn chế về nhân lực, kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, kết quả đạt được cũng khiến chúng ta thấy vững tâm và bị thuyết phục từ những gì đang thực hiện.

Trong đó, điểm sáng dễ thấy nhất nằm ở góc độ du lịch - khi du lịch văn hóa là một trong 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo của Việt Nam. Nhờ thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa mà yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch ngày càng được chú trọng. Bên cạnh đó, việc kết hợp khai thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng, tăng tính hấp dẫn, đặc sắc cho các dòng sản phẩm du lịch khác.

Theo báo cáo của các cơ quan văn hóa, nhiều địa địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới, đặc trưng của địa phương được xây dựng song song với việc giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc thù để thu hút khách du lịch và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Sự tăng trưởng của lượng khách du lịch tới Việt Nam là điều có thể thấy rõ nhất từ chiến lược này. Cụ thể, nếu năm 2017, Việt Nam có gần 13 triệu lượt khách quốc tế, và 73,2 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng thu gần 511.000 tỷ đồng thì năm 2018, chúng ta đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Và tới năm 2019, là 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa và đạt tổng thu 720.000 tỷ đồng.

Ở một góc độ khác, trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2017, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.228 tỷ đồng (tương đương khoảng 140 triệu USD). Năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỷ đồng (tương đương khoảng 145 triệu USD). Và dự kiến, tới năm 2020 ngành điện ảnh có thể đạt mức 150 triệu USD như mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

Đặc biệt, trong năm 2019, một sự kiện quan trọng diễn ra trong sự hân hoan của dư luận: Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, tham gia quá trình thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố trong Mạng lưới với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững.

Như phân tích của các chuyên gia, với tầm nhìn và thương hiệu của một thành phố sáng tạo, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn phát triển bền vững. Và, với việc tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thành phố Hà Nội cũng là đại diện cho một Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa để từng bước nâng cao vị thế và nội lực của mình.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gắn với 12 ngành công nghiệp gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.

Riêng Bộ VH,TT& DL được giao triển khai, thực hiện 5 ngành là điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm