20/04/2021 08:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng viết vở kịch Người trong cõi nhớ với thông điệp rằng, người chết chỉ thực sự mất đi khi không còn được nhớ tới. Trong ký ức, trong tâm tưởng của người đương thời, có lẽ cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vẫn sẽ sống mãi, vẫn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay bằng nhiều cách khác nhau. Và Sẽ Sẽ Chứ 2021 là một cách…
1. Se Sẽ Chứ 2021 – tuần thơ tưởng nhớ cặp đôi tài hoa Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh được tổ chức thường niên đúng tuần sinh nhật của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (17/4) với 11 điểm thơ vừa kết thúc tuần qua. Có lẽ, hiếm có văn nghệ sĩ nào được cộng đồng những người yêu mến tổ chức ra cả một tuần thơ như vậy tại nhiều không gian trên khắp cả nước.
Trong bài thơ Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa, nhà thơ Lưu Quang Vũ viết: “Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Xóa nhòa hết những điều em hứa”. Nhưng, dù trời có mưa như trút nước trong ngày diễn ra Se Sẽ Chứ Phố Hoài (điểm thơ được tổ chức tại không gian nghệ thuật Phố Hoài Studio của nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường ở Từ Liêm, Hà Nội), những ký ức về Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh cũng chẳng thể nào bị “xóa nhòa hết” trong niềm thương, nỗi nhớ của những người cùng thời.
Là học trò của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (bố của Lưu Quang Vũ), nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát có một mối thân tình đặc biệt với nhà thơ Lưu Quang Vũ.
“Tôi biết Lưu Quang Vũ từ ngày anh có con trai đầu Lưu Minh Vũ mới sinh được 1 tháng. Tôi thân với Lưu Quang Vũ bởi anh coi tôi như em gái. Anh hơn tôi 1 tuổi. Biết tôi là học trò của bố, nên tập thơ nào in anh cũng tặng” – bà kể - “Khi dựng kịch, tôi hay được làm khán giả đầu tiên của anh bởi vẫn thường lẽo đẽo theo ông anh của mình xem dựng vở. Hồi đó, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi hay dựng vở của anh Vũ”.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát luôn cảm thấy may mắn khi được biết, được chứng kiến nhiều câu chuyện của nhà thơ Lưu Quang Vũ qua lời kể của thầy Lưu Quang Thuận sau mỗi lần hai thầy trò đi thực tế. “Thầy Lưu Quang Thuận cứ đi thực tế với tôi, đều kể chuyện của các con. Có lần, hai thầy trò đang đi thực tế ở nhà máy dệt Nam Định để lấy tài liệu, thầy Lưu Quang Thuận phải vội về nhà giải quyết việc gia đình liên quan đến anh Vũ và chị Quỳnh. Khi thầy Thuận về nhà đã có cách giải quyết rất nhân văn rằng: “Chúng nó yêu nhau cứ để chúng nó lấy nhau”. Từ đó, ổn định được gia đình” – nhà biên kịch Hồng Ngát kể thêm.
Thời gian nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát học ở Nga, nhà thơ Lưu Quang Vũ khi sang họp về sân khấu đều đến ký túc xá của “em gái” chơi: “Chúng tôi cũng thường đưa anh đi chơi khắp Moskva. Khi tốt nghiệp về nước, tôi đã thấy anh viết kịch có tiếng. Thời kỳ trước, anh Vũ rất vất vả chỉ có làm thơ và đi vẽ, nhưng sau khi anh sáng tác kịch bản được nhiều đoàn dựng, đời sống cũng khá lên”.
Như lời kể, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thân với gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ đến mức bà được nhà thơ Xuân Quỳnh “giao nhiệm vụ” lĩnh lương hưu của thầy Lưu Quang Thuận hàng tháng mang về giúp gia đình. Hay “khi xuống nhà, bữa cơm đạm bạc chỉ có đậu sốt cà chua nhưng anh Vũ, chị Quỳnh luôn giữ tôi ở lại ăn cơm cùng”..
2. Khác với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường không có kỉ niệm trực tiếp với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hay nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhưng trong ký ức, chủ nhân của Phố Hoài Studio vẫn cùng khóc, cùng cười, cùng sống, cùng trưởng thành trong đầy ắp những vần thơ, những vở kịch của Lưu Quang Vũ, của Xuân Quỳnh.
“Thời sinh viên, tôi vẫn thường chép tay những bài thơ của cả Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh vào sổ tay. Không chỉ tôi và rất nhiều những sinh viên thời bấy giờ cũng làm thế. Những bài thơ chép tay của chúng tôi cho đến khi ra nước ngoài vẫn được mang theo” – bà Trường kể - “Quãng thời gian đó, tên của 2 người được nhắc nhiều ở các trường Phổ thông, Đại học và ở cả những quán nước ven đường, những phòng ốc tiện nghi”.
“Mỗi câu thơ của họ, mỗi vở kịch của anh Lưu Quang Vũ được bàn tán sôi nổi trong nhiều năm. Chúng tôi cũng nói chuyện về cuộc sống của họ. Bởi thơ của họ vằng vặc trong cuộc sống như một ánh trăng rọi chiếu vào tất cả” – bà nói. Với nhà văn Trần Thị Trường những kỉ niệm đó “chẳng khác gì sự gặp mặt”. Tuy không gặp trực tiếp Lưu Quang Vũ hay Xuân Quỳnh nhưng “họ đã chiếm lĩnh tâm hồn” của rất nhiều người thuộc thế hệ những năm 70 - 80.
Thói quen đặc biệt “Khi công diễn vở mới trong những buổi đầu tiên lần nào cũng vậy, anh Vũ có thói quen luôn đứng ở phía cánh gà để nhìn xuống hàng ghế khán giả, nơi có những người thân yêu. Mẹ tôi biết được thói quen đó nên lúc nào cũng nhìn lên phía cánh gà để gật đầu chào, gật đầu cười như một cách thể hiện tình cảm đối với con trai. Sau này khi anh Vũ mất đi, mỗi lần đi xem lại những vở diễn của anh, tôi vẫn có thói quen nhìn lên hai bên cánh gà để nghĩ rằng anh đang có mặt trong khán phòng và chứng kiến những tình cảm của người thân , của khán giả” - Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, em gái Lưu Quang Vũ, kể lại. |
(còn tiếp)
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất