13/09/2021 19:21 GMT+7 | Văn hoá
LTS: Trong một vở diễn (kịch hoặc cải lương), thường có những lớp diễn hay, xuất thần, tinh tế, mà không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn có được. Nếu như kịch bản có “điểm nhấn” như thế để cho nghệ sĩ sáng tạo, dồn tâm lực của mình vào, thì nghệ sĩ sẽ tạo được những nét son đáng giá. Đôi khi những lớp diễn ấy giúp nghệ sĩ có luôn vai diễn để đời. Chúng tôi gọi những lớp diễn đắt giá đó là “khoảnh khắc đẹp”, làm nên giá trị của nhân vật và vở diễn. |
(lienminhbng.org) - Vở kịch Yêu là thoát tội do Nhà hát Thế Giới Trẻ sản xuất, chính xác hơn là do “bà bầu” NSND Hoàng Yến bỏ vốn ra đầu tư, đã gây ấn tượng rất mạnh về một cách làm kịch văn học - sử nghiêm túc và thẩm mỹ cao. Và nhân vật Thị Lan mà NSND Hoàng Yến đảm nhận đã có những bóc tách tâm lý tinh tế đẹp lung linh trong cái tăm tối của bi kịch Nguyễn Trãi.
1. Tác giả Lê Chí Trung là người đã viết không ít kịch bản sử, và ông thường không đi vào khía cạnh diễn biến chính trị, mà thích đào bới những ngõ ngách tâm hồn của các nhân vật, tìm trong đó những lời giải đáp cho bao nhiêu thăng trầm, bi hài, vinh quang và đau khổ. Cách đào bới, soi xét của ông lại lấy nhân văn làm chuẩn, lấy những nhịp đập của đời thường hòa vào thế sự quay cuồng, lấy trần tục hòa với lý tưởng cao siêu, lấy vui buồn rung cảm cụ thể hòa với nguyên tắc, khuôn phép khô khan…
Lê Chí Trung bật tan những nỗi đau mà người xưa chôn giấu, gạt những vàng son lộng lẫy qua một bên để lộ những bóng hình yếu đuối, cô đơn… Mỗi nhân vật lịch sử hiện lên trên sân khấu đều lung linh cả bóng lẫn hình, lung linh tượng đài lịch sử và lung linh cả phần bóng mờ phía sau để người hôm nay thêm yêu thương và rung động.
Yêu là thoát tội đã được viết theo cách như thế. Dù Lê Chí Trung có đổi tên nhân vật, vì ông ngại những hư cấu nghệ thuật bị soi bằng “kính hiển vi” sử học, nhưng người xem vẫn “ngầm hiểu” đây là câu chuyện của Nguyễn Trãi. Có điều, bi kịch này được kể theo một chuỗi cô đơn của chính Nguyễn Trãi, của Thị Lộ, của vua Lê Thái Tông, và cả quan nội giám Nguyễn Hiền. Và trong những ngổn ngang tâm sự ấy, bật lên một mối tình khác lạ, nếu không nói là trái khoáy, nó đi ngược lại với những nguyên tắc về thủy chung, về đạo vua tôi, về điều nhân nghĩa. Thị Lan và nhà vua đã đi quá giới hạn của mình. Nhưng tại sao tác giả Lê Chí Trung lại cho họ “thoát tội”?
2. Lớp diễn đẹp nhất của NSND Hoàng Yến trong vai Thị Lan bắt đầu từ một dòng suối. Nước suối róc rách như gợi bao nỗi xuân thì trong lòng người đàn bà nơi cung cấm. Thị Lan được vua truyền vào cung giữ chức Lễ nghi học sĩ, phải xa cách chồng là Nguyễn Thái uý rất lâu. Mà dù khi ở cạnh chồng, thì tuổi xuân chưa đến 30 của bà cũng phơi phới bên cạnh chồng đã hơn 60 tuổi.
Dù bà có khuôn phép thế nào đi nữa, thì không ai có thể phủ nhận những khao khát đời thường. Rồi khi vào cung, bà càng phải khuôn phép hơn nữa cho xứng đáng với vị trí, càng như một chiếc lò xo nén chặt. Vì vậy, nước suối và ánh trăng đã giúp bà tắm mát cả tâm tình. Hoàng Yến diễn đoạn này thật đẹp, chị làm động tác trôi nhẹ trên suối, xõa mái tóc thật dài mơn man trên nước, vừa đủ thể hiện cái rừng rực xuân sắc mà cũng vừa đủ thanh nhã, tinh khiết, không làm mất thẩm mỹ nghệ thuật. Khó diễn vô cùng, chỉ cần sơ sẩy là những đời thường trở nên tầm thường.
Và phía cao trên kia là đức vua đang cô đơn đi theo dòng suối. Ngài không tìm được tri âm trong đám cung nữ léo nhéo mưu cầu sủng ái. Tuổi đôi mươi, ngài có những nhu cầu thể xác nhưng cũng có lý tưởng đẹp cho đất nước, ngài cần một ai đó để hòa quyện đời thường và trí tuệ. Và ngài đã tìm thấy điều đó nơi Thị Lan, người phụ nữ lớn hơn ngài vài tuổi nhưng vẫn còn rất đẹp, hấp dẫn cả về dung mạo lẫn tâm hồn. Chốn triều đình trăm tai nghìn mắt, khuôn phép mẫu nghi khó lòng vượt nổi, nhưng dòng suối và đêm trăng tĩnh mịch đã tạo một cái “duyên” cho trái tim kia bùng nổ.
Thị Lan chống cự nhà vua bằng tất cả sức lực của con người lẫn lý trí. Nhưng rồi bà không thắng được bản thân mình. Bởi bà cũng bị nhà vua chinh phục bằng thể chất lẫn tâm hồn. Nhà vua tuy trẻ nhưng vẫn đáng mặt anh tài, vẫn là bậc trượng phu cho phụ nữ ngưỡng mộ.
Thị Lan rơi vào vòng xoáy thường tình nhi nữ. Từ chỗ kính nể, sợ sệt giữa vua tôi, biến thành tâm đắc, cảm mến giữa bạn bè tri âm, rồi đến rung động, luyến lưu giữa tình nhân, từng bước nhỏ cứ lấn dần như dòng suối mát chảy xuôi không gì ngăn cản được. Những dòng suối tâm tình thường chảy trong lòng người ta rất êm, có khi không hay không biết, nhưng đến một lúc nào đó thì nó biến thành con thác tuôn trào dữ dội, cuốn phăng người ta đi trong đam mê tuyệt ảo.
Lớp diễn giữa Hoàng Yến và Lê Hoàng Giang đi dần từng bước như thế, và kết thúc trong một vũ điệu tình yêu rất đẹp. Diễn những nhục cảm mà phải lồng trong hình ảnh nghệ thuật, cái gì cũng phải vừa đủ để khán giả nắm bắt được và thán phục. Người ta thông cảm cho mối tình oan trái kia, thấu cảm cho tiền nhân, và rưng rưng khép lại trang sử với một trái tim độ lượng. Chính vì vậy Lê Chí Trung mới dám tuyên bố “yêu là thoát tội”. Yêu trong chân thành, tri âm tri kỷ, cảm vì đức, mến vì tài, thì có nên chăng thoát khỏi tội quân thần, trung trinh tiết liệt?
(Còn tiếp)
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất