16/04/2022 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Ngay trên sân khấu liveshow “Đức Long hát” diễn ra tối qua tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), NSƯT Đức Long bất ngờ được nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam”.
Nhà hát Âu Cơ chật kín khán giả trong đêm nhạc “Đức Long hát”… Đây là live show "để đời" nghệ sĩ muốn làm để kỷ niệm 4 thập kỷ ca hát. Với những cống hiến không mệt mỏi của anh trong nghề, mà ngay mở đầu đêm liveshow, NSƯT Đức Long đã bất ngờ được Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam” trên sân khấu. Đây là phần thưởng vô cùng ý nghĩa đối với Đức Long, ghi nhận sự cống hiến không ngừng nghỉ và chưa từng có dấu hiệu dừng lại của anh trong nghề.
Trong gần 3 tiếng đồng hồ với hơn 20 ca khúc, NSƯT Đức Long đã đưa khán giả rong ruổi, chìm đắm trong những miền âm nhạc của anh. Một đêm nhạc để nói hết con đường của hơn 4 thập kỷ tất nhiên không thể hết, nhưng đã khiến những khán giả yêu Đức Long, chung thuỷ với Đức Long suốt hơn 40 năm qua bồi hồi như được thấy lại người nghệ sĩ mình yêu mến từ những ngày đầu tiên bước vào nghề đến nay.
Để nhớ về quá khứ, liveshow được bắt đầu bằng nhạc hiệu quen thuộc của Đài tiếng nói Việt Nam, còn sân khấu được bài trí giống như hình ảnh của một chiếc tivi thời thập niên 1980 - thập niên mà Đức Long và chiếc tivi hay đài phát thanh không thể thiếu vắng nhau. Trên hình ảnh đầy hồi ức đó, Đức Long cùng nhóm nhạc Pha Lê, nhóm nhạc mà anh đã có công dìu dắt, đã hát lên “Tiếng sóng biển” (Dương Thụ). Biển là nơi Đức Long sinh ra và lớn lên, đã nuôi dưỡng con người, tâm hồn anh. Dòng hồi ức về một Đức Long thưở trai trẻ được tiếp nối qua ca khúc “Chiều Hạ Long” (Đức Minh)...
Đó còn là bản thu âm nổi tiếng của Đức Long được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam “Bài ca trên cánh võng” (Nguyễn Nhung) hay “Sông lô chiều cuối năm” (Minh Quang), “Đất nước” (Phạm Minh Tuấn, Thơ: Tạ Hữu Yên), “Ngày mai anh lên đường” (Thanh Trúc)… - đều là những bài hát nổi tiếng về quê hương đất nước, người lính gắn với tên tuổi anh.
Trên sân khấu, Đức Long cũng chia sẻ về người đồng hành cùng anh - "cô em gái mà tôi yêu nhất”: NSND Thái Bảo. Chị đã cùng anh thể hiện bài hát “Ngày mai anh lên đường” từng gắn bó với tên tuổi hai người suốt những năm tháng cũ, và ôm đàn hát “Thời hoa đỏ” (Âm nhạc: Nguyễn Đình Bảng, Thơ: Thanh Tùng) - ca khúc đã góp phần làm nên tên tuổi Thái Bảo và luôn gắn với hình ảnh chị.
Thái Bảo kể: “Lần đi diễn ở Hạ Long, đứng trong cánh gà, tôi thấy một nam ca sĩ lên sân khấu rất gầy gò, nhan sắc thì bình thường, nhưng khi anh cất giọng lên thì tôi sởn da gà. Tôi liền về nói với NSND Chu Thuý Quỳnh, khi đó là giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, rằng có một anh hát rất hay, rất tình, giọng rất lạ, cô hãy mời anh về Nhà hát. Cô Quỳnh hỏi, có đẹp trai không? Tôi bảo cũng bình thường. Sau đó tôi đã “gạ” anh về Nhà hát. Lần thứ hai là khi tôi muốn anh Đức Long có một chương trình xuất hiện trên truyền hình, tôi đi gặp cô Đàm Thanh để xin cho anh Long được quay một bài hát trên đài. Tôi nói với cô là anh Đức Long hát hay lắm, cô hỏi “Có đẹp trai không?”, tôi lại nói là bình thường. Sau đó anh Đức Long thu âm trước bài hát, cô nghe xong thốt lên hát hay quá, tuyệt vời và bảo Đức Long đến. Hôm đó, anh đến với một chiếc áo sơ mi, quần kaki, vừa nhìn thấy anh cô hơi sững lại, gọi tôi vào bảo bây giờ muốn Đức Long quay hình thì Thái Bảo phải làm minh hoạ cho Đức Long, đi quanh quẩn xung quanh như vậy, như vậy… Tôi nói, tôi không phải diễn viên múa, nhưng cô nói “Đức Long hát một mình… không được”. Thế là cuối cùng lần đầu trong đời tôi làm người diễn minh hoạ cho một ca sĩ, và đó cũng là lần đầu hai chúng tôi quay truyền hình cùng nhau”.
"Ngày mai anh lên đường" song ca Đức Long - Thái Bảo:
Phần hát thính phòng trong đêm diễn khắc hoạ chân dung thầy giáo âm nhạc Đức Long. Qua “Trở về Suriento” (Âm nhạc: Emesto De Curtis; Lời:Giambattista De Curtis), “Trường ca sông Lô” (Văn Cao), “Thuyền và biển” (nhạc: Hữu Xuân; Thơ: Xuân Quỳnh)… đã cho thấy một người thầy Đức Long với giọng hát tuyệt vời.
Đặc biệt trong phần này, khách mời - nữ ca sĩ Phạm Thu Hà đã cùng anh thể hiện ca khúc “Thuyền và biển”, giống như một sự “truyền lửa” giữa hai thế hệ.
Như MC Lê Anh nói về Đức Long, ngoài đời, anh là một người vô cùng giản dị, đến nỗi nhiều người dễ nhầm anh là thầy giáo hơn là một nghệ sĩ. Chỉ đến khi anh bước lên sân khấu, người ta mới thấy anh là một nghệ sĩ.
Phần hát tình ca để hoàn thiện nên một chân dung âm nhạc Đức Long có điểm nhấn một nốt lặng khiến khán giả cũng như lặng đi cùng anh ở cõi “Cô đơn”. Giọng hát cô đơn, khắc khoải, bơ vơ của Đức Long vang lên trên sân khấu khi tiếng piano cùng hình ảnh của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vang lên. Như đã từng chia sẻ với báo giới, nhạc sĩ Nguyễn Quang nhận lời ra Hà Nội chỉ để đệm đàn duy nhất một bài “Cô đơn” cho Đức Long trên sân khấu, cũng là để hoàn thành phần nào đó tâm nguyện của cha anh sinh thời luôn muốn thực hiện một đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 - Đức Long. Trong phần hát tình ca, Đức Long đem đến cho khán gỉa một số ca khúc quen thuộc như “Con thuyền không bến” (Nhạc Ngọc Thịnh; thơ Tạ Thanh Hùng), “Bản tình ca cho em” (Ngô Thuỵ Miên), “Khúc mùa thu” (thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang)…
Giống như NSND Quang Vinh, tổng đạo diễn liveshow từng chia sẻ, liveshow của Đức Long rất giản dị, không sử dụng bất cứ một hiệu ứng, công nghệ hiện đại nào…mà là một sân khấu tinh khiết, sạch sẽ, có độ tĩnh nhất định và âm nhạc như một tấm thảm rất đẹp để Đức Long lững thững bước đi trên đó.
Sự giản dị nhưng tinh tế của sân khấu liveshow “Đức Long hát” đã làm được điều đó, Đức Long đã chinh phục khán giả không thể rời khỏi ghế ngồi bằng giọng hát của chính mình, bằng không gian âm nhạc “tinh khiết” mà anh tạo nên.
Thảo Nhi. Ảnh: Hoà Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất