24/01/2018 16:18 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cuối tuần vừa qua, hai nền nhạc cổ của hai miền đất xứ Huế và Bắc thành lại được dịp giao hòa trong đêm trình diễn âm nhạc Ai vô xứ Huế, ai ra Bắc thành diễn ra tại Hà Nội. Quá nửa khán giả ngồi dưới là người nước ngoài, họ đến để hiểu thêm về những tinh hoa trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam.
Câu chuyện âm nhạc của xứ Huế và Bắc thành được kể bởi những bậc thầy ca nhạc hai miền. Và đặc biệt hơn, khi trong số những người kể chuyện ấy còn có cả những truyền nhân đích thực của các nhạc quan triều Nguyễn.
Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trò chuyện ngắn với NSƯT Trần Thảo, Chủ tịch CLB Nhã nhạc và ca Huế Phú Xuân, con trai cố nghệ nhân nhã nhạc Trần Kích người từng được nước Pháp phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ văn học nghệ thuật.
*Đây là lần hiếm hoi nền nhạc cổ của hai miền đất xứ Huế và Bắc thành đứng chung một sân khấu. Theo ông, có tứ gì để hai nền âm nhạc tiêu biểu nàykết hợp được với nhau?
- Mỗi vùng miền có một phong tục tập quán riêng, âm nhạc truyền thống cũng mang những cái hồn riêng. Nhưng đã là âm nhạc cổ truyền của Việt Nam thì sẽ luôn có tiếng nói chung, sợi dây liên kết chung về tinh thần. Ngay từ năm 1995, chúng tôi đã cùng với đoàn ca trù Thái Hà phối diễn lần đầu tiên tại Paris và rất thành công.
*Có thể hiểu theo ý ông, khả năng mở rộng nhạc cung đình và ca Huế để quảng bá cũng như giao lưu tại các vùng miền khác là rất lớn. Nhưng có vẻ thực tế hiện nay, chỉ đến Huế thì mới có thể nghe được nhã nhạc cung đình…
- Nhã nhạc cung đình Huế đã được công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, dĩ nhiên thành phố Huế không thể ôm giữ bộ môn này, không thể chỉ đến Huế mới được nghe nhã nhạc mà phải tuyên truyền rộng rãi, xây dựng các chương trình để đem ca nhạc Huế đi biểu diễn tại nhiều nơi, nhất là trong thực tế hiện nay nhiều người Việt vẫn chưa hiểu rõ về nhã nhạc cung đình Huế.
Bản thân tôi vẫn đang liên tục đến các vùng miền, cả Bắc Bộ, Nam Bộ, miền Tây… để giảng dạy về nhạc cung đình Huế.
*Theo ông, nhạc cung đình Huế qua thời gian đã thay đổi như thế nào?
- Qua những câu chuyện cha tôi kể khi làm nhạc quan trong triều Nguyễn, tôi cảm nhận được tính trang nghiêm, lễ nghi của chốn cung đình. Đặc biệt, nhạc cung đình lại là lễ nhạc, thậm chí khuôn mặt của các nhạc công cũng phải trang nghiêm.
Còn đến bây giờ, nhã nhạc cung đình đã được “sân khấu hóa” để trở nên gần gũi, thân thiện và hòa nhập hơn rất nhiều. Còn lại, những bài bản, nhạc cụ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, vì đã là nhạc cung đình thì bắt buộc phải thế. Bộ môn ca Huế thì có phần phóng khoáng hơn.
* Kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản truyền khẩu và phi vật thể, bức tranh về nhã nhạc cung đình Huế đã có những biến chuyển như thế nào?
- Biến chuyển rõ ràng nhất đó là tạo được sự quan tâm của người nước ngoài. Một số nhạc viện của các vùng Bắc Á, Đông Á đã về Huế để viết lách, nghiên cứu về nhạc cung đình. Thậm chí, họ còn mời nhóm nhạc từ Huế đến đất nước họ biểu diễn. Ngoài ra, rất nhiều vị giáo sư, sinh viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines cũng đến Huế để nghiên cứu và học nhạc cung đình.
Rõ ràng, việc được UNESCO công nhận là Di sản thế giới đặt lên vai những người bảo tồn một trọng trách rất lớn. Hiện nay lớp trẻ đa phần theo những bộ môn giải trí hiện đại.
Bộ môn nhã nhạc cung đình từ lâu đã được đưa vào giảng dạy tại Học viện âm nhạc Huế, bên cạnh dạy đàn ca Huế. Ở Huế cũng có Nhà hát biểu diễn nhã nhạc cung đình hàng ngày.
*Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Ca nhạc Huế là một phần máu thịt của cha tôi NSƯT Trần Thảo chia sẻ: “Đam mê với ca nhạc Huế của cha tôi đã trở thành một phần máu thịt. Di sản lớn nhất ông để lại, bên cạnh những gì mọi người đã ca tụng, theo tôi đó là việc truyền dạy của ông cho thế hệ sau. Tôi được cha đào tạo về âm nhạc, về tình yêu với nhạc cung đình Huế từ khi mới 7-8 tuổi. Và cùng với cha tôi, có rất nhiều những bậc tiền nhân đi trước đã có công lưu giữ những bài bản nhạc cung đình. Một số trong họ đã ra đi vì tuổi tác, nhưng trước khi ra đi họ vẫn kịp lưu lại những ngón nghề cho con cháu. Nhờ đó mà nhạc cung đình Huế còn truyền mãi cho đến hôm nay”. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất