17/08/2018 12:07 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Aretha Franklin, "Nữ hoàng nhạc Soul”, đã qua đời sáng 16/8 tại nhà riêng ở , Detroit do ung thư tuyến tụy, thọ 76 tuổi. Rất ít nghệ sĩ trình diễn được đồng nghiệp và giới phê bình trên khắp toàn cầu thần tượng hóa, được người hâm mộ tôn kính như Franklin. Không ai có thể phủ nhận Jimi Hendrix là cây guitar số 1 thế giới, càng không ai có thể phủ nhận Franklin là giọng ca đại chúng vĩ đại nhất trong thời của bà, một biểu tượng văn hóa toàn cầu.
Là một ca sĩ kiêm nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp từ cuối tuổi vị thành niên, Franklin đã trở thành một siêu sao khi mới ngoài 20 tuổi. Bà đã thu âm hàng trăm ca khúc và cover nhạc phẩm ở nhiều thể loại, có hàng chục ca khúc ăn khách.
Nói đến di sản của Franklin, người ta nghĩ ngay đến 10 ca khúc soul ăn khách trong cuối thập kỷ 1960. Những ca khúc này, từ Chain of Fools tới Think, đã "thống lĩnh" áp đảo làn sóng phát thanh thời kỳ đó.
Tạp chí Rolling Stone đã xếp bà vào vị trí đầu trong danh sách 100 ca sĩ hàng đầu. Thêm nữa, Franklin còn được tạp chí Time đưa vào danh sách 20 nghệ sĩ trình diễn quan trong nhất thế kỷ 20
Franklin đã gặt hái được nhiều thành công và sự tôn vinh trong làng nhạc. Bà đã đoạt 18 giải Grammy và năm 1987 bà đã trở thành nghệ sĩ nữ đầu tiên được ghi tên vào Sảnh Danh tiếng Rock & Roll.
Nhưng danh tiếng của Franklin còn vượt xa vai trò "nghệ sĩ" hay "nghệ sĩ giải trí" khi bà thường xuất hiện tại các sự kiện quốc gia.
Cụ thể, Franklin đã trình diễn tại lễ nhậm chức của các Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Bill Clinton. Bà còn hát tại đám tang của nhà hoạt động nhân quyền tiên phong Rosa Parks và tại lễ tưởng niệm Martin Luther King Jr.
Thời đương nhiệm, Tổng thống Clinton từng trao tặng bà Huy chương Nghệ thuật Quốc gia và Tổng thống George W. Bush trao tặng bà Huân chương Tự do Tổng thống, sự tôn vinh cao quý nhất của nước Mỹ.
Franklin đã gây nhiều ấn tượng khi hồi tháng 1/2009 bà đã trình diễn ca khúc My Country ’tis of Thee tại lễ nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama.
Tại sự kiện đó, Franklin đội chiếc mũ màu xám có chiếc nơ rất to. Chiếc mũ này sau đó đã trở thành một hiện tượng trên Internet và thậm chí còn có trang web riêng. Năm 2015, Franklin đã khiến Obama và nhiều người rơi nước mắt với màn trình diễn ca khúc Natural Woman tại buổi tôn vinh nữ nghệ sĩ Carole King ở Trung tâm Kennedy.
Giọng ca của Franklin đã vượt tuổi tác, thể loại và cuộc đời của chính bà. Franklin phải gặp nỗi mệt mỏi của một nhân vật danh tiếng và những rắc rối cá nhân từ thời thơ ấu. Năm 16 tuổi, bà đã là mẹ của 2 cậu con trai (sau này bà có thêm 2 con nữa). Franklin đã phải vật lộn với trọng lượng "quá tải" cơ thể mình, những vấn đề gia đình và trở ngại về tài chính.
Chán nản với cuộc hôn nhân đầy căng thẳng của bà trong những năm 1960 với nhà quản lý lúc đó là Ted White, Franklin đã hát như trải lòng mình trong nhiều ca khúc như (Sweet Sweet Baby) Since You’ve Been Gone, Think và Ain’t No Way. Chính vì vậy mà nhà sản xuất Jerry Wexler còn đặt cho Franklin biệt danh “Quý bà của những nỗi sầu muộn bí ẩn".
Dù lớn lên ở Detroit và làm bạn với Smokey Robinson từ nhỏ, nhưng Franklin chưa bao giờ thu âm với Motown Records, thỉnh thoảng hợp tác với Columbia và Arista trong thời hoàng kim khi đối tác chính của bà là Atlantic Records. Nhưng Franklin bắt đầu nuôi dưỡng đam mê dòng soul khi bà được học những gì căn bản của dòng gospel tại Nhà thờ New Bethel Baptist ở Detroit, nơi cha bà là một mục sư.
Aretha Louise Franklin sinh ngày 25/3/1942 ở Memphis, bang Tennessee. Sau đó, cha bà, mục sư C.L. Franklin chuyển gia đình tới Buffalo, New York, và sau đó là Detroit. Gia đình Franklin sống ở đây cho đến khi cha mẹ bà ly hôn và mẹ bà trở về Buffalo.
Ngoài vai trò mục sư, C.L. Franklin đã thu âm hàng chục album và kết bạn với các ngôi sao gospel như Marion Williams, Clara Ward và các nghệ sĩ trình diễn như Sam Cooke, Lou Rawls là những vị khách thường xuyên tới nhà. Trong phòng khách, cô bé Franklin nhút nhát gây kinh ngạc những người bạn của cha mình với những ngón đàn điêu luyện bên cây piano lớn.
Đầu những năm tuổi vị thành niên, Franklin bắt đầu lưu diễn cùng cha mình và năm 1956 bà phát hành album gospel qua hãng thu âm J-V-B Records. 4 năm sau, Franklin ký hợp đồng với nhà sản xuất John Hammond của hãng Columbia Records, người gọi Franklin là ca sĩ gây phấn khích nhất mà ông từng nghe kể từ khi ông quảng bá cho Billie Holiday hàng chục năm trước đó.
Franklin đã thu âm nhiều album với Columbia Records trong 6 năm sau đó. Bà có một số ca khúc ăn khách như Rock-A-Bye Your Baby With a Dixie Melody và Runnin’ Out of Fools nhưng vẫn chưa gây được chú ý.
Columbia Records cố gắng để Franklin thử nhiều phong cách âm nhạc, từ jazz và trình diễn các ca khúc pop như Mockingbird đồng thời phát triển tài năng "thẩm thấu" ca khúc và trình diễn ngẫu hứng mà sau này đã trở thành thương hiệu của bà.
"Nhưng những năm làm việc với Columbia còn dạy cho Franklin nhiều điều quan trọng khác” – nhà phê bình Russell Gersten viết. “Franklin rất chịu khó chỉnh và kiểm soát cách phân câu của mình, rèn tính kỷ luật mà hầu hết các ca sĩ soul không có. Song quan trọng nhất, Franklin đã biết được điều gì mà bà không thích: làm những gì được bảo làm".
Năm 1966, hết hạn hợp đồng với Columbia, Franklin "bắt tay" với Atlantic, lúc đó là "ngôi nhà" của những người khổng lồ dòng R&B như Ray Charles. Franklin tạo bước đột phá
Franklin thường trình diễn các ca khúc theo cách "thẩm thấu" của mình. Chẳng hạn như với ca khúc Respect, một bản "hit" ở mức tầm tầm hồi năm 1965. Bà muốn "thấy" một cuộc diễu hành trong âm thanh thổi bằng sừng và đánh vần từng chữ trong từ “R-E-S-P-E-C-T” (Kính trọng). Với cách thay đổi đó, Respect qua sự thể hiện của Franklin đã chiếm quán quân bảng xếp hạng.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2004 của St. Petersburg (Florida) Times, khi được hỏi liệu bà có nghĩ mình đã góp phần làm thay đổi nền âm nhạc đại chúng thập kỷ 1960, Franklin đáp:
“Một chút và chắc chắn là nhờ Respect, đó là lời kêu gọi tự do và nhiều người thuộc nhiều dân tộc tự hào với từ này. Nó có ý nghĩa với tất cả chúng ta".
Năm 1967-1968, Franklin hiếm khi hiện diện trong bảng xếp hạng nhưng đã đều đặn trở lại thời kỳ đầu thập niên 1970 với những album và đĩa đơn được nhiều ca ngợi.
Tuy nhiên, danh tiếng của bà lu mờ dần trong thập kỷ đó và đến năm 1980 mới được phục hồi nhờ vai phụ trong phim The Blues Brothers và hợp tác với Arista Records của người bạn thân Clive Davis.
Franklin hợp tác với các nghệ sĩ pop và soul như Luther Vandross, Elton John, Whitney Houston và cùng George Michael, bà đã có đĩa đơn I Knew You Were Waiting (for Me) đứng đầu bảng xếp hạng. Năm 1985, album Who’s Zoomin’ Who của Franklin đã nhận được nhiều lời ca ngợi và "đẻ ra" các ca khúc ăn khách như Freeway of Love.
Giới phê bình thường ca ngợi cách hát của Franklin song nhiều khi đặt câu hỏi về chất liệu của bà. Franklin đã cover ca khúc của Stephen Sondheim, Bread, the Doobie Brothers. Với bà, bất cứ nhạc phẩm nào bà trình diễn cũng đều "soul".
Từ những bản thu âm đầu tiên, Franklin đã thách thức dòng nhạc này. Tại lễ trao giải Grammy hồi năm 1998, ban tổ chức đã trao cho bà cơ hội thể hiện thế mạnh của mình. Bà đã trình diễn Respect và nhận được nhiều lời ca ngợi với màn diễn Nessun Dorma, khúc aria dành cho các giọng ca tenor nằm trong vở Turandot của Puccini.
"Tôi tin rằng nhiều người rất ngạc nhiên, nhưng tôi không ở đây để chứng minh bất cứ điều gì. Chẳng cần thiết" – Franklin từng nói với AP.
Trong 2 thập kỷ qua, Franklin đã tung ra nhiều album, trong đó có So Damn Happy. Trong album này, Franklin là tác giả khúc ballad chủ đề Aretha Sings the Great Diva Classics. Bên cạnh đó, bà còn cover các ca khúc ăn khách của Adele và Alicia Keys cùng nhiều nghệ sĩ khác.
Cuốn tiểu sử về Franklin, mang tựa đề Aretha: From These Roots, được phát hành hồi năm 1999 song "Nữ hoàng soul" luôn khẳng định câu chuyện của bà sẽ tiếp tục và bà sẽ hát nó. "Âm nhạc định hình nên tôi. Tôi sẽ vẫn ở đây và hát" – Franklin nói với AP hồi năm 2008.
Nghe bản thu âm gốc ca khúc Respect do Aretha Franklin thể hiện:
Việt Lâm
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất