02/05/2020 07:16 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Đến giờ, tại nhiều cuộc hội thảo lịch sử lớn, các chuyên gia quốc tế vẫn rất thích thú với một câu hỏi: Bằng nguồn sức mạnh nào mà Việt Nam có thể giành thắng lợi trong chiến tranh chống Mỹ - một cuộc đụng đầu lịch sử mang tính chất thời đại và có tầm vóc quốc tế?” - PGS sử học Vũ Quang Hiển chia sẻ.
Trước đó, PGS Hiển vừa ra mắt Đường lối quân sự của Đảng - Lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản – cuốn sách được chắt lọc từ cả một đời nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), PGS Hiển cho biết:
- Đó là một câu hỏi thú vị, không chỉ với các chuyên gia thế giới mà ngay cả với những người làm công tác nghiên cứu của Việt Nam. Và rõ ràng, để luận giải về vấn đề ấy, chúng ta phải nhắc tới trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, biểu hiện tập trung trong đường lối quân sự của Đảng, đặt trong sự kế thừa kinh nghiệm và trí tuệ đánh giặc của dân tộc, cũng như việc tiếp thu những tinh hoa quân sự của thế giới.
Nhìn lại, quân sự chính là một phần quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam – khi mà trong hơn 20 thế kỷ qua, chúng ta phải dành rất nhiều thời gian cho những cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập. Và gần như trong tất cả những cuộc đấu tranh ấy, người Việt thường phải đương đầu với những kẻ thù lớn mạnh nhất ở mỗi thời đại, với tiềm lực kinh tế và quân sự vượt trội hơn hẳn mình. Để giành thắng lợi, chúng ta phải có trí tuệ cao hơn, giỏi hơn đối phương.
Nghiên cứu về đường lối quân sự của Đảng chính là tìm hiểu trí tuệ của Đảng, của dân tộc, một nguồn sức mạnh thắng lợi của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng Việt Nam.
* Vậy, khái niệm này nên được hiểu thế nào, theo ông?
- Đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam là những chuẩn tắc cơ bản về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm, lực lượng, phương thức tổ chức thực tiễn về quân sự do Đảng vạch ra, nhằm thực hiện những mục tiêu quân sự cụ thể trong mỗi thời kỳ cách mạng.
Nội dung của nó rất rộng, bao gồm toàn bộ các vấn đề về xác định mục đích chính trị, tính chất, đặc điểm của khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh cách mạng và củng cố quốc phòng; về đối tượng tác chiến chiến lược, nhiệm vụ quân sự của nhà nước và của lực lượng vũ trang; về xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ hậu phương, xây dựng nền quốc phòng; về phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự… được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng.
* Đâu là lý do để ông thực hiện cuốn sách?
- Một phần, điều này đến từ yêu cầu đào tạo sinh viên chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khi chúng ta vẫn còn thiếu những giáo trình mang tính hệ thống về đường lối quân sự của Đảng.
Phần khác, quả thật đó cũng là sự đam mê cá nhân. Trước theo học ngành sử ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi từng có một thời gian phục vụ trong quân đội, chiến đấu ở miền Trung. Để rồi, như một sự sắp đặt của số phận, mảng đề tài liên quan tới chiến tranh cách mạng, nhất là trí tuệ đánh giặc của dân tộc, của Đảng và các lực lượng vũ trang nhân dân, đã gắn bó với tôi trong suốt quãng đời sau này.
* Cuốn sách được thực hiện dựa trên những nguồn tư liệu nào?
- Có nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó phải kể tới những Văn kiện Đảng và những tác phẩm của Hồ Chí Minh; những công trình nghiên cứu của cơ quan và nhà nghiên cứu, nhất là của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; rồi nguồn tài liệu thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhưng tôi đặc biệt nhấn mạnh những luận văn quân sự của các tướng lĩnh trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ở đó, chúng ta vừa thấy sự kế thừa tri thức và kinh nghiệm quân sự của dân tộc, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh - được nâng cao thành nghệ thuật đánh giặc của dân tộc - cùng những khám phá trí tuệ và sự uyên bác của những cá nhân kiệt xuất.
* Ông có thể kể rõ về nguồn tư liệu này?
- Thực tế, trong những cuộc chiến tranh cách mạng trong thế kỷ XX, nhiều tướng lĩnh Việt Nam đã dày công nghiên cứu đường lối quân sự của Đảng để vận dụng vào thực tiễn. Các nghiên cứu này được tổng kết, viết lại thành luận văn quân sự, thành các bài báo, chuyển hóa thành các bài nói chuyện và in thành sách... Tất nhiên, do bối cảnh ra đời gắn với tiến trình phát triển của chiến tranh, mỗi nghiên cứu thường đi sâu vào một một nội dung cụ thể, như phong trào Đồng khởi, chiến tranh nhân dân Việt Nam trên chiến trường sông biển, cuộc tiến công Mậu Thân 1968, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hay chiến dịch Hồ Chí Minh...
Tôi may mắn được sự hỗ trợ của một số chuyên gia thuộc Viện lịch sử quân sự Việt Nam và Viện chiến lược Bộ Quốc Phòng để tiếp cận với nguồn tài liệu đặc biệt này. Nhìn chung, hầu hết các tướng lĩnh trong lịch sử hiện đại Việt Nam đều để lại những nghiên cứu, ghi chép, tổng kết có giá trị - và ở đó, ta lại thấy rất rõ cá tính, phong cách, trí tuệ của mỗi người.
* Trong những nguồn tư liệu ấy, ông ấn tượng với trường hợp nào?
- Chắc chắn, bất cứ ai tìm hiểu về lĩnh vực này đều không thể bỏ qua những luận văn quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ là người đứng đầu quân đội trong 2 cuộc kháng chiến, Đại tướng còn là một nhà khoa học, một nhà sử học. Ông viết khá nhiều luận văn, trong đó có nhiều bài giảng ở Học viện Quân sự cao cấp.
Nhìn chung, với sự hội tụ cả lý luận và thực tiễn, những gì mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại là một di sản quân sự đặc biệt. Ông viết về mọi lĩnh vực quân sự, vừa mang tầm khái quát cao, vừa có tính cụ thể; từ khởi nghĩa toàn dân đến chiến tranh nhân dân; từ xây dựng lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang, đến xây dựng căn cứ địa cách mạng, xây dựng hậu phương của chiến tranh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; từ phương thức đến nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân... Càng đọc, tôi càng khâm phục tài thao lược và trí tuệ uyên bác của Đại tướng.
* Ông có thể chia sẻ thêm về những trường hợp khác?
- Bên cạnh tướng Giáp, những tư liệu từ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng mang phong cách rất đặc biệt. Ông là một nhà cách mạng hành động, nhưng đã để lại nhiều bài nói, bài viết ngắn gọn mà vô cùng sắc sảo. Chẳng hạn, về chiến lược đánh Mỹ, ông chia sẻ những “cẩm nang” ngắn gọn nhưng đủ để ai cũng có thể hiểu rõ, hiểu sâu: “Đánh Mỹ nào? Mỹ nào cũng đánh/ Đánh ở đâu? Chỗ nào cũng đánh/ Đánh lúc nào? Lúc nào cũng đánh/ Ai đánh? Người nào cũng đánh được/ Đánh bằng gì? Vũ khí nào cũng đánh được/ Đánh thế nào? Nhảy vào lòng địch mà đánh, căng địch ra mà đánh, vây địch lại mà đánh, nắm thắt lưng địch mà đánh...”. Nhìn chung, đằng sau những bài nói chuyện rất gần gũi của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, là một trí tuệ và sự sắc sảo của một thiên tài quân sự.
Cũng phải kể tới những tư liệu được khai từ những tác phẩm của các Đại tướng Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Thượng tướng - GS Hoàng Minh Thảo… Những nguồn tư liệu ấy là vô cùng quý giá, giúp tôi nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung đường lối quân sự của Đảng để có thể hệ thống hóa, trình bày và luận giải trong cuốn sách của mình với mong muốn góp phần làm sáng tỏ trí tuệ đánh giặc của Đảng và dân tộc.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
Vài nét về PGS. TS Vũ Quang Hiển PGS.TS Vũ Quang Hiển sinh năm 1951 tại Ninh Bình, tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979, nhận học vị TS năm 2000 và chức danh PGS năm 2005. Ông là chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, với nhiều sách giáo trình và chuyên khảo đã được công bố. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất