10/12/2020 21:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Quy định về cấp phép phổ biến phim, việc phổ biến phim trên không gian mạng, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh... được các chuyên gia thảo luận, góp ý để xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển của điện ảnh.
Đây là nội dung của Hội nghị - Hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Bộ VH,TT&DL tổ chức, sáng 9/12 tại Hà Nội.
Luật Điện ảnh có nhiều hạn chế, bất cập
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông sau 14 năm thi hành, Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Dù vậy, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Vì vậy, năm 2019, Bộ VHTT&DL đã trình đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đồi) và được Chính phủ thông qua với 4 chính sách: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra thảo luận có 8 chương, 44 điều. So với Luật Điện ảnh cũ, các thay đổi chủ yếu liên quan tới việc phổ biến phim, phổ biến phim trên mạng, quy định về quảng bá xúc tiến phát triển điện ảnh...
Đổi mới cơ chế duyệt phim
Về vấn đề phổ biến phim, theo quan điểm của Bộ Tư pháp, cần phân định rõ chức năng quản lý của Nhà nước, cơ chế phối hợp của các Bộ, cơ quan có liên quan, cân nhắc phổ biến phim theo các tiêu chí chung, đặc biệt cần quy định chi tiết nội dung bị cấm, bị hạn chế.
Ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện, có quan điểm: "Với phim Việt Nam, việc thẩm định và phân loại nên để giám đốc và hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất phim thực hiện để khuyến khích quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của người làm phim". Với phim nhập khẩu, ông Trần Thanh Hiệp cho rằng, Bộ VH,TT&DL sẽ thực hiện việc thẩm định và phân loại.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI - nhấn mạnh tới 3 giải pháp: Bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ; Bảo vệ tài sản trí tuệ của nhà làm phim; Tạo hệ sinh thái để các nhà làm phim phát triển.
Theo ông Tuấn, việc cần thiết là phải đổi mới cơ chế duyệt phim, xóa bỏ độc quyền, giao cho nhiều đơn vị có năng lực để nhà làm phim có quyền lựa chọn. Giao việc duyệt cho các đài truyền hình cũng là một giải pháp.
NSƯT Lê Mạnh - PGĐ Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), cũng góp ý về việc phổ biến phim trên truyền hình. Anh đồng ý rằng, chỉ được phổ biến phim trên truyền hình khi có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc đã có quyết định phát sóng, hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình.
PGĐ VFC cũng lưu ý việc bảo đảm tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với nước ngoài, thời lượng và giờ phát sóng cho trẻ em theo quy định, phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim...
Phổ biến phim trên mạng: Tiền kiểm hay hậu kiểm?
Về vấn đề phổ biến phim trên mạng, ban soạn thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đề ra hai phương án tiền kiểm và hậu kiểm. Theo TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - dự thảo quy định việc cung cấp nội dung trên mạng (thường được nói đến như dịch vụ OTT) rất chặt chẽ nhưng có thể không khả thi. Nếu quản lý theo phương thức quản lý phim truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim chiếu rạp và khó có hội đồng nào duyệt xuể. Mà nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng, nhiều hậu quả sẽ xảy ra
NSƯT Lê Mạnh cho hay, hiện có tới 70% lưu lượng truy cập Internet mỗi ngày chỉ để xem video. Nhu cầu sử dụng các ứng dụng giải trí như Netflix, Youtube... đang chiếm phần lớn lưu lượng truy cập Internet trong các hộ gia đình. Nền tảng xem phim trực tuyến ghi nhận rõ sự thay đổi này và theo một số liệu thống kê năm 2019-2020, nền tảng chiếu phim trực tuyến bùng nổ và lần đầu tiên đạt doanh thu lớn hơn doanh thu phòng chiếu. Do vậy, xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có những điều này là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. "Tôi nghĩ chúng ta nên áp dụng linh hoạt việc tiền kiểm hay hậu kiểm, không nên quy định cứng nhắc quá" - PGĐ VFC nói.
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) cũng bổ sung một số nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Ông Trần Thanh Hiệp nói về điều khiến nhiều người làm điện ảnh băn khoăn là cấm phá hoại thuần phong mĩ tục của dân tộc: "Điều cấm này dễ dẫn tới lý giải khác nhau, cách hiểu khác nhau. Theo tôi nghĩ, các điều cấm khác về chính trị, dân tộc, văn hóa, lịch sử... đã nói rõ rồi, nên chăng thay bằng cấm tuyên truyền phá hoại đạo đức truyền thống".
Ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) nhấn mạnh thêm: Trong những điều cấm phải nhắc tới cả những phim có nội dung vi phạm lợi ích công cộng, lợi ích của toàn xã hội và những phim có nội dung xâm phạm lợi ích tư nhân.
Các đại biểu tham dự cũng có ý kiến xoay quanh việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, phát hành, phổ biến phim; đánh giá tính dự báo và tính khả thi của các quy định tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)…
Dự kiến, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến và đăng tải dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL trong 60 ngày theo quy định để lấy ý kiến rộng rãi; đồng thời gửi công văn xin ý kiến các bộ, ban, ngành... trước khi thẩm định, trình Chính phủ, Quốc hội dự kiến vào tháng 6/2021.
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất