Phan Khôi: Như một “lão nông”

17/01/2009 11:01 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tiếp theo bài “Hai thái cực trong tính cách” kể về cuộc sống đời thường của học giả Phan Khôi, TT&VH xin giới thiệu tiếp những nét đời thường khác của nhà nho này qua lời kể của chính con trai ông, anh Phan Trản.
 
>> Phan Khôi: Hai thái cực trong một tính cách
 
Ghét thói mê tín

 Học giả Phan Khôi
Thầy tôi rất ghét thói mê tín. Nhân dịp sửa nhà, ông bắt đập bỏ tất cả những trang thờ thần thánh gì đó mà Mạ tôi đặt trong nhà, ngoài sân, quăng hết những ông bình vôi mà Mạ tôi đặt ở mấy gốc cây để thắp hương trong những ngày rằm, mồng một. Các lá số tử vi do ông ngoại chúng tôi lập, Thầy tôi cũng cất kỹ, không cho đem ra xem. Ông cấm các chị tôi đi xem bói, ông mà biết được ai đi xem bói, chắc chắn người đó không thoát khỏi một trận lôi đình.

Ông không theo đạo nào, nhưng lại hiểu biết nhiều về các đạo hiện thời. Mấy chục năm trước ông đã từng dịch Kinh Thánh, chuyển ngữ từ tiếng Hán, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong thư viện của ông có nhiều sách về các đạo, còn nói về các học thuyết cổ kim của Trung Quốc thì ông rất rành. Với tổ tiên, họ tộc ông một lòng tôn trọng, không phân biệt ngành lớn hay ngành nhỏ. Tôi nghe nói ông đã từng đấu tranh với chính dòng họ của mình để đưa bài vị của Bà Lẽ - là vợ lẽ của ông cố - về lập bàn thờ như những bà chính thất khác, mặc dù Bà Lẽ này không có con cái. Hàng năm, đến ngày Tết, nếu Thầy tôi có mặt ở quê, thế nào ông cũng dẫn cả nhà đến các nhà thờ họ.
Tự tay cuốc đất, làm vườn

Những ngày ở nhà quê với vợ con, Thầy tôi cũng thích làm các việc lao động nhẹ. Ông bảo tôi ra vườn cùng nhổ cỏ, tưới rau. Ông đặc biệt thích ăn canh rau má, nên cứ vài ngày lại cầm rổ đi nhổ những bụi rau má mọc dại ở bờ tre, bờ ruộng, bờ mương. Ông nói rau má tuy đắng nhưng là một vị thuốc bổ. Đôi khi ông giắt một nắm lạt tre vào lưng quần rồi đi buộc lại những chỗ hàng rào bị hư hỏng. Những lúc đó trông ông không khác gì một lão nông. Có lẽ ít ai biết rằng ông rất thạo vót nan và đan lát. Chính tay ông đã đan nhiều thứ đồ dùng trong nhà, như rổ, rá, thúng, mủng, và dạy tôi học nghề này. Nhiều lúc Thầy tôi tự tay cuốc đất, làm vườn. Lần ấy ông trồng mít, loại mít ướt thấp cây nhỏ trái nhưng rất ngon, ông rất thích ăn nên xin giống về trồng. Chỉ thương là, đến khi cây mít lớn và bói lứa trái đầu, thì Thầy tôi lại không được nếm thử vì phải đi Hà Nội, để rồi xa nhà liền một mạch 9 năm trời.

Thầy tôi sống với gia đình không nhiều. Quanh năm suốt tháng ông lăn lộn với nghề báo ở đâu đó rất xa, chủ yếu ở các thành phố lớn. Mỗi khi ông về nhà, căn nhà trên, là nơi kê giường và bàn làm việc của ông cùng thư viện, như có một luồng sinh khí. Rèm cửa được chống lên để lấy ánh sáng, thư viện được quét dọn, người này người nọ lui tới, và tất nhiên, chúng tôi lại có dịp được nghe ông quở trách về những lỗi lầm. Chính là nhờ ông mà chúng tôi học hành siêng năng, ham lao động, biết lễ nghĩa. Hàng xóm láng giềng, kể cả những người cấy rẽ, nể sợ ông chứ không oán trách ông, bởi vì ông chỉ quan tâm đến tư cách của họ, chứ không để ý tới chuyện chia hoa lợi.

Ông đối xử với người nghèo rất có tình có nghĩa, nên tuy họ ít có dịp gần ông nhưng lại rất nể trọng ông. Ở quê tôi có lệ: mỗi khi có đám giỗ thì người ở vai dưới phải biếu người ở vai trên một suất cỗ, trong đó phải có một miếng thịt lợn ngon. Tôi nhớ có lần ông nói với người đi biếu rằng: “Nhà chú không đủ ăn, đem miếng thịt này về cho mấy đứa nhỏ, cứ coi như tui đã nhận rồi”.
 
Học giả Phan Khôi và Tình già
 
50 năm từ khi Phan Khôi mất, sự nghiệp của ông đã dần được khẳng định. Kỷ niệm 60 năm Phong trào Thơ mới (1992), 40 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1997) người ta lại nhắc đến ông. Các tác phẩm của ông được tái bản, bộ Tác phẩm đăng báo của Phan Khôi mới chỉ ấn hành được có mấy năm 1928, 1929, 1930, 1931 trong cả cuộc đời làm báo hơn 20 năm của ông, mà đã lên đến mấy ngàn trang sách.
 
Tọa đàm tưởng niệm 120 năm ngày sinh Phan Khôi
 
Các công trình biên khảo, hồi ức, cuộc tọa đàm về ông nhân 120 năm ngày sinh (2007) cùng nhiều bài viết về ông, là tiếp tục công cuộc nghiên cứu một nhà văn hóa của đất nước. Tên tuổi Phan Khôi đã sống dậy cùng với di sản của ông.

TT&VH xin đăng lại bài thơ Tình già (1932) của Phan Khôi – đây là bài thơ được coi là mốc khởi đầu cho phong trào Thơ Mới.
 
Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh, kề nhau than thở:

- “Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng;
Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau!”
- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông Trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu có phải vợ chồng mà tính việc thuỷ chung?”
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau;
Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố có nhìn ra được!
Ôn chuyên cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi
 
Phụ nữ tân văn, 10/3/1932)
 

Phan Trản

Kỳ cuối: Phan Khôi và 2 người ăn mày trong nạn đói 1945

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm