28/10/2018 20:10 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - “Một số bộ phim của Ba Lan gặt hái thành công quốc tế xuất phát từ ý tưởng nhỏ thôi” - Giáo sư Andrej Pitrus - Trường Đại học Jagiellonian, Ba Lan, chia sẻ trong hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan.
Hội thảo Tiêu điểm điện ảnh Ba Lan trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V diễn ra sáng 28/10 tại Hà Nội.
Ba Lan là một nền điện ảnh có nhiều bộ phim đoạt giải cao tại các LHP quốc tế danh tiếng như Cannes, Toronto, và giải Oscar. Những năm qua, điện ảnh Ba Lan luôn hợp tác mạnh mẽ với nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển.
Đặc biệt, Điện ảnh Việt Nam và Ba Lan đã có những ký kết hợp tác vào tháng 12 năm 2017, hứa hẹn góp phần quảng bá sự đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản điện ảnh, trao đổi các tác phẩm điện ảnh giữa hai nước, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ làm phim, kỹ năng sản xuất và phát hành phim cũng như phối hợp chung trong sản xuất tác phẩm điện ảnh.
Tại hội thảo, các đại biểu, khách mời chia sẻ những ý kiến, trải nghiệm cá nhân về các nội dung liên quan đến những chính sách giúp điện ảnh Ba Lan phát triển; những đóng góp của đạo diễn Andrzej Wajda với sự phát triển của điện ảnh Ba Lan; và triển vọng hợp tác giữa điện ảnh Ba Lan với các nhà làm phim trong khối ASEAN.
Giáo sư Andrej Pitrus - Trường Đại học Jagiellonian, Ba Lan chia sẻ về lịch sử điện ảnh Ba Lan. Theo ông Andrej Pitrus, Ba Lan thành công một phần bởi có sự học hỏi từ nhiều nền điện ảnh lớn ở châu Âu và châu Á.
Ông nhấn mạnh ý nghĩa của việc hợp tác giữa Viện nghệ thuật nghe nhìn Ba Lan với các trường đại học ở Ba Lan và châu Âu. “Đôi khi những bộ phim nổi tiếng lại bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ thôi. Từ những bài tập nhỏ, ý tưởng nhỏ, chúng tôi phát triển và xây dựng được những bộ phim giành những giải thưởng lớn. Chúng tôi luôn khám phá, tìm kiếm cơ hội ở cả những nơi tưởng chừng như không thể”.
Diễn viên Agata Trzebuchowska chia sẻ về chương trình Moon Studio dành cho các nhà làm phim trẻ. Để tham gia chương trình này thì đạo diễn sẽ nộp kịch bản và trình bày ngắn gọn ý tưởng của mình, ban giám khảo sẽ xem xét, đánh giá, chọn ra những ý tưởng tốt sẽ được tài trợ đưa vào sản xuất. Nguồn tài trợ có thể không quá nhiều, nhưng cũng góp ích cho việc thực hiện bộ phim. Hơn nữa, nhà tài trợ cũng giúp quảng bá, đưa phim đi trình chiếu tại các liên hoan phim và đây là những cách hỗ trợ tốt cho các nhà làm phim trẻ.
Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang cũng chia sẻ: “Thời thanh niên, thế hệ chúng tôi được xem rất nhiều phim Ba Lan hay, khiến chúng tôi thán phục và say mê. Thán phục là bởi tôi cảm nhận được sức mạnh những bộ phim nói về các vấn đề xã hội, đó là phương thức đạo diễn có thể trình bày quan điểm của mình về xã hội.
Sau này chúng tôi không được xem nhiều phim Ba Lan nữa. Thực tế là tôi có một người bạn ở Ba Lan, bạn ấy sang đây và có hỏi tôi là làm sao chiếu được phim Ba Lan ở Việt Nam. Tôi có quảng cáo phim Ba Lan với đơn vị phát hành ở Việt Nam thì nhận được câu trả lời là: Khán giả trong nước chỉ quan tâm nhiều tới điện ảnh Mỹ, hay một số nền điện ảnh nổi tiếng châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc… Tôi thấy đó là điều đáng tiếc bởi có những nền điện ảnh nhỏ nhưng vẫn có những phim rất hay.
Hội thảo là một trong những cách thúc đẩy điện ảnh Việt Nam và Ba Lan đi đến nhiều hợp tác. Việt Nam có cảnh quan đẹp, phong phú, nền văn hoá đa dạng, chi phí lao động rẻ... hy vọng trong tương lai sẽ có thể sản xuất những bộ phim cả hai nước đều quan tâm”.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc HANIFF 2018, đánh giá, hội thảo là sự kiện quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam, đặt nền móng cho mối quan hệ giữa điện ảnh Việt Nam và Ba Lan. Từ đây, các nhà điện ảnh hai nước sẽ có sự chia sẻ, sự hợp tác sẽ có triển vọng rõ rệt.
Trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ V năm 2018 diễn ra từ 27-31/10, khán giả sẽ được thưởng thức các bộ phim có nội dung đặc sắc của điện ảnh Ba Lan đã đạt nhiều giải thưởng uy tín của quốc tế như: Ashes and Diamonds - Tro tàn và Kim cương (1958), Nights and Days - Đêm và Ngày (1975), The Promised Land - Miền đất hứa (1975), The Pianist - Nghệ sĩ dương cầm (2002), Tatarak - Ngọt ngào vội vã (2009), Ida (2013), One way ticket to the moon – Vé lên mặt trăng (2013), Silent night - Đêm yên tĩnh (2017)…
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất